Nga lại khiến Mỹ 'mất ăn mất ngủ'

Ông Ryamizard Ryacudu - Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia cho biết, Jakarta trông đợi mau chóng nhận được lô chiến đấu cơ Su-35 mua của Nga và việc bàn giao sẽ bắt đầu sau khi hoàn tất thỏa thuận dứt khoát giữa một số Bộ ngành của Indonesia.

Bên lề cuộc họp của những người đứng đầu cơ quan quân sự ASEAN và các đối tác Đối thoại ADMM+ tại Singapore, ông Ryamizard Ryacudu cho biết: "Indonesia đang trông đợi sớm nhận được các chiến đấu cơ, chúng tôi rất quan tâm đến việc này. Các bên đã bắt tay thực hiện thỏa thuận".

Tuy nhiên, người đứng đầu cơ quan quân sự Indonesia cho biết: "Tôi cần hoàn tất vấn đề điều phối cuối cùng, dứt điểm thỏa thuận với Bộ Tài chính và Bộ Thương mại về một số chi tiết gắn với thủ tục thanh toán hợp đồng. Về phía Bộ Quốc phòng thì mọi vấn đề đã được giải quyết ổn thỏa".

Ngoài ra, Bộ trưởng Ryamizard Ryacudu khẳng định rằng "Indonesia sẽ không bao giờ hủy bỏ" hợp đồng cung cấp máy bay, bất kể lệnh trừng phạt của Mỹ chống Nga.

Trước đó, hồi tháng 2/2018, Indonesia đã ký thỏa thuận với Nga về việc mua 11 máy bay Sukhoi hiện đại, hợp đồng trị giá 1,14 tỷ USD. Theo thỏa thuận ghi nhớ, để đổi các máy bay chiến đấu Sukhoi do Nga sản xuất, Moscow sẽ lấy các hàng hóa của Indonesia gồm dầu cọ, cà phê, cao su và trà với tổng trị giá là 570 triệu USD, tương đương 1 nửa thương vụ mua máy bay Sukhoi. Các máy bay Su-35 sẽ thay thế các tiêm kích Mỹ F-5E / F Tiger II trong Phi đội 14 của Không quân Indonesia. Như dự định, vào tháng 8 năm 2019 Indonesia sẽ nhận được hai chiếc máy bay đầu tiên của Nga.

Vào tháng 8/2017, Mỹ đã hợp pháp hóa quyền áp dụng biện pháp trừng phạt đối với các quốc gia ký kết hợp đồng lớn với Liên bang Nga về việc cung cấp các sản phẩm quân sự. Quy tắc này được nêu trong luật Chống những đối thủ của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA).

Tuy nhiên, vào cuối tháng 7/2018, Quốc hội Mỹ đã thông qua dự thảo Luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) cho năm tài khóa 2019, cho phép không áp đặt các biện pháp trừng phạt chống lại Ấn Độ, Việt Nam và Indonesia. Theo các chuyên gia, Washington coi các quốc gia này là thị trường đầy triển vọng, và các biện pháp hạn chế có thể gây hại cho lợi ích thương mại của Mỹ.

Theo Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), trong những năm 2013-2017, Mỹ và Nga giữ vị trí hàng đầu trong lĩnh vực xuất khẩu vũ khí, trong tổng kim ngạch xuất khẩu vũ khí toàn cầu Mỹ chiếm 34%, Nga — 22%. Sự cạnh tranh gay gắt giữa Moscow và Washington thể hiện rõ nhất trên các thị trường đang phát triển ở khu vực Đông Nam Á. Vào tháng 1/2018, một nguồn tin trong Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết rằng, các nhà ngoại giao Mỹ đang cố gắng (và đạt thành công) để ngăn cản một số quốc gia mua vũ khí của Nga.

Tuy nhiên, theo chuyên gia Nga, thị phần của Nga trên thị trường vũ khí của khu vực (45-50%) làm Mỹ "mất ăn mất ngủ".

Ông Andrei Krasov, Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban Duma Nga về quốc phòng, nhận xét: "Việc Mỹ cố gắng thuyết phục các nước khác từ bỏ việc mua vũ khí và trang thiết bị quân sự tiên tiến là một ví dụ rõ ràng về sự cạnh tranh không công bằng".

Sukhoi Su-35S là máy bay tiêm kích hạng nặng, tầm xa, đa năng có khả năng chiếm ưu thế trên không và yểm hộ hỏa lực mặt đất .

Tính năng chiến đấu của Su-35 có thể tương đương với nhiều dòng máy bay thế hệ 5. Nó được ca ngợi là “máy bay tiêm kích thế hệ 4++ sử dụng công nghệ thế hệ thứ 5”.

Máy bay chiến đấu Su-35 được trang bị một khẩu pháo 30mm với 150 viên đạn, và có thể mang tới 8 tấn vũ khí trên 12 giá treo bên ngoài. Loại máy bay chiến đấu tối tân này có thể bay 6.000 giờ với thời gian sử dụng khoảng 30 năm.

Tiêm kích Su-35 có thế đạt tốc độ tối đa đạt 2,5 nghìn km/h và có tầm bay lên đến 3,4 nghìn km. Bán kính tác chiến của máy bay tiêm kích này đạt 1,6 nghìn km.

Máy bay chiến đấu ưu việt Su-35 hoạt động bằng hai động cơ phản lực 117S có véc-tơ điều khiển cung cấp lực đẩy.

Su-35 sở hữu khả năng tấn công hiệu quả vượt trội hơn so với rất nhiều loại chiến đấu cơ tối tân khác cùng loại của phương Tây khi có thể tấn công cùng lúc nhiều mục tiêu trên không bằng việc sử dụng cả các tên lửa và hệ thống vũ khí có điều khiển và không điều khiển. Cụ thể, máy bay tiêm kích Su-35 thế hệ 4++ có thể cùng một lúc theo dõi 30 mục tiêu, phát hiện mục tiêu ở cách xa 400km và tấn công đồng thời 8 mục tiêu trên không, hoặc cùng một lúc theo dõi 4 mục tiêu và tấn công 2 mục tiêu trên mặt đất.

Bộ Quốc phòng Nga đã ký một hợp đồng mua 48 chiếc máy bay chiến đấu đa năng Su-35 của Sukhoi năm 2009. Việc mua sắm Su-35 cho Lực lượng Không quân Nga được thực hiện trong chương trình vũ khí quốc gia giai đoạn 2011-2020 với tổng kinh phí lên tới hàng ngàn tỷ rúp.

Su-35 cất cánh lần đầu tiên vào ngày 19/2/2008 và bắt đầu được sản xuất hàng loạt từ ngày 3/5/2011.

Su-35 cũng là loại vũ khí được rất nhiều nước ngoài Nga thèm muốn. Được biết, nhiều khách hàng ở khu vực Đông Nam Á, Trung Đông và Nam Mỹ đang đàm phán với tập đoàn Sukhoi để mua Su-35.

Đan Khanh (tổng hợp)

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/quan-su/201810/nga-lai-khien-my-mat-an-mat-ngu-617320/