Nga khẳng định sức mạnh chi phối trên thị trường lúa mỳ

Ảnh hưởng, chi phối của Nga đối với thị trường lúa mỳ thế giới ngày một lớn.

Thu hoạch lúa mỳ tại Nga. Ảnh: Reuters

Thu hoạch lúa mỳ tại Nga. Ảnh: Reuters

Trong vòng 20 năm, từ chỗ là nước phải nhập khẩu, Nga đã trở thành nước xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất, chiếm 20% sản lượng xuất khẩu của thế giới. Đất đai màu mỡ, mùa vụ thu hoạch năng suất cao cùng với giá sản phẩm cạnh tranh – đó là các nhân tố giúp Nga trở thành tay chơi lớn trên thị trường này.

Hơn 100 nước là khách hàng nhập khẩu lúa mỳ của Nga và Nga đang tìm cách mở rộng danh sách này bằng cách thâm nhập các thị trường mà mặt hàng này của Nga bị đẩy ra ngoài bởi các quy định về chất lượng ngũ cốc. Tham vọng đó vừa có cột mốc đáng nhớ, với việc Algeria bật đèn xanh cho phép nhập khẩu lúa mỳ từ Nga. Trước đó, năm 2019, mặt hàng xuất khẩu Nga cũng đã xâm nhập thành công thị trường Saudi Arabia.

Ông James Bolesworth, Giám đốc công ty tư vấn các mặt hàng nông sản CRM AgriCommodities có trụ sở tại Anh, nhìn nhận: Thế giới có thể chứng kiến mức tăng đều về sản lượng và xuất khẩu của Nga về lúa mỳ. Nga đã đầu tư lớn cho lĩnh vực này nhằm gia tăng thị phần và mức thị phần của Nga vẫn tiếp tục tăng.

Trung tuần tháng 9 vừa qua, Algeria cho biết nước này bắt đầu chấp nhận nhập khẩu lúa mỳ từ tất cả các nước, trong đó có Nga, bắt đầu từ đợt chào thầu tới. Tính đến thời điểm này, Nga mới chỉ xuất được một lượng nhỏ sản phẩm này tới Algeria - nước nhập khẩu lúa mỳ lớn thứ ba thế giới, nhưng cũng đưa ra yêu cầu cao về chất lượng, với tỉ lệ tổn thất do mối mọt gây ra phải ở mức thấp.

Một chuyến hàng thử nghiệm của Nga đã vượt qua rào cản chất lượng ở Algeria hồi đầu năm nay. Nhưng để lượng xuất khẩu đạt tới mức sản lượng lớn sẽ cần thêm thời gian. “Việc các nước nhập khẩu mở cửa cho các một số lượng lớn các nhà cung cấp là hợp lý. Việc làm này giúp họ tiếp cận được nguồn ngũ cốc với giá rẻ hơn trong thời gian tới”, Andrew Whitelaw thuộc hãng tư vấn Thomas Elder Markets của Australia nói.

Cùng với việc xuất chuyến hàng đầu tiên sang Saudi Arabia trong năm nay sau khi quốc gia Trung Đông này nới lỏng quy định về tổn thất mối mọt, Nga trước đó đã tăng mạnh lượng xuất khẩu lúa mỳ sang nhiều nước khác, từ Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil, Việt Nam cho tới Tanzania. Vừa có vụ mùa năng suất cao gần như nhất từ trước tới nay, Nga dự kiến sẽ xuất khẩu khoảng 37,5 triệu tấn lúa mỳ năm nay và tái khẳng định vị trí nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới.

Xuất khẩu lúa mỳ giá rẻ giúp Nga liên tục giành thêm thị phần xuất khẩu từ tay Mỹ và các nước trong Liên minh châu Âu (EU) trong một thập kỉ trở lại đây. Lúa mỳ của Nga chiếm thế áp đảo trong đơn hàng nhập khẩu của nhiều nước, như Ai Cập với hơn 80% lượng nhập khẩu lúa mỳ là từ Nga trong năm nay.

Từ mô hình hợp tác xã tập thể dưới thời Liên Xô cũ, nông dân Nga giờ đây được giao quyền sở hữu những cánh đồng, thửa đất màu mỡ để sản xuất nông nghiệp. Họ dùng chính nguồn tiền của mình để đầu tư cho phân bón, thiết bị sản xuất nhằm nâng cao sản lượng, năng suất, mở rộng nhà kho để tăng năng lực dự trữ để có thể đợi giá cao rồi mới xuất bán.

Theo ông Georgi Slavov, trưởng nhóm nghiên cứu cơ bản tại hãng môi giới Marex có trụ sở ở London, sản lượng, năng suất thu hoạch lúa mỳ của Nga đều rất tốt và đó là tiền đề để Nga khai phá các thị trường xuất khẩu mới. Chuỗi cung ứng chi phí thấp của Nga cũng giúp nước này giành được thị phần xuất khẩu từ tay những nhà cung ứng truyền thống như Mỹ.

Đơn hàng xuất khẩu lúa mỳ sang Algeria tăng sẽ là một cú đánh mạnh cho những nhà xuất khẩu của Pháp, nước hiện là nước cung cấp lúa mỳ lớn nhất cho Algeria. Cùng lúc, xuất khẩu lúa mỳ của Pháp ra ngoài thị trường EU cũng được dự báo giảm 50% trong năm nay.

Dù vậy, Nga cũng sẽ phải đối mặt với cạnh tranh gay gắt hơn trong những tháng tới, với các đối thủ là Canada và Australia, những nước có sản lượng lúa mỳ tăng trong thời gian gần đây.

Hoài Thanh/Báo Tin tức (Bloomberg)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/nga-khang-dinh-suc-manh-chi-phoi-tren-thi-truong-lua-my-20200930095813614.htm