Nga hỗ trợ Syria tấn công đáp trả vụ Aleppo

Lực lượng Không quân vũ trụ Nga hỗ trợ Syria tấn công đáp trả phiến quân sau vụ việc tại thành phố Aleppo.

Bộ Quốc phòng Nga ngày 25/11 tuyên bố các máy bay nước này đã tiến hành không kích nhằm vào phe đối lập đứng đằng sau vụ tấn công sử dụng khí độc trước đó một ngày tại thành phố Aleppo khiến hơn 100 người bị thương.

Nạn nhân bị ngộ độc khí tại Aleppo được cấp cứu tại bệnh viện. Ảnh: RT

Nạn nhân bị ngộ độc khí tại Aleppo được cấp cứu tại bệnh viện. Ảnh: RT

Thông tấn TASS của Nga dẫn lời người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga, Thiếu tướng Igor Konashenkov, cho biết các cuộc không kích của Nga đã phá hủy toàn bộ các mục tiêu tại khu vực xung quanh Idlib. Ngoài ra, Nga cũng đã báo trước cho Thổ Nhĩ Kỳ về kế hoạch này thông qua đường dây nóng liên lạc giữa hai nước.

Ông Konashenkov cho biết, lực lượng phiến quân không có kế hoạch dừng lại ở một cuộc tấn công đơn lẻ. Dữ liệu tình báo cho thấy những cuộc tấn công khác sẽ còn diễn ra trong thời gian tới và đã được lên kế hoạch.

Cuộc không kích diễn ra chưa đầy một ngày sau khi một số khu dân cư ở thành phố Aleppo đã bị trúng đạn pháo chứa khí chlorine do các phiến quân thực hiện.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng, vụ tấn công này là một nỗ lực để phá hủy quá trình khôi phục ở Syria. Việc bắn phá Aleppo phải bị cộng đồng quốc tế lên án. Lâu nay, những vụ tấn công hóa học không minh bạch về điều tra, gây nhầm lẫn về thủ phạm thực hiện đã khiến cho những vụ tấn công này nhận được sự im lặng bất thường từ quốc tế.

Hãng tin địa phương SANA xác nhận, số người bị thương lên tới 107 người, nhiều phụ nữ và trẻ em đã bị ảnh hưởng ở nhiều mức độ khác nhau.

Nhiều người đã được cứu chữa tại bệnh viện và có thể về nhà ngay trong đêm.

Bộ Ngoại giao Syria lập tức thúc giục Liên Hợp Quốc hành động sau một vụ tấn công bằng khí độc bị nghi do phiến quân thực hiện nhằm vào dân thường ở thành phố Aleppo, Reuters đưa tin.

Chính phủ "kêu gọi Hội đồng Bảo an lên án ngay lập tức và mạnh mẽ những tội ác khủng bố này và thực hiện những biện pháp ngăn chặn, trừng phạt đối với các quốc gia cũng như chế độ ủng hộ và tài trợ khủng bố" - thông báo từ Bộ Ngoại giao Syria nhấn mạnh.

Damascus cho rằng, cuộc tấn công được thực hiện nhằm tiếp tục đổ lỗi cho Chính phủ Syria gây thương vong cho các dân thường của mình.

Dù không đề cập tới cá nhân quốc gia nào, Syria nhấn mạnh, châu Âu đã hỗ trợ các chất độc hóa học cho phiến quân và để xảy ra vụ tấn công quy mô lớn này.

Phiến quân hiện vẫn bác bỏ cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học để tấn công Aleppo.

Một lãnh đạo lực lượng Mặt trận Giải phóng Quốc gia (NLF) - tổ chức bao gồm lực lượng Quân đội Syria Tự do (FSA)- là Omar Huthayfa đã bác bỏ cáo buộc họ sử dụng khí độc để tấn công thành phố Aleppo.

Ông Omar Huthayfa nói với Al Jazeera rằng, liên minh này không chứa các vũ khí hóa học và cho rằng Chính phủ Syria đang cố gắng tìm cách tấn công để đổ lỗi cho phiến quân.

"Tôi tin rằng đây là một hành động được thực hiện bởi chính phủ. Chúng tôi đã thấy những vụ tương tự ở Ghouta và ở Khan Sheikhoun trước đây" - ông Huthayfa nói.

Nhà phân tích Ali Rizk, người chuyên về các vấn đề Trung Đông, nói với RT rằng, vụ pháo kích ở Aleppo đã "chứng minh thêm" về những cảnh báo liên tục của Nga rằng các chiến binh đối lập vẫn giữ trong tay chất độc hóa học và Idlib vẫn là một "thiên đường an toàn" cho khủng bố.

Thành phố Aleppo được quân chính phủ chiếm lại vào năm 2016 nhưng phiến quân đã tăng cường pháo kích thành phố trong những tuần gần đây, tạo thành xung đột căng thẳng.

Phiến quân bác bỏ cáo buộc sở hữu vũ khí hóa học.

Tại thời điểm này, khu vực vẫn trở thành điểm nóng ở Syria là tỉnh Idlib và khu vực xung quanh sông Euphrates.

Tình hình ở phía Đông sông Euphrates, nơi lực lượng quân đội Mỹ đang đồn trú thường bị cáo buộc xảy ra những vụ tấn công phốt pho trắng. Trong khi đó, tại thành phố Aleppo và khu vực nông thôn ở tỉnh Aleppo, giáp với tỉnh Idlib lại thường xuyên ghi nhận những vụ tấn công hóa học bằng khí chlorine.

Kể từ thời điểm cuộc nội chiến Syria nổ ra năm 2011, chính phủ và các phiến quân đã cáo buộc lẫn nhau sử dụng vũ khí hóa học. Mỹ từng hai lần không kích Syria sau khi quân chính phủ được cho là đã dùng vũ khí hóa học ở Khan Sheikhoun và Douma.

Sơn Dương

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/nga-ho-tro-syria-tan-cong-dap-tra-vu-aleppo-3369868/