Nga hỗ trợ dự án đường ống dẫn khí Iran - Pakistan - Ấn Độ

Ngày 27/9, đại diện Bộ Năng lượng của Liên bang Nga và Pakistan đã ký Biên bản ghi nhớ về hợp tác trong việc thực hiện phân đoạn ngoài khơi trong dự án đường ống dẫn khí Iran - Pakistan - Ấn Độ (IPI).

Lộ trình mới (màu xanh) của IPI

Nội dung biên bản ghi nhớ liên quan đến việc cung cấp hỗ trợ toàn diện cho dự án đường ống dẫn khí mà thông qua đó, khí từ các mỏ ở Iran sẽ được cung cấp cho người tiêu dùng ở Pakistan và Ấn Độ.

Tài liệu này cung cấp định nghĩa về các tổ chức có thẩm quyền thông qua đó dự án sẽ được hỗ trợ, đồng thời xác nhận sự hỗ trợ trong việc phát triển một nghiên cứu khả thi cũng như xác định cơ sở tài nguyên, cấu hình và tuyến đường của đường ống dẫn khí.

Dự án xây dựng một đường ống dẫn khí đốt từ Iran đến Ấn Độ đi xuyên qua Pakistan đã được thảo luận vào năm 1995. Khi đó, tuyến đường hoàn toàn đi trên đất liền đã được chọn bởi vì nó rẻ hơn 4 lần so với tuyến đường vượt biển.

Theo phương án này, chiều dài của IPI là 2.775 km, khởi đầu từ mỏ khí North Pars của Iran ở Vịnh Ba Tư đến thành phố Khuzdar (Pakistan), ở đó có một nhánh rẽ đến thành phố Karachi, còn tuyến ống chính thì đi tiếp đến thành phố Multan và sau đó đến Ấn Độ.

Công suất thông lượng tiềm năng là 150 triệu m3 khí/ngày, trong đó 60 triệu m3/ngày dành cho Pakistan và 90 triệu m3/ngày cho Ấn Độ.

Chi phí của toàn bộ tuyến ống IPI lúc đó được ước tính khoảng 7,5 tỷ USD.

Nhưng rốt cuộc dự án này đã trở nên bất khả thi.

Trong năm 2013, các cuộc thảo luận về dự án IPI đã bị dừng lại do Mỹ và phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt chống lại Iran liên quan đến chương trình hạt nhân.

Và rồi vào năm 2017 dự án này lại được đặt lên bàn nghị sự sau khi một kế hoạch hành động chung và toàn diện (JCPOA) về chương trình hạt nhân của Iran được thông qua và các biện pháp trừng phạt chống lại Iran được dỡ bỏ.

Lần này, IPI mang diện mạo mới, trở thành đường ống dẫn khí có một phần vượt biển.

Vào tháng 11/2017, Bộ Năng lượng Liên bang Nga và Bộ Dầu mỏ Iran đã ký một Biên bản ghi nhớ, trong đó khẳng định sự hỗ trợ của Nga đối với nguồn cung cấp khí đốt từ Iran đến Ấn Độ.

Cũng trong tháng 11/2017, Gazprom và NIOC đã ký Biên bản ghi nhớ, cho phép các công ty bắt đầu chuẩn bị một nghiên cứu khả thi cho dự án đường ống dẫn khí đốt từ Iran đến Ấn Độ thông qua Pakistan.

Ngoài ra, Gazprom đã ký một bản ghi nhớ với Iran về khả năng tham gia vào việc phát triển 4 mỏ khí là Farzad-A, Farzad-B, North Pars và Kish.

Gazprom cũng đang xem xét khả năng tham gia dự án đường ống dẫn khí IPI, cũng như dự án xây dựng nhà máy LNG của Iran.

Bây giờ chỉ còn chờ tiếng nói cuối cùng của Ấn Độ, quốc gia đang tích cực gia tăng mức tiêu thụ khí đốt do sự tăng trưởng tích cực của nền kinh tế.

Nhưng thái độ của Ấn Độ đối với dự án IPI được coi là khá mơ hồ.

Năm 2008, Ấn Độ đã từ bỏ dự án này sau khi Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran.

Có ý kiến cho rằng dự án liên quan đến một số “yếu tố kích ứng”, trong đó chính yếu là vấn đề an ninh, đặc biệt là ở vùng Balochistan của Pakistan.

Ngoài ra, Ấn Độ cũng đang lo lắng về lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran sau khi Hoa Kỳ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân JCPOA.

Được biết, gói trừng phạt thứ 2 của Mỹ chống lại Iran liên quan đến lĩnh vực năng lượng của nước này sẽ có hiệu lực từ ngày 4/11/2018.

Điều này có thể làm nguội lạnh sự quan tâm của Ấn Độ đối với dự án IPI.

Về vấn đề này, việc Nga và Pakistan ký kết Biên bản ghi nhớ nói trên có thể là một lập luận rất quan trọng đối với Ấn Độ.

Phía Nga cho biết sẽ thông báo cho Iran và Ấn Độ về việc ký kết tài liệu nói trên và bày tỏ hy vọng rằng điều này sẽ tạo thêm điều kiện cho một tài liệu tương tự sẽ được ký kết với phía Ấn Độ.

Đại diện Bộ Năng lượng Nga cũng lưu ý rằng sự hợp tác giữa Nga và Pakistan trong lĩnh vực năng lượng và nhiên liệu không chỉ giới hạn trong dự án đường ống dẫn khí IPI.

Đặc biệt, các cuộc tham vấn đang được tiến hành trên dự án đường ống dẫn khí Bắc-Nam.

Tuy nhiên, các cuộc tham vấn này đã diễn ra trong một thời gian dài và gặp nhiều bế tắc, khiến cho triển vọng của dự án ngày càng trở nên mơ hồ.

Ở các dự án khác, tình hình có phần lạc quan hơn.

Một lĩnh vực hợp tác đầy hứa hẹn có thể là một dự án cung cấp khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) cho thị trường Pakistan.

Một thỏa thuận liên chính phủ về việc cung cấp các sản phẩm dầu mỏ từ Nga đến Pakistan cũng đang được thảo luận trong các chương trình nghị sự.

Ngoài ra, ngành công nghiệp điện lực của Nga cũng đang thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến thị trường Pakistan.

Bá Thủy

RT

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nga-ho-tro-du-an-duong-ong-dan-khi-iran-pakistan-an-do-516329.html