Nga hối Đức, đến lúc đáp trả trừng phạt Mỹ

Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt Nord Stream-2 chính là nhằm trực tiếp vào nền kinh tế Đức.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã bình luận về các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào dự án đường ống dẫn khí đốt Nord Stream-2 tại cuộc họp báo ngắn hôm 17/6.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova. Ảnh: TASS

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova. Ảnh: TASS

Bà cho rằng, các biện pháp mà Mỹ thiết kế ra nhằm vào dự án Nord Stream-2 thực chất là đánh trực tiếp vào nền kinh tế Đức.

"Áp lực của Washington dành cho các đồng minh châu Âu hòng phá vỡ việc xây dựng Nord Stream-2 đang là thực trạng của mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Quốc hội Mỹ đang trực tiếp tấn công vào nền kinh tế Đức" - bà Zakharova nhấn mạnh.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga cho rằng, trước những động thái của phía Mỹ đang muốn "tấn công trực diện" nền kinh tế Đức thì Berlin cần thể hiện động thái mạnh mẽ của riêng mình.

"Một phản ứng đáp trả với chúng [các biện pháp trừng phạt -ND], dù ở cấp quốc gia hay ở cấp liên minh châu Âu, sẽ càng cho thấy quyết định thể hiện chủ quyền của Đức và EU trong tình huống bị gây sức ép như vậy" - bà Zakharova tuyên bố.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga mong muốn Chính phủ Đức có sự hỗ trợ thêm cho dự án nhanh chóng được hoàn thành.

"Chúng tôi lưu ý rằng, tất cả các bên tham gia có thể đáp ứng đầy đủ nghĩa vụ trong hợp đồng của họ. Đường ống mới khi được hoàn thành sẽ cho thấy ý chí chính trị quan trọng của họ đối với an ninh năng lượng của châu Âu" - bà Zakharova nói thêm.

Nord Stream-2-AG, nhà điều hành đường ống dẫn khí này mới đây đã gửi đến Đan Mạch một giấy phép xin các tàu được thả neo để đặt ống. Trước đây, trong giấy phép cấp cho Nord Stream, Đan Mạch cấm tàu thả neo do có rất nhiều bom mìn chưa nổ nằm dưới đáy biển Baltic.

Nhà điều hành của Nord Stream-2 đã yêu cầu chính quyền Đan Mạch sửa đổi giấy phép xây dựng hiện có, liên quan đến việc sử dụng tàu có thể thả neo.

Một trong những lựa chọn của Nord Stream-2-AG là sử dụng sà lan đặt ống, đi kèm với một con tàu có định vị động cho phép sà lan duy trì vị trí của nó bằng cách sử dụng phương tiện đẩy của riêng mình.

Việc xây dựng Nord Stream-2 có thể được hoàn thành bởi sà lan MRTS Fortuna với hệ thống định vị với 12 neo và tàu Akademik Cherskiy với hệ thống định vị động. Hiện tại, hai tàu của Nga này đang neo đậu tại cảng Mukran của Đức, căn cứ hậu cần cho Nord Stream-2.

Nhà điều hành dự án này cho biết, yêu cầu mới được gửi đi tới phía Đan Mạch là một biện pháp cần thiết, được thực hiện "theo các khuyến nghị của Cơ quan Năng lượng Đan Mạch".

Dẫn nguồn từ Cơ quan bảo vệ môi trường Đan Mạch, Bloomberg viết rằng Đan Mạch đã nhận được yêu cầu và quyết định có thể được đưa ra trong những tháng tới. Quốc gia này từng trì hoãn việc cấp phép xây dựng cho Nord Stream-2, với cáo buộc là do chịu sức ép của Mỹ.

Hôm 16/6, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas cho biết trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Ba Lan Jacek Czaputowicz đã gửi đi thông điệp bảo vệ dự án này, đồng thời cảnh báo các biện pháp đáp trả lại Mỹ.

Theo ông Heiko Maas, Chính phủ Đức không thay đổi quan điểm về dự án Nord Stream-2 bất chấp các đe dọa trừng phạt đến từ Mỹ hay bất cứ quốc gia nào muốn ngăn cản dự án này được hoàn thành.

"Thực tế là các biện pháp trừng phạt đã được xem xét hoặc các biện pháp mới sẽ có thể được bắt đầu ở đó [ở Mỹ -ND], sẽ không thay đổi bất cứ điều gì về quan điểm của chúng tôi đối với Nord Stream-2... Các lệnh trừng phạt đang được thảo luận bây giờ là những lệnh trừng phạt nằm ngoài lãnh thổ, theo quan điểm của chúng tôi, chúng tôi sẽ bác bỏ chúng" - Ngoại trưởng Maas nói.

Trước đó, các quan chức Đức cũng thể hiện sự không hài lòng với phía Mỹ về các biện pháp trừng phạt.

Chủ tịch Ủy ban Kinh tế và Năng lượng trong Quốc hội Đức Klaus Ernst cho rằng Đức và EU cần có phản ứng thống nhất trước việc Mỹ có kế hoạch mở rộng trừng phạt nhằm vào Nord Stream 2.

Theo ông Ernst, không thể xem cấm vận của Mỹ là hành động của tình hữu nghị, mà phải coi đó là bước can thiệp vào chủ quyền của Đức và EU. Nếu Mỹ không giảm sức ép đối với dự án này, Đức và EU cần xem xét các biện pháp nghiêm túc để bảo vệ chính mình, mà một trong số đó có thể là việc áp thuế trừng phạt đối với mặt hàng khí hóa lỏng từ Mỹ.

Hải Lâm

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/nga-hoi-duc-den-luc-dap-tra-trung-phat-my-3409000/