Nga 'hồi sinh' xe tăng lớn nhất Thế chiến II

Một bản sao của T-35, chiếc xe tăng lớn nhất trong Thế chiến II, vừa được chế tạo theo yêu cầu trưng bày tại Bảo tàng thiết bị quân sự ở vùng Sverdlovsk, Nga.

Trong thời gian giữa Thế chiến I và II, Liên-xô theo đuổi những kế hoạch phát triển quân sự hoành tráng, bao gồm cơ giới hóa mạnh mẽ lực lượng vũ trang. Việc chế tạo các mẫu xe tăng hạng nặng nhằm mục đích xây dựng nghành công nghiệp nặng của Liên-xô, khuyến khích ngành kĩ thuật và củng cố quân đội quốc gia.

T-35 là một trong những chiếc xe tăng như vậy. Dài 10m, rộng và cao hơn 3m, T-35 có thể đạt vận tốc tối đa 32km/h, cùng tầm hoạt động 160km.

Tuy nhiên, điều khiến T-35 trở nên đặc biệt là trang bị vũ khí. Nó có tới 5 tháp súng chứ không phải một như những loại xe tăng khác bao gồm một khẩu pháo 76,2m, 2 khẩu chống tăng 45mm và 6 khẩu súng máy Degtyarev.

Khẩu 76.2mm và một khẩu 45mm quay về đằng trước, một khẩu 45mm còn lại quay về đằng sau. 6 khẩu súng máy có thể bắn về cả đằng trước, sau và bên phải.

T-35 được thiết kế để sống sót trong kiểu chiến tranh “chiến hào” thời Thế chiến II nên phải có khả năng phòng thủ, tấn công ở mọi phía.

Nó phải có khả năng là mũi nhọn tấn công với khẩu pháo 76.2mm, yểm trợ cho bộ binh bằng khẩu 45mm và chống lại các cuộc công kích từ bên sườn bằng súng máy.

Chiếc xe tăng cũng có đủ đạn dược cho một trận chiến kéo dài với 96 viên đạn cho pháo 76mm, 180 viên cho pháo chống tăng 45mm và 10.000 viên đạn cho súng máy. Một vài chiếc còn có thể trang bị thêm súng phun lửa.

Để vận hành, chiếc xe tăng này buộc phải cần đến kíp lái 11 người, được bao bọc trong lớp giáp từ 11-30mm.

Tuy nhiên, việc đầu tư mạnh vào trang bị vũ khí cũng khiến T-35 gặp nhiều vấn đề.

Ví dụ như việc trọng lượng lớn làm ảnh hưởng đến hệ thống lái, động cơ và bộ li hợp cũng hay hư hỏng do công nghệ của Liên-xô thời đó chưa tốt.

Mặc dù có trọng lượng từ 45 đến 54 tấn nhưng động cơ của xe tăng T-35 chỉ đạt gần 600 mã lực.

Những yếu điểm này khiến hầu hết các xe tăng T-35 đã bị quân đội Đức phá hủy hoặc bắt sống, chỉ có vài chiếc thoát nạn sau Thế chiến II và được đưa vào trưng bày tại bảo tàng thiết bị quân sự.

Đặng Vũ (Theo PM)

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/nga-hoi-sinh-xe-tang-lon-nhat-the-chien-ii/766205.antd