Nga-Iran hưởng lợi từ cuộc đột kích dầu mỏ?

Nga và Iran phản ứng trước các cuộc tấn công khiến sản lượng dầu mỏ của Saudi Arabia giảm một nửa và đe dọa thị trường toàn cầu.

Ai hưởng lợi?

Thư ký báo chí của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov ngày 15/9 cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin đã biết về vụ tấn công bằng máy bay không người lái nhằm vào các cơ sở dầu mỏ của Saudi Arabia, đồng thời cho rằng những sự cố như vậy không giúp gì cho sự ổn định của thị trường dầu mỏ.

Phát biểu với báo chí, ông Peskov nói: "Cuộc tấn công bằng máy bay không người lái nhằm vào cơ sở hạ tầng dầu mỏ tại Saudi Arabia là sự kiện đáng báo động đối với thị trường dầu mỏ... Tất nhiên, bất kỳ sự nhiễu loạn nào như vậy không giúp ổn định thị trường năng lượng... Tổng thống đã biết về sự cố này".

Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov

Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov

Theo ông Peskov, Saudi Arabia đã không tìm kiếm sự giúp đỡ từ Nga sau vụ tấn công, "không biết họ có cần giúp đỡ hay không, nhiều khả năng là không, bản thân họ có tất cả các năng lực cần thiết".

Trong khi đó, kênh truyền hình PressTV của Iran ngày 14/9 dẫn nhận định của một số chuyên gia phân tích cho rằng, nguồn cung dầu mỏ bị thiếu hụt sau vụ tấn công của phiến quân Houthi nhằm vào các cơ sở dầu mỏ tại Saudi Arabia chỉ có thể được bù đắp nếu Mỹ nới lỏng trừng phạt ngành dầu mỏ Iran.

Theo chuyên gia phân tích Sandy Fielden tại Công ty dịch vụ tài chính toàn cầu MorningStar, dự trữ dầu mỏ hiện tại của Saudi Arabia sẽ không đủ để bù đắp cho lượng dầu thiếu hụt khoảng 5 triệu thùng/ngày do vụ tấn công bằng máy bay không người lái gây ra tại hai nhà máy của Tập đoàn dầu khí nhà nước Aramco ở thành phố Abqaiq và Khurais.

Sự gián đoạn này sẽ khiến giá "vàng đen" thế giới tăng lên và Mỹ sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc cho phép Iran nối lại xuất khẩu dầu thô sau nhiều tháng đơn phương trừng phạt nước này.

Iran có thể bán dầu do nguồn cung từ Saudi Arabia bị sụt giảm?

Kênh truyền hình Iran cũng dẫn đánh giá của James Krane, chuyên gia năng lượng Trung Đông tại Viện nghiên cứu Baker, cho rằng nguồn cung dầu thô từ Iran sẽ là lựa chọn khả dĩ nhất để thay thế cho sự sụt giảm sản lượng của Saudi Arabia, trong bối cảnh xuất khẩu dầu mỏ của Riyadh chủ yếu tới các khách hàng ở châu Á, và Iran có lợi thế gần gũi về mặt địa lý hơn bất kỳ nhà sản xuất dầu mỏ chủ chốt nào khác.

Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho rằng trong ngắn hạn, nguồn cung dầu mỏ đối với thị trường thế giới không đối mặt với nguy cơ đáng ngại thực sự nào. IEA vẫn đang theo dõi sát sao tình hình tại Saudi Arabia, đồng thời giữ liên lạc với giới chức nước này và các nhà sản xuất dầu mỏ chủ chốt.

Giới phân tích thừa nhận, nếu sản lượng dầu của Saudi Arabia bị gián đoạn trong một khoảng thời gian đáng kể, ít nhất là vài tuần, các nước nhập khẩu dầu ở châu Á sẽ có lý do để mua thêm dầu của Iran bất kể rủi ro.

Mỹ lập tức ra tay

Trước những diễn biến này, ngày 15/9, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo ông đã cho phép trích xuất dầu từ kho dự trữ chiến lược của nước này, sau khi các vụ tấn công bằng máy bay không người lái nhằm vào 2 cơ sở dầu mỏ của Saudi Arabia khiến sản lượng dầu thô của nước này bị giảm một nửa.

Trên mạng xã hội Twitter, ông Trump viết: "Căn cứ vào vụ tấn công Saudi Arabia, có thể có tác động đến giá dầu, tôi đã cho phép trích xuất dầu từ Kho dự trữ Dầu mỏ Chiến lược, nếu cần, với một lượng được xác định".

Tổng thống Mỹ D. Trump lập tức cho trích xuất dầu dự trữ chiến lược

Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman ngày 15/9 cũng tuyên bố nước này sẽ sử dụng dầu dự trữ để bù đắp cho hoạt động sản xuất bị gián đoạn. Bộ trưởng Abdulaziz bin Salman cho biết: "Một phần dầu sụt giảm sẽ được đền bù cho khách hàng bằng dầu dự trữ".

