Nga hoài nghi Kế hoạch hòa bình Trung Đông của Mỹ

Thứ trưởng ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov tỏ ý hoài nghi 'không biết liệu đề xuất của Mỹ có được các bên đồng thuận hay không'.

Tối 28/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố "Kế hoạch hòa bình Trung Đông", kế hoạch mà ông cho rằng là một bước tiến lớn đối để giải quyết vấn đề lãnh thổ của Israel và Palestine.

Theo kế hoạch được Tổng thống Trump mô tả có thể là cơ hội cuối cùng cho người Palestine. Mỹ đề xuất việc thành lập một nhà nước Palestine độc lập bên cạnh nhà nước Israel, song công nhận chủ quyền của Israel với các khu định cơ ở Bờ Tây, thung lũng Jordan.

Kế hoạch quy định việc đàm phán thiết lập hai nhà nước sẽ diễn ra trong 4 năm. Ông Trump nói rằng, không ai phải rời nhà cửa của mình, cả người Israel và người Palestine. Trong thời đàm phán, Israel không được xây mới các khu định cư.

Mỹ cũng muốn Jerusalem tiếp tục là thủ đô không chia cắt và vô cùng quan trọng của Israel, dù điều này đi ngược với các nghị quyết của Liên hợp quốc về vấn đề lãnh thổ Israel-Palestine và không được cộng đồng người Arab ủng hộ.

Tổng thống Mỹ Trump và Thủ tướng Israel Netanyahu tại Nhà Trắng.

Tổng thống Mỹ Trump và Thủ tướng Israel Netanyahu tại Nhà Trắng.

Tuy nhiên, Tổng thống Trump khẳng định sẽ kêu gọi vẽ lại biên giới ở Đông Jerusalem theo hướng tạo điều kiện cho người dân Palestine đặt thủ đô mới tại đây nếu đáp ứng được một số yêu cầu cụ thể. Mỹ sau đó sẽ đặt Đại sứ quán tại đây.

"Ngày hôm nay, Israel có một bước tiến lớn đối với hòa bình. Những người trẻ tuổi ở Trung Đông đã sẵn sàng cho một tương lai nhiều hy vọng hơn", ông Trump phát biểu.

Tổng thống Trump cho biết, ông đã có các cuộc nói chuyện với các nhà lãnh đạo Israel và khẳng định tầm nhìn của ông mang đến cơ hội đôi bên cùng có lợi, một giải pháp hai nhà nước thực tế nhằm giải quyết nguy cơ quốc gia Palestine đối với an ninh của Israel.

Trước đó, Mỹ đã công bố phần kinh tế trong "Kế hoạch hòa bình Trung Đông" với đề xuất đầu tư 50 tỷ USD vào Bờ Tây, Dải Gaza và một số nước trong khu vực nhưng vẫn giữ bí mật về phần chính trị.

Bản kế hoạch của ông Trump được kỳ vọng sẽ là cơ sở cho các cuộc đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine từng đổ vỡ từ năm 2014, tuy nhiên, hy vọng là không nhiều khi Palestine đã lên tiếng phản đối bản kế hoạch này ngay cả trước khi công bố.

Tổng thống Nhà nước Palestine Mahmud Abbas đã bác bỏ các cách tiếp cận của Tổng thống Mỹ Donald Trump và sẽ không thảo luận với Mỹ "cho tới khi họ công nhận giải pháp hai nhà nước" như được Liên hợp quốc ủng hộ.

"Chúng tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế không tham gia kế hoạch trên (của Mỹ) bởi điều đó vi phạm luật pháp quốc tế", Thủ tướng Palestine Mohammed Shtayyeh khẳng định.

Trong một diễn biến liên quan, hai phong trào đối địch của người Palestine là Hamas và Fatah đã nhóm họp ở thành phố Ramallah thuộc Bờ Tây nhằm thảo luận các nỗ lực chung phản đối kế hoạch vừa được ông Trump công bố.

Bộ Ngoại giao Iran cùng ngày phát thông điệp cho rằng, kế hoạch hòa bình mà Mỹ áp đặt lên Palestine là một sự phản bội của thế kỷ vì cho rằng nó đi ngược lại các quyết định trước đó được cộng đồng quốc tế công nhận.

Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh, kế hoạch hòa bình của Mỹ đã chết yểu và coi đây là một kế hoạch thôn tính hủy hoại giải pháp hai nhà nước khi nó cưỡng đoạt lãnh thổ Palestine.

Về phần mình, Thứ trưởng ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov thì tỏ ý hoài nghi "không biết liệu đề xuất của Mỹ có được các bên đồng thuận hay không".

Trong khi đó, Đức và Anh hoan nghênh giải pháp hai nhà nước, một khi kế hoạch hòa bình Trung Đông của Tổng thống Trump được hai nước chấp thuận, sẽ mang lại hòa bình lâu dài cho người dân Israel và Palestine.

Các Đại sứ quán của ba nước Oman, Các tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và Bahrain ở Washington cho rằng, kế hoạch của ông Trump là bước đầu quan trọng để đàm phán hòa bình.

Ngọc Phương

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/nga-hoai-nghi-ke-hoach-hoa-binh-trung-dong-cua-my-3395972/