Nga khôn khéo khiến Mỹ nể phục ở Trung Đông

Nga không chỉ thể hiện sức mạnh quân sự mà còn khôn khéo để chuyển hóa đối thủ ở Trung Đông và khiến Mỹ phải nể phục.

Định hình từ Sochi

Liên quan tới cuộc chiến tại Syria, ngay cả tờ The National Interest của Mỹ cũng phải thừa nhận số phận địa chính trị của khu vực Trung Đông đang được tái định hình tại thành phố Sochi - quê nhà của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Đầu tiên, nhà lãnh đạo Syria Bashar al-Assad đã thực hiện một chuyến thăm bất ngờ tới Nga hồi đầu tuần nhằm cảm ơn sự ủng hộ của nước Nga và cam kết sẽ hợp tác với các nỗ lực do Nga đứng đầu nhằm tìm ra một giải pháp cho cuộc khủng hoảng ở Syria trong bối cảnh ông biết rằng quốc tế không còn coi việc ông rút khỏi quyền lực là một trong những điều kiện tiên quyết nữa.

Tiếp đến, Tổng thống Putin đã gọi điện cho Quốc vương Salman của Saudi Arabia để thông báo ngắn gọn về các cuộc thảo luận với Tổng thống Assad và để "nghe ngóng" những nỗ lực của Saudi Arabia trong việc ủng hộ sự thay đổi nhân sự trong danh sách lãnh đạo của phe đối lập Syria, một nỗ lực nhằm loại bỏ hoặc gạt ra ngoài lề những nhân vật lớn tiếng nhất trong việc phản đối bất cứ sự thỏa hiệp nào với ông Assad.

Tổng thống Nga chủ trì cuộc gặp thượng đỉnh 3 bên tại Sochi hôm 22/11

Tổng thống Nga chủ trì cuộc gặp thượng đỉnh 3 bên tại Sochi hôm 22/11

Cuối cùng, tổng thống của hai nước Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đã đến Sochi để tham dự cuộc họp ba bên Nga-Iran-Thổ nhằm thảo luận về tiến trình chuyển tiếp tại Syria.

Tổng thống Putin cũng đã gọi điện cho người đồng cấp Mỹ Trump để thông báo với Nhà Trắng các sự kiện này, nhưng với một quan điểm rõ ràng: Moscow thông báo cho Washington vì lịch sự chứ không phải để xin phép hay nhờ Mỹ chỉ đạo làm điều gì, kể cả là tham gia vào nỗ lực của Nga.

Tờ tạp chí Mỹ cho rằng các nỗ lực của Nga có thể sẽ thất bại song Nga vẫn đang gặt hái được nhiều "trái ngọt" từ sự nỗ lực của mình. Quan trọng hơn, hội nghị thượng đỉnh Sochi chính là lời khẳng định rằng một trật tự mới đang được định hình tại khu vực.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã thay đổi lập trường một cách rõ rệt: Ông không còn coi việc ngăn chặn sự mở rộng hay nổi lên của Nga ở khu vực Đông Địa Trung Hải hoặc Trung Đông là lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ nữa.

Đối với Iran, cơ chế ba bên này, cùng với sự nổi lên của hành lang vận chuyển Bắc-Nam, đều là những đảm bảo rằng Iran không thể một lần nữa bị cô lập về chính trị và kinh tế.

Người dân Syria tuần hành ủng hộ chính phủ và quan hệ mật thiết với NGa gần Đại sứ quán Nga tại Damascus hồi đầu năm 2012

Còn với Tổng thống Putin, sự dàn xếp mới với hai cường quốc lớn của khu vực, vốn là những đối thủ địa chính trị truyền thống của Nga, là một phép thử quan trọng về cách tiếp cận của ông trong các vấn đề quốc tế.

Thực tế, Nga đã đạt được một số thành công tại Syria, chẳng hạn như thỏa thuận ngừng bắn khu vực và thiết lập các vùng an toàn tại thực địa.

Nếu những tiến triển này có thể đem lại một giải pháp cuối cùng cho Syria - trong đó không có sự can thiệp của Mỹ - thì không có lý do gì lại không áp dụng cơ chế ba bên này để giải quyết các vấn đề khác, đầu tiên là với vấn đề người Kurd, và tiếp đến là cuộc xung đột hóc búa Nagorno-Karabakh bị đình trệ lâu nay giữa Mỹ và Azerbaijan.

Theo tạp chí Mỹ, điều thực sự Nga muốn "gặt hái" không phải là những "giải thưởng ngoại giao" mà quan trọng là Moscow đã thuyết phục Ankara và Tehran rằng khu vực Biển Đen và Biển Ba Tư không cần có sự can thiệp hoặc hiện diện của Mỹ.

Việc đẩy được Thổ Nhĩ Kỳ - vốn là một nhân tố từng quyết tâm hành động như một rào cản ngăn chặn sự mở rộng ảnh hưởng của Nga nhân danh các đồng minh phương Tây - trở thành một nhân tố trung lập hiệu quả mới là một thành tựu địa chính trị quan trọng.

Dựa vào đó, những bước đi tiếp theo của Moscow sẽ là thử nghiệm và định hình những quy tắc mới của cuộc chơi ở Trung Đông, trong đó Nga là một vị trọng tài không thể thiếu.

The National Interest cho rằng nếu Nga đảm nhiệm được vai trò này, các nỗ lực nhằm cô lập và gây áp lực lên Nga, trong đó có các loạt trừng phạt hiện nay, sẽ phải chấm dứt.

Những bước đi của Nga không chỉ giúp nước này giành chiến thắng về ngoại giao mà còn tạo lập vị thế quyết định trong việc duy trì sức mạnh Nga với tư cách là một trong những cường quốc lớn nhất thế giới. Tạp chí Mỹ thậm chí còn hy vọng Nga có thể lặp lại thành công Trung Đông ở khu vực Đông Á, ám chỉ vấn đề hạt nhân, tên lửa Triều Tiên vốn đang khiến Mỹ quay cuồng.

Đông Triều

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/nga-khon-kheo-khien-my-ne-phuc-o-trung-dong-3347868/