Saudi Arabia đã xây dựng 5 cơ sở ngầm dự trữ dầu khổng lồ tại nhiều vùng khác nhau của đất nước, có sức chứa hàng chục triệu thùng dầu thành phẩm các loại để nước này sử dụng khi xảy ra khủng hoảng. Các cơ sở này đã được xây dựng từ năm 1988 đến 2009 với chi phí hàng chục tỷ USD.

Bộ trưởng Abdullaziz cho biết các vụ tấn công ngày 14/9 vừa qua cũng làm tạm dừng nguồn cung của khoảng 600 triệu m3 khí đốt. Ông nói: "Do vậy, nguồn cung etan và khí đốt tự nhiên hóa lỏng sẽ giảm khoảng 50%". Tuy nhiên, nguồn cung điện, nhiên liệu và nước không bị ảnh hưởng bởi vụ tấn công này.

Trước đó, ngày 14/9, 2 cơ sở dầu mỏ ở thành phố Abqaia và Khurais của Saudi Arabia đã bị tấn công, khiến sản lượng dầu của nước này giảm 5,7 triệu thùng/ngày, chiếm gần 6% nguồn cung dầu thô thế giới.

Khói bốc lên từ cơ sở dầu mỏ ở thành phố Abqaia sau khi bị tấn công

Mặc dù lực lượng Houthi tại Yemen thừa nhận thực hiện vụ tấn công trên, song Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cáo buộc Iran tấn công vào các nhà máy này lọc dầu của Saudi Arabia, đồng thời cho rằng không có bằng chứng cho thấy những cuộc tấn công trên xuất phát từ Yemen.

Tổng thống Trump ngày 15/9 tuyên bố Mỹ biết ai đứng sau các vụ tấn công nhằm vào các cơ sở dầu mỏ của Saudi Arabia và đã "sẵn sàng hành động", song Washington vẫn đang đợi xác minh và đợi Saudi Arabia đưa ra một đánh giá, trước khi quyết định các bước đi tiếp theo.

Trên mạng xã hội Twitter, ông Trump viết: "Nguồn cung dầu của Saudi Arabia đã bị tấn công. Có lý do để tin rằng chúng tôi biết thủ phạm và sẵn sàng hành động dựa vào việc xác minh, song vẫn đợi để lắng nghe từ Vương quốc (Hồi giáo) về người mà họ cho rằng đã gây ra vụ tấn công, và với những điều kiện này, chúng tôi sẽ hành động".

CNN dẫn một nguồn tin cấp cao trong chính quyền Mỹ cho biết có cơ sở để củng cố những đánh giá của Ngoại trưởng Mike Pompeo. Quan chức này nhấn mạnh về hướng mà các cơ sở của Saudi Arabia bị tấn công, số lượng mục tiêu bị ảnh hưởng và thông tin khác để lập luận rằng, ít khả năng các vụ tấn công này được triển khai từ Yemen. Quan chức này ám chỉ rằng khả năng cao nhất các vụ tấn công này bắt nguồn từ Iran hoặc Iraq.

Mỹ tuyên bố sẵn sàng sau vụ "đột kích dầu mỏ" ở Saudi Arabia

Theo quan chức trên, có 19 mục tiêu của Saudi Arabia bị ảnh hưởng trong vụ tấn công ngày 14/9, và phân tích rằng một vụ tấn công như vậy không thể được tiến hành với 10 máy bay không người lái như những gì lực lượng Houthi tuyên bố trước đó.

Ngoài ra, phân tích về những bức ảnh vệ tinh thương mại đã cung cấp cho CNN, quan chức này cũng lưu ý rằng "mọi vị trí mà các cơ sở của Saudi bị ảnh hưởng đều nằm ở phía Tây Nam, hơi khó để tấn công từ Yemen".

Về phần mình, Bộ Ngoại giao Iran đã miêu tả tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cáo buộc Tehran dính líu các vụ tấn công vào các cơ sở lọc dầu của Saudi Arabia là dối trá.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi nêu rõ: “Những cáo buộc mù quáng và vô ích như vậy là khó hiểu và vô nghĩa. Những cáo buộc này được cho là chứng minh cho các hành động (của Mỹ) chống Iran".

Ông nhấn mạnh: "Những cáo buộc như vậy... giống như âm mưu của các tổ chức tình báo và mật vụ nhằm bôi nhọ danh tiếng của một quốc gia và tạo ra khuôn khổ cho các hành động trong tương lai".

Thành Minh

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/nga-iran-huong-loi-tu-cuoc-dot-kich-dau-mo-3387665/