Nga khánh thành nhà máy khí tự nhiên hóa lỏng tại Bắc Cực

Ngày 8/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã khánh thành một nhà máy khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) trị giá 27 tỷ USD tại vùng Siberia quanh năm băng tuyết ở Bắc Cực, với tham vọng Nga sẽ vượt Qatar trở thành nhà xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới.

Dự án Yamal ở Bắc Cực.

Phát biểu tại lễ khai trương tại cảng Sabetta ở bán đảo Yamal với Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Khalid al-Falih và nhiều quan chức cấp cao khác, Tổng thống Putin tuyên bố: "Đây là một ngày trọng đại đối với chúng ta. Đây là một dự án quy mô lớn đối với Nga".

Giữa cái lạnh âm 28 độ C ở Bắc Cực, Tổng thống Nga đã chứng kiến lô khí đốt đầu tiên được chuyển lên một tàu phá băng từ nhà máy Yamal LNG. Tàu này được đặt tên theo ông Christophe de Margerie, cựu Giám đốc điều hành (CEO) của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Pháp (Total) đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn tại Moskva năm 2014.

Nhà sản xuất khí đốt tư nhân Novatek của Nga đã hợp tác với Total và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) thực hiện dự án xây dựng nhà máy trên. Nhà máy này dự kiến bắt đầu hoạt động với sản lượng 5,5 triệu tấn/năm và tăng lên 16,5 triệu tấn vào đầu năm 2019.

Chủ tịch và CEO của Total, ông Patrick Pouyanne đã đề cao mức chi phí "đặc biệt thấp" của dự án trên. Ông nhấn mạnh liên doanh giữa 3 nước đã "xây dựng một nhà máy LNG đẳng cấp thế giới trong các điều kiện khắc nghiệt để khai thác nguồn tài nguyên khí đốt mênh mông ở bán đảo Yamal".

Qatar hiện là nhà xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới. Nga, nước xuất khẩu khí đốt lớn nhất thế giới, phụ thuộc phần lớn vào thu nhập từ các hóa đơn bán khí đốt sang châu Âu. Với nhà máy LNG Yamal, Nga muốn tăng cường sự hiện diện của mình trên thị trường châu Á và chứng tỏ khả năng khai thác các mỏ khí tự nhiên tại Bắc Cực.

Bán đảo Yamal là nơi có trữ lượng khí đốt lớn, nhưng đây là một vùng cách biệt nằm ở phía trên Vòng Cực Bắc, cách thủ đô Moskva khoảng 2.500km và được bao bọc trong băng tuyết hầu như cả năm, với nhiệt độ có thể xuống tới âm 50 độ C. Từ khi nhà máy được khởi công xây dựng cuối năm 2013, một sân bay và một cầu cảng cũng đã được xây dựng đồng thời với các hồ chứa khí và nhà máy LNG.

Dù dự án đã hoàn thành nhưng nhà máy Yamal LNG vẫn phải đối mặt với nhiều nguy cơ. Chuyên gia cho biết những tháng tới sẽ cho thấy liệu nhà máy có thể vận hành bình thường trong môi trường khắc nghiệt ở Bắc Cực hay không. Trong khi đó, tính khả thi của việc vận chuyển qua Tuyến đường biển phía Bắc vẫn chưa được nghiên cứu. Nga hy vọng đây sẽ là tuyến đường vận chuyển dễ dàng hơn để vươn tới các thị trường châu Á. Tuyến đường dọc theo bờ biển phía Bắc Siberia cho phép tàu thuyền giảm bớt 15 ngày trong hành trình tới các cảng châu Á so với tuyến đường thông thường đi qua Kênh đào Suez.

TTXVN/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/the-gioi/nga-khanh-thanh-nha-may-khi-tu-nhien-hoa-long-tai-bac-cuc-20171208223718413.htm