Nga làm lành với 'kẻ thù' khó chịu

Cuộc họp Bộ Tứ Normandy ở thủ đô Paris cho thấy, dù con đường phía trước còn dài nhưng có thể đã có ánh sáng lóe lên cuối đường hầm trong tiến trình tháo gỡ cuộc nội chiến nghiêm trọng ở Ukraine.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky cùng với Tổng thống Pháp Macron trong cuộc gặp ở thủ đô Paris

Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky cùng với Tổng thống Pháp Macron trong cuộc gặp ở thủ đô Paris

Ban đầu, các điềm báo đều không tốt. Một ngày thứ Hai hỗn loạn ở thủ đô của Pháp khi một cuộc đình công của ngành giao thông khiến hệ thống xe buýt và tàu điện ngầm bị tê liệt và kéo theo đó là tình trạng ách tắc với các phương tiện giao thông nối thành hàng dài. Tuy nhiên, đến buổi chiều, mặt trời bắt đầu hé ra sau những đám mây. Có lẽ đây là dấu hiệu thể hiện cuộc họp Bộ Tứ Normandy lần đầu tiên đươc nối lại sau khi bị đình trệ vài năm qua.

Trong khi người Paris tiến hành đình công thì Tổng thống Vladimir Putin và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky có cuộc gặp trực tiếp đầu tiên – Tổng thống của hai nước Nga và Ukraine lần đầu tiên ngồi dưới cùng một mái nhà. Chỉ cách đây một thập kỷ, nếu ai đó nói về việc sẽ khó khăn thế nào để sắp xếp một cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo hai nước Nga và Ukraine thì người đó chắc chắn bị cho là điên rồ, ngớ ngẩn. Tuy nhiên, trong gần sáu năm qua, khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine diễn ra, đây chính xác là điều đã xảy ra. Nga và Ukraine giống như hai kẻ thù không đội trời chung với nhau và đương nhiên việc sắp xếp một cuộc gặp giữa Tổng thống hai nước Nga và Ukraine cực kỳ là khó khăn. Điều đó đã được chứng minh trong gần 6 năm qua.

Dưới thời chính quyền Tổng thống Petro Poroshenko, Kiev theo đuổi một chính sách chống Nga mạnh mẽ và quyết liệt. Trong suốt mấy năm qua, Kiev liên tục đổ lỗi, cáo buộc cho Nga đã gây ra cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng ở đất nước của họ cũng như kích động cuộc xung đột đẫm máu ở miền đông. Kiev tố cáo Moscow đưa quân và vũ khí vào hậu thuẫn cho lực lượng ly khai miền đông Ukraine. Hòa bình cho miền đông Ukraine khi đó là không thể bởi ông Poroshenko luôn giữ lập trường cứng rắn, không nhượng bộ.

Tuy nhiên, tình hình đang có các dấu hiệu khả quan, đáng hy vọng khi ông Zelensky và người đồng cấp Putin đang có những bước đi nhằm tháo gỡ tình hình ở miền đông Ukraine. Bộ Tứ Normandy gồm Đức, Pháp, Nga và Ukraine đã nỗ lực tìm cách phá vỡ thế bế tắc để giải quyết cuộc xung đột ở miền đông Ukraine. Cuộc họp ngày hôm qua tuy chưa đạt được bước đột phá nhưng đã có dấu hiệu đáng hy vọng. Cụ thể, Tổng thống Putin và người đồng cấp Zelensky đã đưa ra cam kết mới về việc thực thi lệnh ngừng bắn, nhất trí thiết lập ba vùng phi quân sự mới ở miền đông Ukraine đồng thời cam kết thúc đẩy việc trao đổi tù nhân và mở thêm các con đường đi lại cho người dân giữa miền đông Ukraine và vùng còn lại. Tất cả kết quả này đều mang tính tích cực và hơn nữa hai bên còn cam kết sẽ tiến hành một cuộc gặp thêm nữa trong 4 tháng tới.

Những vấn đề khó giải quyết và đặc biệt nhạy cảm như Crimea hay việc Kiev giành lại quyền kiểm soát miền đông Ukraine hiện tại vẫn chưa được đề cập đến.

Trước thềm cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Nga và Ukraine, ông Zelensky đã nhận được lời cảnh cáo thẳng thừng từ các đảng đối lập Ukraine rằng ông này sẽ phải đối mặt với số phận bi thảm tương tự như nhà cựu lãnh đạo Viktor Yanukovych nếu ông nhượng bộ trước Nga. Ông Yanukovych đã bị lật đổ hồi tháng Hai năm 2014 sau khi các cuộc biểu tình bạo lực bùng lên ở trung tâm thủ đô Kiev – nơi khoảng 100 người đã thiệt mạng. Ông Yanukovych đã phải chạy trốn sang Crimea và sau đó là thành phố Rostov-on-Don ở phía nam nước Nga. Cựu Tổng thống Ukraine cho rằng, liên tục có những âm mưu nhằm ám sát ông.

Kiệt Linh

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/quoc-te/201912/nga-lam-lanh-voi-ke-thu-kho-chiu-1744ad0/