Nga 'gay gắt' Mỹ về kịch bản nguy hiểm của khủng hoảng hạt nhân Iran

Các quan chức hàng đầu của Nga cho biết, họ buộc Hoa Kỳ phải chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng hiện tại liên quan đến thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 (JCPOA).

Tổng thống Donald Trump đã đơn phương rút Mỹ khỏi JCPOA hồi năm ngoái và kéo theo nhiều căng thẳng quốc tế.

Nga sát cánh với Iran

Trong một tuyên bố được Bộ Ngoại giao Nga công bố hôm thứ Tư, đại diện thường trực của Moscow tại các tổ chức quốc tế ở Vienna Mikhail Ulyanov lưu ý, Iran vẫn tiếp tục tuân thủ JCPOA. Theo đó, nước này đã đồng ý hạn chế hoạt động hạt nhân để đổi lấy việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt. Và sau đó, ông Mikhail Ulyanov cũng cáo buộc "đường lối vô trách nhiệm của Hoa Kỳ, không chỉ rút ra khỏi 'thỏa thuận hạt nhân', mà còn tìm cách phá hủy nó, chủ yếu bằng cách ngăn chặn việc thực thi phần kinh tế của thỏa thuận này."

Kể từ tháng Năm năm ngoái, Hoa Kỳ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt sâu rộng đối với Cộng hòa Hồi giáo Iran, cáo buộc nước này tài trợ cho các nhóm vũ trang và phát triển công nghệ tên lửa đạn đạo. Giống như các bên khác đã ký kết thỏa thuận hạt nhân như Trung Quốc, EU, Pháp, Đức và Anh, Nga vẫn đứng về phía Iran.

Ông Trump đã ra hàng loạt chính sách cứng rắn với Iran. (Nguồn: AFP/Getty)

Ông Trump đã ra hàng loạt chính sách cứng rắn với Iran. (Nguồn: AFP/Getty)

"Với việc sử dụng các phương thức dọa dẫm, Mỹ tìm cách buộc các nước khác cắt giảm quan hệ thương mại và kinh tế hợp pháp với Iran, chủ yếu trong lĩnh vực dầu mỏ và ngân hàng", Ulyanov nói và cho rằng, "Washington thực sự đẩy Tehran ra khỏi thỏa thuận hạt nhân và và đẩy nước này vào tình thế thực hiện các bước trả đũa triệt để".

Tuyên bố của ông Ulyanov trùng với phiên họp của hội đồng thống đốc thuộc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế IAEA, nơi đã nhiều lần khẳng định cam kết của Iran đối với thỏa thuận hạt nhân 2015. Tuy nhiên, khi châu Âu không đáp ứng được đáng kể tối hậu thư của Iran, Tổng giám đốc IAEA Yukiya Amano đưa ra tiết lộ mới hôm thứ Hai rằng Iran thực sự đã gia tăng hoạt động làm giàu uranium, mặc dù ở mức thấp – phù hợp với hoạt động dân sự và không có mục đích quân sự.

Khi Hoa Kỳ đang cố gắng cắt giảm tất cả các hoạt động xuất khẩu của Iran thông qua các hạn chế kinh tế, Nga và các nước khác đã cảnh báo rằng những tín hiệu này đang buộc Tehran phải giảm dần các cam kết trong JCPOA. Hôm thứ ba, Ngoại trưởng Nga Serge Lavrov đã mô tả chiến lược của chính quyền Trump là "nỗ lực buộc cả thế giới không tuân thủ nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ vì mục tiêu 'bóp nghẹt' một quốc gia. Trên thực tế, một mục tiêu như vậy được cho là đường hướng chính trong chính sách của Hoa Kỳ ở Trung Đông".

Phát biểu tại diễn đàn quốc tế Primakov Readings tại Moscow, ông Lavrov nói thêm, "Thật đáng buồn. Chúng tôi đang cố gắng chống lại điều này. Chúng tôi đang cố gắng xem xét một cách có trách nhiệm và toàn diện hơn về các vấn đề của khu vực. Chúng tôi mời các đối tác của mình làm điều tương tự."

Nhật ra tín hiệu giữa căng thẳng?

Vào ngày kỷ niệm việc Mỹ rút khỏi JCPOA tháng trước và trong bối cảnh Mỹ gia tăng các hành động nhằm vào Iran ở Trung Đông, Tehran tuyên bố sẽ bắt đầu xem xét lại các cam kết của mình đối với thỏa thuận hạt nhân trừ khi quan hệ thương mại được bình thường hóa. Mặc dù các bên châu Âu ký kết JCPOA đã khẳng định sẽ tiếp tục ủng hộ thỏa thuận này, họ đã gặp khó khăn để hỗ trợ Iran trước sức ép gia tăng từ Washington.

Iran lâu nay vẫn luôn khẳng định họ duy trì chương trình hạt nhân của họ hoàn toàn vì mục đích hòa bình và chưa bao giờ tìm cách sản xuất vũ khí hủy diệt hàng loạt. Chính quyền Trump và các đồng minh hàng đầu ở Trung Đông là Israel và Saudi Arabia đã bác bỏ điều này, tuyên bố rằng Teheran đang che giấu các kế hoạch hạt nhân ngay cả khi vẫn tuân thủ JCPOA.

Hoa Kỳ và Iran từ lâu đã có mối quan hệ không mấy nồng ấm, từ các vấn đề xoay quanh Cách mạng Hồi giáo năm 1979 và cuộc khủng hoảng con tin sau đó tại Đại sứ quán Mỹ ở Tehran. Tháng trước, căng thẳng thậm chí còn sâu sắc hơn khi cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton đưa ra tuyên bố về "những tín hiệu và cảnh báo leo thang" cho thấy Iran đang tìm cách nhắm vào lợi ích của Mỹ ở Trung Đông.

Washington thậm chí còn đề cập đến kế hoạch đưa thêm quân đến Trung Đông. Trong khi kế hoạch ban đầu đề cập đến ít nhất 125 nghìn quân, như thông tin trước đây của Newsweek, thì nay đã bị hạ xuống "khoảng 1.500 người".

Bản thân ông Trump đã hạ thấp khả năng xảy ra xung đột, nhưng đã đề nghị các nhà lãnh đạo Iran gọi cho ông để giải quyết cuộc khủng hoảng- điều hoàn toàn bị các nhân vật ở Tehran bác bỏ.

Trong khi cả hai bên đang ở trong tình trạng rất bế tắc, hy vọng mới nhất về việc giảm leo thang đã xuất hiện với sự hiện diện của một đối tác chung giữa Washington và Tehran - Tokyo. Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo đã đến thủ đô Iran hôm thứ Tư để gặp Tổng thống Hassan Rouhani và nhà lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei với mục tiêu thúc đẩy "hòa bình và ổn định trong khu vực".

Sau cuộc họp với Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ về Kiểm soát vũ khí và an ninh quốc tế Andrea Thompson hôm thứ Tư, Thứ trưởng ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết, ông hy vọng rằng "các đối tác Nhật Bản sẽ giúp thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau, bao gồm giữa Tehran và Washington, trong chuyến thăm hiện tại, vì Moscow cũng đang lo lắng về căng thẳng gia tăng ở khu vực Vùng Vịnh".

An Bình

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/nga-gay-gat-my-ve-kich-ban-nguy-hiem-cua-khung-hoang-hat-nhan-iran-20190613100828671.htm