Nga không phá hủy vì 9M729 chỉ bắn xa 500km

Bộ Ngoại giao Nga vừa tái khẳng định, quân đội nước này sẽ không phá hủy tên lửa đạn đạo 9M729 vì tầm bắn của chúng không vi phạm INF.

Hãng Sputnik dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga cho biết: "Chúng tôi không thể phá hủy các tổ hợp có tên lửa 9M729 mà Washington tuyên bố là trái với Hiệp ước INF, vì không có bất kỳ căn cứ gì cho điều đó".

Việc tái tuyên bố không phá hủy 9M729 được Nga đưa ra với lý do hết sức đơn giản bởi tên lửa 9M729 thực chất chỉ là bản nâng cấp về hệ thống dẫn đường và đầu đạn từ phiên bản 9M728 đang trang bị cho tổ hợp Iskander-K, nó có tầm bắn trong khoảng 50 - 480 km, tức là còn nhỏ hơn tên lửa 9M728 10 km và dĩ nhiên là không vi phạm điều khoản nào của INF.

Chính vì vậy, yêu cầu của Mỹ về việc phá hủy tất cả các tên lửa 9M729 là hoàn toàn không thể chấp nhận được đối với Nga bởi vũ khí này có tầm bắn ngắn hơn nhiều so với những thông tin Mỹ nêu ra trước đó. Mỹ và NATO nhiều lần khẳng định, hệ thống tên lửa 9M729 của Nga cũng được biết đến với tên gọi SSC-8, vi phạm Hiệp ước INF, vốn cấm các loại tên lửa phóng từ mặt đất trong phạm vi từ 500-5.500km.

Quan chức Mỹ thừa nhận, với tầm bắn gần 5.500km và hành trình bay phức tạp, tên lửa hành trình 9M729 mới của Nga được coi là mối đe dọa không thể đối phó không chỉ đối với Mỹ mà cả đồng minh châu Âu. Trong khi thừa nhận không thể đánh chặn, "Mỹ sẽ có cách phá hủy 9M729", Đại sứ Mỹ tại NATO Kay Bailey Hutchison tuyên bố.

Tuyên bố trên được bà Kay Bailey Hutchison đưa ra khi trò chuyện với truyền thông quốc tế ở Brussels, trước thềm cuộc họp cùng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis và những người đồng cấp của ông tại NATO.

Bà Kay Bailey Hutchison cho rằng, Nga phải dừng việc phát triển những tên lửa mới có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân, đồng thời cảnh báo Mỹ có thể loại bỏ hệ thống này ngay trên mặt đất nếu nó đi vào hoạt động. Vậy nếu tấn công 9M729 trên mặt đất, Mỹ có thể chọn đòn tấn công nào? Theo nhận định của The National Interest, thực tế việc Mỹ đưa ra tuyên bố trên là đã tính đến kế hoạch đánh phủ đầu bằng tên lửa tầm xa.

Washington dự định sẽ xem xét lại kế hoạch hành động trong trường hợp xảy ra cuộc xung đột vũ trang "không lường trước" với Moscow. Trong đó, nhấn mạnh khả năng tấn công phủ đầu để phá vỡ lưới lửa phòng thủ khu vực mạnh mẽ và lực lượng tên lửa tấn công tầm xa của Nga.

Ngoài ra, Washington cũng tính đến nhiều phương án tấn công khác nhau, từ các cuộc tấn công không gian mạng đến sử dụng vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, khó có thể nói rằng Washington mong muốn viễn cảnh buộc phải lựa chọn phương án tấn công tấn công Moscow.

Với tiềm lực hạt nhân còn mạnh hơn cả Mỹ, nếu cú đánh đầu tiên không đạt được hiệu quả, Lầu Năm Góc thừa biết hậu quả sẽ như thế nào khi Moscow phản đòn. Chính vì vậy, truyền thông Nga cho rằng, tuyên bố của bà Kay Bailey Hutchison không mang nhiều ý nghĩa quân sự. (Tuấn Vũ)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/anh-nong/nga-khong-pha-huy-vi-9m729-chi-ban-xa-500km-3376607/