Nga không cần bánh vẽ G7

Người Nga nhận thức rõ vấn đề khi các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ, chìa ra 'miếng mồi' G7. Nga không tự ái mà rất thực tế.

Nga không bỏ mồi bắt bóng

Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn hoãn Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và mời thêm Nga, Hàn Quốc, Australia và Ấn Độ tham gia hội nghị thượng đỉnh mở rộng vào mùa Thu năm nay. Nhà lãnh đạo Mỹ cho rằng định dạng hiện tại của G7 “đã lỗi thời”.

Người Nga hiện đang tỏ ra rất băn khoăn trước động thái của Mỹ và cũng chú ý đến chi tiết Trung Quốc tuy là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới lại không nhận được lời mời từ Washington. Sputnik đặt ra câu hỏi Moscow có thể chấp nhận mối quan hệ tình bạn bang giao để chống lại Bắc Kinh.

Mỹ muốn biến G7 thành G11 chống Trung Quốc?

Mỹ muốn biến G7 thành G11 chống Trung Quốc?

Đây không phải là năm đầu tiên các bên thảo luận về khả năng trở lại định dạng G8 với sự tham gia của Nga. Hồi năm 2018, ông Trump đã nói: “Cho dù chúng ta có thích hay không, chúng ta có một thế giới cần được quản lý”. Tổng thống Pháp cũng có ý kiến tương tự khi hồi mùa hè năm 2019, sau cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nói rằng, nếu không có G8, không thể tìm giải pháp cho vấn đề Ukraine.

Tuy nhiên, các nước phương Tây khi đó đã đặt ra điều kiện tiên quyết để Nga quay trở lại G8. Sputnik dẫn lời chuyên gia Alexei Kuznetsov, Viện Hàn lâm Khoa học Nga, nói: “Trong G7, chúng tôi chỉ có thể ngồi vào ghế phụ, chỉ trong thời gian chiến dịch chống Trung Quốc, và sau một hoặc hai năm nữa họ sẽ đẩy Nga ra khỏi nhóm này".

Ông Alexei Kuznetsov nói thêm: “Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng, trong chính trị và kinh tế thế giới không có chỗ cho cảm xúc, và Nga nên cân nhắc kỹ về lợi ích của mình. Cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng những đề xuất cụ thể của châu Âu, Mỹ và Trung Quốc”.

Năm 2014, khi Nga bị loại khỏi G8, Moscow bắt đầu xích lại gần hơn với Bắc Kinh. Sputnik chỉ thẳng hợp tác với Trung Quốc không phải lúc nào cũng dễ dàng. Ví dụ được đưa ra là việc các ngân hàng Trung Quốc từ chối phục vụ các pháp nhân và cá nhân Nga do các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Nga sẽ không bỏ mồi bắt bóng vì miếng bánh vẽ G7?

Liên quan tới dịch COVID-19, Sputnik cho biết các nhà khoa học Nga đã nhận mẫu virus được lấy từ các bệnh nhân mắc COVID-19 không phải từ Bắc Kinh mà từ các đồng nghiệp châu Âu. Hãng tin Nga thậm chí còn cho biết người Nga, giống như những người nước ngoài khác, đôi khi phải đối mặt tâm lý bài ngoại ở Trung Quốc.

Mặc dù vậy, Sputnik vẫn biết rõ những lợi ích trong hợp tác với Trung Quốc. Một ví dụ được Sputnik dẫn ra là giữa lúc giá dầu giảm mạnh vào đầu mùa Xuân, Trung Quốc đã mua dầu thô của Nga với khối lượng kỷ lục lên tới 1,6 triệu tấn. Năm 2019, kim ngạch thương mại giữa hai nước đã vượt 110 tỷ USD.

Cũng theo Sputnik, Nga và Trung Quốc được liên kết bởi một “liên minh không được công bố”. Moscow giúp nước láng giềng tạo ra hệ thống cảnh báo tấn công tên lửa. Hai nước thường xuyên tổ chức những cuộc tập trận quân sự chung. Moscow sử dụng những phát triển của Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ 5G. Đồng thời, cả hai quốc gia đều nằm trong danh sách “các cường quốc muốn xem xét lại trật tự thế giới” do Mỹ lập ra.

Sputnik dẫn lời chuyên gia Temur Umarov, cố vấn tại Trung tâm Carnegie Moscow, cho rằng Điện Kremlin sẽ không làm hỏng mối quan hệ với đối tác quan trọng nhất chỉ để tham dự hội nghị G7. Ông Umarov chỉ thẳng Trung Quốc đã trở thành đối thủ chính của Mỹ dưới thời ông Trump và Mỹ đang cố gắng để Nga ít nhất giữ thái độ trung lập trong cuộc đối đầu này.

Nga "cảm kích" bán được dầu khí cho Trung Quốc giữa lúc khó khăn

Với những lý do trên, Sputnik kết luận rằng, trong mọi trường hợp, Nga sẽ không trở lại G7. Sputnik viết: “Không có lý do chính đáng để trở lại nơi mà bạn đã bị ‘đá’ ra một lần”. Do đó, cuộc thảo luận về Trung Quốc không phải là chủ đề có thể khiến ông Putin thực hiện chuyến đi vượt đại dương vào tháng 9/2020.

