Nga: Hàng trăm cuốn sách bán chạy đều 'chôm' tài liệu của Wikipedia

Mới đây, một độc giả người Nga đã phát hiện ra rằng, anh mua phải những cuốn sách có nội dung giống hệt với tài liệu đăng trên Wikipedia, cuốn bách khoa toàn thư mở có sẵn trên Internet.

Những cuốn sách đánh cắp nội dung trên mạng được rao bán trên các trang mạng uy tín và giá khá cao. Ảnh minh họa

Hãy tưởng tượng xem bạn sẽ cảm thấy thế nào khi mua một cuốn sách và phát hiện thấy nội dung của nó đơn giản là được sao chép và cắt dán từ Wikipedia? Đó chính xác là những gì đã xảy ra với độc giả người Nga Alexander Sosnin.

Trong blog của mình, Sosnin, một nhân viên tàu thủy mô tả rằng, trong khi anh đang duyệt sách để mua trực tuyến trên trang Ozon (trang thương mại điện tử Amazon của Nga), trang web tự động đề xuất một cuốn sách dựa trên sở thích của anh về máy bay Tu-154. Thế là anh quyết định mua nó.

Tuy nhiên, khi cuốn sách được giao đến nơi, Sosnin đã bị sốc khi thấy rằng nội dung của cuốn sách hoàn toàn là những bài báo từ Wikipedia, bao gồm cả bản sao thông tin về máy bay, bộ phim Flight Crew và hãng hàng không S7.

Lúc đó, anh mới để ý thấy, trên trang bìa của cuốn sách có một chú thích nhỏ (không được thông báo trên trang Ozon): "Nội dung chất lượng cao từ những bài viết trên Wikipedia".

Một người dùng khác lựa chọn tìm kiếm cụm từ “Chất gây ung thư” trên diễn đàn Pikabu của Nga tiết lộ rằng, các tác giả của cuốn sách - Jesse Russel và Ronald Cohn - cũng đã “viết” hàng trăm ngàn cuốn sách khác.

Hai người này cũng viết các cuốn sách với các chủ đề khác nhau như các loại máy bay, tàu khu trục và tiểu sử của các chỉ huy Đức Quốc xã và những người nổi tiếng của Nga. Những cái tên như: "David Bowie"; "Đa văn hóa"; "Ziggurat" và nhiều cuốn khách ... đều được Russel và Cohn viết ra một cách kỳ diệu. Họ kiếm đâu ra thời gian để hoàn thành một số lượng sách khổng lồ như vậy?

Xin nhớ rằng, tất cả các cuốn sách này đều có sẵn trên các cửa hàng bán sách online đáng tin cậy, bao gồm cả Amazon. Hầu hết trong được bán thông qua công nghệ Print-on-Demand (In theo yêu cầu) và có chi phí lên đến ba lần so với các cuốn sách khác có kích thước tương tự.

Tất nhiên, tên tác giả dường như là tên giả. Họ lấy tên của các nhà khoa học nổi tiếng như Russell, một nhà phát minh người Mỹ, nổi tiếng với nhiều sáng kiến trong kết nối không dây, hay Cohn, một nhà nghiên cứu,một nhà tâm lý học đã huấn luyện chú khỉ đột Koko sử dụng ngôn ngữ ký hiệu ... Họ không phải là chuyên gia về máy bay Tu-154.

Người dùng Nga đã nhận ra vấn đề này từ năm 2013 và đã khiếu nại với Ozon, yêu cầu dịch vụ này phải từ chối những cuốn sách liên quan đến các bài viết trên Wikipedia. Tuy nhiên, trang bán hàng nổi tiếng Amazon vẫn phớt lờ nhưng khiếu nại kể trên của khách hàng.

H.K
Russia Beyond

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/the-gioi/nga-hang-tram-cuon-sach-ban-chay-deu-chom-tai-lieu-cua-wikipedia-1341030.tpo