Nga giới thiệu cho Việt Nam chiến hạm 22160 tối tân nhất

Tại Triển lãm DSE 2019 đang diễn ra, bên cạnh tàu tên lửa Gepard 3.9 hay Karakurt-E thì Nga còn trưng bày cả mô hình chiến hạm tàng hình Dự án 22160.

Trong biên chế Hải quân nhân dân Việt Nam hiện có 2 phân lớp tàu chiến đó là tàu tên lửa tấn công nhanh cỡ nhỏ với lượng giãn nước 500 tấn, các đại diện tiêu biểu là Molniya 1241.RE, Molniya 1241.8, BPS-500 và tàu hộ vệ hạng trung lượng giãn nước 2.000 tấn Gepard 3.9.

Có thể dễ dàng nhận thấy một khoảng trống trong cơ cấu trên đó là các tàu hộ vệ tên lửa tàng hình có lượng giãn nước trên 1.000 tấn. Hiện tại lớp tàu này với kích thước này của chúng ta chỉ bao gồm Pohang hay Petya được tối ưu hóa cho chức năng săn ngầm.

Tại Triển lãm DSE 2019 đang diễn ra tại Hà Nội, Tổng công ty xuất nhập khẩu vũ khí Nga Rosoboronexport đã mang tới trưng bày mô hình tàu hộ vệ tên lửa tàng hình Dự án 22160 nhằm giới thiệu cho Việt Nam phương án được xem là tối ưu để lấp khoảng trống.

Mô hình tàu hộ vệ tên lửa tàng hình Dự án 21160 được trưng bày tại Triển lãm DSE 2019

Mô hình tàu hộ vệ tên lửa tàng hình Dự án 21160 được trưng bày tại Triển lãm DSE 2019

Tàu hộ vệ tên lửa Dự án 22160 được thiết kế với nhiều góc cạnh nhằm tăng khả năng tán xạ sóng radar, mang lại độ tàng hình rất cao. Tháp chỉ huy "vuốt xuôi" về sau gần giống kiểu kim tự tháp, mang nhiều nét tương đồng với tàu tuần tra xa bờ Gowind của Pháp.

Nhà sản xuất cho biết lớp chiến hạm này có thể tùy chỉnh lượng giãn nước trong khoảng 1.300 - 1.700 tấn (tùy phiên bản) với chiều dài 94 m; chiều rộng 14 m; mớn nước 3,4 m; thủy thủ đoàn 80 người.

Hệ thống động lực cũng có sự tùy chọn giữa CODAG (kết hợp diesel - turbine khí) hoặc CODAD (kết hợp diesel - diesel) cho tốc độ tối đa 25 - 30 hải lý/h, tầm hoạt động 6.000 hải lý khi chạy ở vận tốc kinh tế 16 hải lý/h, thời gian bám biển liên tục 60 ngày.

Cảm biến chính của tàu là radar Pozitiv-ME1 hoạt động trên băng tần X, có thể phát hiện cùng lúc 50 mục tiêu trong phạm vi 150 km, đi kèm radar dẫn đường NRS PAL-N, hệ thống gây nhiễu điện tử TC-25E, bệ phóng mồi bẫy gây nhiễu PK-10.

Tàu hộ vệ Vasily Bikov, chiếc đầu tiên thuộc Dự án 22160 của Hải quân Nga

Về vũ khí trang bị, phía trước mũi tàu là khẩu pháo AK-176MA với tháp pháo thiết kế theo dạng tàng hình hóa.

Ngay sau pháo chính là cụm bệ phóng thẳng đứng (VLS) 3S90E của đạn tên lửa phòng không tầm trung đa kênh Shtil-1, trong tương lai tổ hợp VLS này có thể sửa đổi để mang tên lửa đánh chặn 9M96 Redut.

Phía đuôi là cụm VLS đa năng UKSK tương thích tên lửa chống hạm Kalibr, nó dĩ nhiên cũng triển khai được cả tên lửa đối đất và chống ngầm. Kết cấu module còn cho phép thay thế cụm UKSK bằng container của tên lửa Klub-K, Uran-K hoặc ống phóng ngư lôi Paket-NK.

Ngoài vũ khí chống tàu mặt nước cực mạnh, chiến hạm Dự án 22160 còn được lắp đặt thiết bị định vị thủy âm MGK-335EM, hệ thống phát hiện người nhái dưới nước AGS Pallada, 2 súng phóng lựu chống người nhái DP-65 và 2 súng máy hạng nặng 14,5 mm điều khiển từ xa.

Tàu hộ vệ tên lửa Dự án 22160 được đánh giá là một mặt hàng có tiềm năng rất cao trên thị trường vũ khí thế giới, nó dĩ nhiên cũng được xem là ứng viên hàng đầu cho vị trí một lớp chiến hạm có lượng giãn nước trên 1.000 tấn của Hải quân Việt Nam.

Theo Tùng Dương/Báo Đất Việt

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/quoc-te/nga-gioi-thieu-cho-viet-nam-chien-ham-22160-toi-tan-nhat/20191021091057802