Nga-Iran-Ấn Độ bỏ kênh đào Suez, mở đường thẳng tiến châu Âu

Nga, Ấn Độ, Iran sẵn sàng xây dựng phương án thay thế kênh đào Suez (nối Địa Trung Hải với Biển Đỏ và Ấn Độ Dương), chạy thẳng sang châu Âu.

Nga, Ấn Độ, Iran lập tuyến đường vận tải mới

Kênh truyền hình Iran Press TV đưa tin rằng, Nga, Ấn Độ và Iran sẽ tổ chức một cuộc họp trong tháng 11 để thảo luận về việc khởi động hành lang vận tải quốc tế Bắc-Nam do 3 nước này lập ra, có thể dùng để vận chuyển hàng sang châu Âu mà không cần qua Biển Đỏ, kênh đào Suez và Địa Trung Hải.

Dự án mới sẽ bao gồm cả vận tải đường sắt và đường thủy (qua Ấn Độ Dương, tới vịnh Ba Tư và sang biển Caspian), với tổng chiều dài của tuyến đường là 7,2 nghìn km.

Theo đó, hàng hóa sẽ đi từ các hải cảng của Ấn Độ trên Ấn Độ Dương đến thành phố Bandar Abbas của Iran trên bờ biển của Vịnh Ba Tư, sau đó đi bằng tàu hỏa đến Bandar-Enzeli trên bờ biển Caspi, từ đó tiếp tục đi bằng đường biển đến Astrakhan và sau đó dùng tàu hỏa đến châu Âu.

Hành lang vận tải này sẽ trở thành phương án thay thế rẻ hơn và ngắn hơn so với tuyến đường biển thuần túy qua kênh đào Suez, khiến thời gian và chi phí vận chuyển sẽ giảm từ 30-40%.

Ví dụ, nếu so sánh với kênh đào Suez thì hàng hóa từ Mumbai đến Moscow được vận tải theo tuyến hành lang Bắc-Nam sẽ tới đích nhanh hơn 20 ngày. Ngoài ra, dự kiến mỗi năm sẽ có khoảng 20-30 triệu tấn hàng hóa được vận chuyển qua tuyến đường này.

Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ Suresh Prabhu nói rằng hành lang nên được sử dụng tích cực càng sớm càng tốt. Việc giao hàng thử nghiệm theo phương pháp mới đã bắt đầu diễn ra vào năm 2014.

Nhà nghiên cứu cao cấp Iran Lana Ravandi-Fadai, Tiến sĩ lịch sử, nhà Đông phương học và Iran học cho rằng, việc đưa hành lang giao thông vào hoạt động trong điều kiện hiện tại sẽ giúp Iran tránh khỏi tình trạng đứng trên "bàn chông dầu mỏ" từ ý đồ “đưa xuất khẩu dầu mỏ của Iran về mức 0 của Mỹ” và thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế của đất nước.

Hành lang vận chuyển Bắc-Nam sang châu Âu do Nga, Iran và Ấn Độ thiết lập

Theo ông, ý tưởng về hành lang giao thông Bắc-Nam không phải là mới nảy sinh mà đã có từ lâu. Sự phát triển dự án cho đến nay vẫn diễn ra đều đặn. Dự án này có tính chất xuyên biên giới và có tầm quan trọng lớn cho việc vận chuyển trong khu vực nói chung và Iran vẫn đang tích cực chuẩn bị cơ sở hạ tầng trong phần lãnh thổ của mình.

Với tư cách là một phương án chống lại lệnh cấm vận dầu mỏ của Mỹ, Iran đã chọn con đường phát triển một tuyến đường quá cảnh. Là một hành lang quá cảnh, Iran có thể tạo ra sự lựa chọn thay thế cho các tuyến đường hậu cần hiện có và củng cố nền kinh tế của đất nước trong chính lĩnh vực này.

3 nước có thể sử dụng các cảng trên biển Caspian, bao gồm cả cảng Astrakhan (Nga) để vận chuyển hàng hóa. Còn Iran cũng đã xây dựng tất cả các cơ sở hạ tầng cần thiết trong các cảng Enzeli và Amirabad. Như vậy, phần ngoài khơi Biển Caspian có thể trở thành một phần của hành lang vận chuyển quốc tế Bắc-Nam" - vị chuyên gia Iran kết luận.

Giúp Iran chống đỡ lện trừng phạt dầu mỏ của Mỹ

Ông Bahram Amirahmadiyan - chuyên gia Iran về địa chính trị, các vấn đề Trung Á và Kavkaz, giảng viên tại Đại học nghiên cứu thế giới Tehran cho biết, dự án này có trên mặt giấy từ năm 2000 và nếu bắt đầu khởi động hành lang, nó có thể trở thành một phương án tốt thay thế cho kênh đào Suez.

Tất nhiên, con đường này ngắn hơn tuyến đường qua kênh đào Suez, nếu nhìn vào khía cạnh thời gian; ví dụ như để giao hàng từ Ấn Độ đến St. Petersburg, sẽ chỉ mất có 2 tháng.

Vị chuyên gia vốn là cựu chủ tịch Hội hữu nghị Iran-Nga nói rằng, giới chuyên gia đánh giá tích cực khả năng khởi động hành lang Bắc - Nam, nhưng lưu ý rằng tuyến vận tải mới không thể hoàn toàn thay thế kênh đào Suez, vì hơn 90% tổng lượng thương mại thế giới được thực hiện thông qua kênh này.

"Không có tuyến đường trên mặt đất nào có thể thay thế được kênh đào Suez, bởi vì một lượng lớn hàng hóa trên thế giới được vận chuyển qua nó" - ông Bahram Amirahmadiyan khẳng định.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/nga-iran-an-do-bo-kenh-dao-suez-mo-duong-thang-tien-chau-au-3368563/