Nga-Iran-Thổ Nhĩ Kỳ giúp Ủy ban Hiến pháp Syria mở kỳ họp đầu

Nhiệm vụ của Ủy ban Hiến pháp Syria là soạn thảo một hiến pháp mới cho Syria thông qua các cuộc đối thoại do Liên Hiệp Quốc tạo điều kiện.

Ngoại trưởng ba nước Nga - Iran - Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng ý hỗ trợ Ủy ban Hiến pháp Syria mở kỳ họp đầu tiên tại Geneva (Thụy Sĩ), trang web Bộ Ngoại giao Nga đưa tuyên bố chung của ba ngoại trưởng. Tuyên bố chung nhấn mạnh rằng Nga - Iran - Thổ Nhĩ Kỳ tái khẳng định cam kết với chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Syria.

Nga - Iran - Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ Syria thống nhất

Theo tuyên bố, “các ngoại trưởng đã đồng ý sẽ giúp thu xếp kỳ họp đầu tiên của Ủy ban Hiến pháp tại Geneva” và “nhấn mạnh rằng bước đi quan trọng này sẽ mở đường cho một tiến trình chính trị có thể đứng vững được lâu dài do Syria dẫn đầu, sở hữu và được Liên Hiệp Quốc (LHQ) tạo điều kiện, phù hợp với các quyết định của Hội nghị Đối thoại quốc gia Syria ở Sochi và Nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an LHQ”.

Người ủng hộ chính phủ Syria cầm cờ quốc gia Syria trong một cuộc biểu tình phản đối phương Tây, sau khi Mỹ - Anh - Pháp cùng không kích Syria với lý do nước này sử dụng vũ khí hóa học chống lại dân thường, tháng 4-2018. Ảnh: SPUTNIK

Người ủng hộ chính phủ Syria cầm cờ quốc gia Syria trong một cuộc biểu tình phản đối phương Tây, sau khi Mỹ - Anh - Pháp cùng không kích Syria với lý do nước này sử dụng vũ khí hóa học chống lại dân thường, tháng 4-2018. Ảnh: SPUTNIK

Tuyên bố chung cho biết ba ngoại trưởng ngày 24-9 đã có cuộc gặp đa phương bên lề kỳ họp Đại hội đồng LHQ ở New York (Mỹ). Trong cuộc gặp này, ba ngoại trưởng đã “thể hiện quyết tâm ủng hộ hoạt động của Ủy ban Hiến pháp Syria thông qua sự tương tác liên tục với các bên ở Syria và đặc phái viên của tổng thư ký LHQ về Syria”.

Cùng với Nga - Iran - Thổ Nhĩ Kỳ, Liên minh châu Âu cũng hoan nghênh việc thành lập Ủy ban Hiến pháp Syria.

20 tháng thành lập Ủy ban Hiến pháp Syria

Quyết định sẽ thành lập Ủy ban Hiến pháp có từ một hội nghị hòa bình Syria do Nga tổ chức tháng 1-2018. Nhưng các bên đã phải mất gần 20 tháng để thống nhất về các thành viên trong ủy ban, gồm các đại diện của chính phủ Tổng thống Bashar al-Assad và phe đối lập cũng như nhiều thành viên dân sự.

Nhiệm vụ của ủy ban là soạn thảo một hiến pháp mới cho Syria thông qua các cuộc đối thoại do LHQ tạo điều kiện. Đây sẽ là một bước quan trọng dẫn đến bầu cử và một tiến trình chính trị cho xung đột Syria. Một khúc mắc là chính phủ Syria chủ trương sẽ chỉnh sửa lại một số nội dung trong hiến pháp hiện hành, trong khi đó phe đối lập muốn viết một hiến pháp mới.

Hiện phe chính phủ và phe nổi dậy Syria đang ngưng chiến thể theo một thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực từ cuối tháng 8. Theo đó, quân chính phủ Syria ngưng tấn công vào tỉnh Idlib - căn cứ cuối cùng của phe nổi dậy.

Binh sĩ quân đội Syria đứng gần cờ quốc gia Syria ở TP Deraa, tây nam Syria tháng 7-2018. Ảnh: REUTERS

Syria theo lịch sẽ tổ chức bầu cử tổng thống vào năm 2021. LHQ hy vọng các cuộc đối thoại về hiến pháp có thể giúp tạo được một cơ cấu bầu cử tự do và công bằng.

Liệu có thành công?

Ngày 24-9, Ngoại trưởng Syria Walid Muallem nói chính phủ nước này đã đồng ý về cấu trúc của Ủy ban Hiến pháp Syria từ tháng 7 nhưng đến giữa tháng 9, LHQ mới chính thức có thông báo về việc thành lập. Theo ông Muallem, sở dĩ có chậm trễ vì nhiều nước chống Syria đã cố gắng cản trở việc thành lập ủy ban này. Ông Muallem cũng cho biết LHQ sẽ tạo điều kiện chứ không can thiệp vào quá trình đối thoại trong khuôn khổ kỳ họp của Ủy ban Hiến pháp Syria.

Ngày trước đó ông Muallem đã có cuộc gặp với đặc phái viên LHQ về Syria Geir Pedersen. Theo hãng tin SANA thì hai ông đã thống nhất sẽ đảm bảo ủy ban không bị “bất kỳ nước ngoài nào can thiệp”.

Đặc phái viên LHQ về Syria Geir Pedersen (trái) gặp Ngoại trưởng Syria Walid al-Muallem tại Damascus (Syria) ngày 23-9. Ảnh: AP

Ngày 23-9, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cho biết 150 thành viên Ủy ban Hiến pháp Syria sẽ họp lần đầu trong vài tuần tới. Ông Guterres tin tưởng việc Ủy ban Hiến pháp Syria ra đời có thể sẽ trở thành một con đường chính trị đưa tới một giải pháp chấm dứt xung đột ở nước này.

Tuy nhiên, nói với đài Al Jazeera, chuyên gia Joshua Landis - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông tại ĐH Oklahoma (Mỹ) nói ông không hy vọng nhiều lắm về khả năng tồn tại lâu dài của ủy ban này.

ĐĂNG KHOA

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/su-kien/ngairantho-nhi-ky-giup-uy-ban-hien-phap-syria-mo-ky-hop-dau-860175.html