Nga-Italy cam kết tăng cường hợp tác bất chấp lệnh trừng phạt của EU

Trong cuộc hội đàm tại Moskva ngày 24/10, Tổng thống nước chủ nhà Vladimir Putin và Thủ tướng Italy Giuseppe Conte đã cam kết tăng cường quan hệ kinh tế cũng như thúc đẩy quan hệ song phương.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Italy Giuseppe Conte. (Nguồn: Sputnik)

Bất chấp các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) đối với Nga, trong cuộc hội đàm tại Moskva ngày 24/10, Tổng thống nước chủ nhà Vladimir Putin và Thủ tướng Italy Giuseppe Conte đã cam kết tăng cường quan hệ kinh tế cũng như thúc đẩy quan hệ song phương.

Phát biểu tại cuộc họp báo chung, Thủ tướng Conte khẳng định mối quan hệ giữa Nga và Italy đang ở trong giai đoạn tuyệt vời, đồng thời cho rằng các biện pháp trừng phạt mà EU áp đặt đối với Nga là "công cụ lỗi thời," cần được dỡ bỏ càng sớm càng tốt.

Ông nêu rõ quan điểm của Italy rằng "các biện pháp trừng phạt chưa bao giờ là mục tiêu mà chỉ là công cụ cần được loại bỏ càng sớm càng tốt".

Ngoài ra, Thủ tướng Conte cũng cho rằng bất đồng giữa EU và Nga liên quan tới cuộc khủng hoảng tại miền Đông Ukraine đã kéo dài quá lâu, và Rome hy vọng có thể thuyết phục các đối tác EU về sự cần thiết của đối thoại.

Theo ông, cần phải giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine, nếu không, nó sẽ tác động rất tiêu cực đến quan hệ Nga-EU. Italy sẵn sàng góp phần tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng này, nhưng mọi giải pháp đều dựa trên cơ sở Thỏa thuận Minsk.

Thủ tướng Conte cũng nhấn mạnh sẵn sàng ủng hộ các doanh nghiệp nước này dự định phát triển hợp tác với Nga và trách nhiệm của Rome là tăng cường hợp tác công nghiệp với Moskva

Về phần mình, Tổng thống Putin coi Italy là một trong những đối tác kinh tế quan trọng nhất của Nga. Dù kim ngạch thương mại song phương trong năm 2017 chỉ đạt 24 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với mức gần 54 tỷ USD trong năm 2013 - thời điểm trước khi EU áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga, nhưng hai nước vẫn duy trì các mối quan hệ "rất nồng ấm" với sự ủng hộ của tất cả lực lượng chính trị.

Hợp tác đầu tư vẫn tiếp tục được thúc đẩy bất chấp các lệnh cấm vận. Hơn 500 công ty Italy đã đầu tư khoảng 5 tỷ USD vào các dự án phát triển tại Nga, chú trọng vào các lĩnh vực năng lượng, giao thông, công nghệ cao, thực phẩm.

Chưa kể, các mặt hàng dán mác "Made in Italy" cũng đang ngày một phổ biến tại Nga. Cũng theo Tổng thống Putin, hiện Nga đang hướng tới việc tạo điều kiện thuận lợi nhất cho đầu tư nước ngoài, trong đó có Italy.

Sau cuộc hội đàm, hai nhà lãnh đạo đã cùng chứng kiến qua màn hình lễ khánh thành nhà máy mới sản xuất motor điện áp cao do công ty Nidec của Italy thiết kế tại Nga.

Bên cạnh đó, các lãnh đạo doanh nghiệp hai nước đã ký một loạt thỏa thuận thương mại và đầu tư trong nhiều lĩnh vực như đóng tàu, di động, năng lượng...

Đề cập đến việc Mỹ đe dọa rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), vốn cho phép tiêu hủy các tên lửa tầm ngắn và tầm trung, Tổng thống Putin cảnh báo cuộc chạy đua vũ trang mới nếu Mỹ rút khỏi các hiệp ước vũ khí và trong trường hợp Washington đưa tên lửa tầm ngắn và tầm trung đến châu Âu thì Moskva buộc phải đáp trả một cách tương xứng.

Nhà lãnh đạo Nga nêu rõ bất kỳ quốc gia châu Âu nào đồng ý cho Mỹ triển khai trên lãnh thổ các tên lửa tầm ngắn và tầm trung... đều có thể đặt các lợi ích của mình trước nguy cơ bị Nga tấn công. Vì vậy, không nên đẩy châu Âu rơi vào tình trạng nguy hiểm cao và đây hoàn toàn không phải là sự lựa chọn của Moskva.

Tổng thống Putin cũng bày tỏ mong muốn thảo luận với người đồng cấp Mỹ Donald Trump về vấn đề INF trong cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo bên lề sự kiện kỷ niệm kết thúc cuộc Chiến tranh Thế giới thứ nhất ở Paris (Pháp) vào tháng 11 tới.

Thủ tướng Conte cũng bày tỏ quan ngại về khả năng INF bị hủy bỏ, và cho biết sẽ thảo luận vấn đề này với Tổng thống Trump. Theo ông, các nước nên tập trung vào các triển vọng hợp tác và tránh leo thang căng thẳng.

Cũng trong cuộc hội đàm, hai nhà lãnh đạo đã đề cập tới một loạt vấn đề nóng trên thế giới. Liên quan đến tình hình Syria, Thủ tướng Italy đánh giá cao vai trò của Nga trong việc xây dựng khu phi quân sự ở Idlib, qua đó tránh được nguy cơ xảy ra thảm họa nhân đạo và leo thang quân sự nguy hiểm.

Ông khẳng định Italy ủng hộ tiến trình đàm phán về Syria ở Geneva - hành động của Liên hợp quốc trong việc hòa giải và tìm kiếm sự ổn định tại quốc gia Trung Đông này.

Thủ tướng Conte hy vọng Moskva sẽ tham dự hội nghị quốc tế về Libya, dự kiến diễn ra tại Rome vào tháng tới.

Tổng thống Putin đã hoan nghênh kế hoạch của Rome tổ chức hội nghị quốc tế về Libya, đồng thời cho biết Nga ủng hộ hoàn toàn cách tiếp cận của chính phủ mới của Italy trong việc tìm ra giải pháp đối với cuộc khủng hoảng chính trị tại quốc gia Bắc Phi này.

Ông Putin không chắc liệu có thể tham dự sự kiện này hay không, song cam kết Nga sẽ cử đại diện tham dự và sẽ nỗ lực hết sức nhằm thúc đẩy tiến trình này tại Libya./.

Dương Trí-Ngọc Hà (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/ngaitaly-cam-ket-tang-cuong-hop-tac-bat-chap-lenh-trung-phat-cua-eu/531703.vnp