Thư ký báo chí của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov cũng cho rằng hiện có các cơ chế đối thoại quốc tế, cho phép lãnh đạo các nước tham gia có thể trao đổi mọi vấn đề một cách hiệu quả như Hội nghị thượng đỉnh G20.

Nga không tự ái mà là rất thực tế

Ngày 30/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định hoãn hội nghị G7 mà nước này muốn chủ trì ngay trong tháng 6, đồng thời cho biết ông muốn mời thêm Australia, Nga, Hàn Quốc và Ấn Độ tham gia hội nghị có thể diễn ra vào tháng 9 tới hoặc muộn hơn. Ông Trump giải thích: “Tôi muốn hoãn cuộc họp vì cảm thấy G7 không đại diện cho những gì đang diễn ra trên toàn thế giới. Đây là một nhóm quốc gia vô cùng lỗi thời”.

Người phát ngôn Nhà trắng Alyssa Farah cho biết, ông Trump muốn đưa các đồng minh của mình và một số nước bị ảnh hưởng bởi dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona chủng mới (COVID-19) vào cuộc họp này để bàn về “tương lai của Trung Quốc”.

Nga khó hài lòng khi ngồi chung với các nước đang bao vây cô lập mình

Phản ứng trước động thái của Mỹ, Điện Kremlin ngày 2/6 cho rằng đề xuất của Tổng thống Trump mời Nga tham dự hội nghị G7 mở rộng trong năm nay đã làm gia tăng nhiều nghi vấn hơn so với việc cung cấp lời đáp, song các nhà ngoại giao Nga sẽ tìm kiếm sự rõ ràng từ Washington.

Thư ký báo chí của Tổng thống Nga, ông Peskov nhấn mạnh: "Đây là một định dạng mà Nga không tham gia và do đó chúng tôi đã nói ngay từ đầu rằng tại thời điểm này có nhiều nghi vấn vào lúc này hơn là câu trả lời". Ông Peskov cho biết Nga sẽ tìm kiếm thêm thông tin chi tiết về đề xuất của ông Trump từ phía Washington thông qua các kênh ngoại giao.

Người Nga rõ ràng đã nhận thức rất rõ vấn đề khi được các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ, chìa ra “miếng mồi” G7. Không kể đến sự “tự ái” của một cường quốc đang bị bao vây cô lập, người Nga đã rất thực tế khi nói thẳng mục đích của Mỹ và phương Tây cũng như viễn cảnh lại bị “đuổi” khỏi G7 một lần nữa khi sự tham gia của Nga hết tác dụng.

Ngoài ra, sự cảnh giác và thái độ phớt lờ của Nga còn có tác dụng như một đòn đánh vào sự đoàn kết của nội bộ các cường quốc phương Tây hàng đầu. Việc mời Nga tham dự G7 cho đến nay đã nhiều lần gây chia rẽ giữ Mỹ với các đồng minh.

Nga là nhân tố góp thêm phần chia rẽ nội bộ G7

Ngày 2/6, người phát ngôn của Liên minh châu Âu (EU) cho biết khối này coi Hội nghị thượng đỉnh G7 là cơ chế hợp tác đa phương quan trọng, vốn không thể bị thay đổi về thể thức chỉ bằng đề nghị của nước đang giữ chức Chủ tịch. Người phát ngôn của EU nói: “Sự tham dự của Nga trong hội nghị G8 đã bị tạm dừng cho tới khi Moskva thay đổi quan điểm và xây dựng mội trường cho phép hội nghị có lại các cuộc thảo luận hiệu quả”.

Trước đó, ngày 1/6, người phát ngôn Chính phủ Anh cho biết nước này không ủng hộ việc kết nạp lại Nga vào G7. Người phát ngôn của Thủ tướng Johnson nói: "Chúng tôi sẽ chờ xem thông tin chi tiết về những gì mà Mỹ đề xuất. Theo thông lệ, các nước giữ chức chủ tịch G7 có thể mời lãnh đạo nước khác tham gia với tư cách khách mời trong hội nghị. Nga đã bị loại ra khỏi G7 sau khi vụ sáp nhập bán đảo Crimea và chúng tôi chưa nhận thấy sự thay đổi trong cách hành xử để chấp nhận việc tái gia nhập của Moscow... Chúng tôi không ủng hộ việc tái kết nạp Nga làm thành viên của nhóm G7".

Thủ tướng Canada Justin Trudeau ngày 1/6 cũng tuyên bố không ủng hộ Nga quay trở lại G7 như đề xuất của Tổng thống Mỹ. Giống như Anh, ông Trudeau đã đề cập đến sự kiện Moscow sáp nhập bán đảo Crimea và cho rằng “việc Nga tiếp tục không tôn trọng các quy tắc và chuẩn mực quốc tế là lý do tại sao nước này vẫn ở ngoài G7 và sẽ tiếp tục ở ngoài nhóm này”.

Đông Triều

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/nga-khong-can-banh-ve-g7-3404264/