Nga huy động tổng lực chuyển S-300 đến Syria

Theo Yoruk Isik, nhà quan sát tại Eo biển Bosphorus, hệ thống S-300 đang trên đường đến Syria bằng tàu vận tải Nga Ro-Ro Sparta III.

Nguồn tin này cho biết, tối 18/9, chiếc tàu vận tải Ro-Ro Sparta III của Nga chở đầy những hệ thống của tổ hợp tên lửa phòng không tầm cao S-300 đã vượt qua Eo biển Bosphorus và thẳng tiến đến quân cảng Tartus tại Syria.

Hiện Nga chưa có bất cứ phản ứng nào trước tuyên bố này. Nhưng nếu được xác nhận thì điều này cho thấy, Moscow đang dùng cả không vận và đường hàng hải để vận chuyển S-300 cho Syria. Và điều này trái hẳn với những lần trước đó vận chuyển S-400 đến căn cứ Hemymim.

Tàu vận tải Ro-Ro Sparta III được cho là chở theo S-300 đến Syria.

Tàu vận tải Ro-Ro Sparta III được cho là chở theo S-300 đến Syria.

Từ hình ảnh vệ tinh do Công ty do ImageSat International của Israel chụp hôm 27/9 cho thấy tại căn cứ Hmeymim có sự hiện diện bất thường của số lượng lớn máy bay Il-76 được cho là đang thực hiện nhiệm vụ chuyển giao các tổ hợp tên lửa S-300 đến Syria.

Cùng với sự hiện của 7 chiếc Il-76 cùng một máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm trên không A-50, câu hỏi đặt ra lúc này là vì sao Không quân Nga lại điều động số lượng lớn Il-76 đến Syria và số máy bay này mang theo những gì trong hành trình từ Nga tới Syria trong tuần vừa qua?

Số máy bay Il-76 này được cho là bắt đầu hành trình đến Syria từ cuối tuần trước, ngay trước thông báo chính thức của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu về việc chuyển giao các tên lửa phòng không tầm xa S-300 cho Syria trong vòng 2 tuần.

Nếu số tên lửa S-300 trên đến Syria bằng đường biển thì thời gian có thể sẽ lâu hơn chưa kể, thời gian tập kết các thành phần chiến đấu của S-300 đến căn cứ hải quân của Nga ở Sevastopol rồi từ đó thực hiện hải trình đến căn cứ Tartus thông qua biển Đen và Địa Trung Hải.

Và phương án nhanh nhất có thể vận chuyển S-300 đến Syria, trang bị và triển khai các tổ hợp tên lửa này tại đây trong vòng hai tuần thì chỉ có thể bằng đường không. Nhưng chỉ Il-76 không thì không đủ để làm điều này mà cần có thêm sự trợ giúp của máy bay vận tải chiến lượ An-124 Ruslan – loại máy bay vận tải lớn thứ 2 trên thế giới.

Khả năng này có thể xảy ra khi ngay từ đầu tuần này đã xuất hiện hình ảnh máy bay An-124 mang theo các tổ hợp tác chiến điện tử từ Nga tới Syria, nhằm giúp Moscow phong tỏa một vần vùng trời Syria trước các mối đe dọa tấn công từ các thế lực thù địch.

Nhưng có một điều cần lưu ý là kích thước của các thành phần chiến đấu trong tổ hợp S-300 có phần quá khổ so với Il-76, nên do đó để vận chuyển các thành phần chiến đấu này tới Syria bằng Il-76 đòi hỏi phải tháo nhỏ chúng ra hoặc thực hiện nhiều chuyến bay thay vì chở thẳng bằng An-124 như trước.

Trước đây, các thành phần chiến đấu của S-400 hay S-300 được triển khai tại Syria đều trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu khi vừa đặt chân xuống quốc gia này, bởi chúng được vận chuyển bằng An-124. Nếu không chúng sẽ phải tháo rời và mất khá nhiều thời gian để lắp đặt khi đến Syria.

Đối với S-300PMU2 được cho sẽ là biến thể Nga chuyển giao cho Syria có các thành phần chiến đấu gồm: đài chỉ huy đồng bộ 83M6E2 với xe chỉ huy 54K6E2; xe đài nhìn vòng 64N6E2; xe trinh sát trận địa 1T12-2M-2; các khí tài phục vụ chiến đấu và khí tài phối thuộc khác.

Với số khí tài lỉnh kỉnh này cho thấy, có thể đây chính là nguyên nhân khiến Nga dùng số lượng lớn Il-76 cùng tàu vận tải Ro-Ro Sparta III chở thiết bị của hệ thống S-300 đến Tartus. Và thời gian đưa hệ thống này vào vận hành tại Syria có thể phải mất nhiều thời gian hơn là 2 tuần như Bộ trưởng Quốc phòng Nga nói.

Đan Nguyên

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/nga-huy-dong-tong-luc-chuyen-s-300-den-syria-3366338/