Nga dùng 'Zubr' không chế Biển Baltich, sóng nổi hơi cao...

Trung Quốc chỉ cho Hải quân Nga cách đóng tàu đổ bộ như thế nào

Lại xin giới thiệu một bài về vũ khí- trang bị kỹ thuật quân sự của chuyên gia quân sự Nga Vladimir Tuchkov (xin không giới thiệu lại). Bài viết đăng trên “Svobodnaia Pressa” ngày 20/10/2019.

Tàu đổ bộ đệm khí cỡ nhỏ “Evghenhi Kocheshkov” (Ảnh: Vitali Nhevar/TASS)

Tàu đổ bộ đệm khí cỡ nhỏ “Evghenhi Kocheshkov” (Ảnh: Vitali Nhevar/TASS)

Các phương tiện truyền thông đại chúng Nga mới đưa tin là Hải quân Nga đang chuẩn bị “phủ kín” Biển Baltic. Và cả Biển Đen nữa. Dù rằng chúng ta chỉ đang nói về những con tàu được biên chế cho Hạm đội Baltic. Thêm nữa, chúng (các con tàu) lại chỉ là những con tàu cỡ nhỏ. Và chỉ có hai chiếc.

Thế mà đã có ai đó thậm chí còn lên tiếng tuyên bố là “công cuộc hiện đại hóa” các tàu này sẽ biến chúng thành những “con tàu chiến tranh giữa các vì sao”. Nói chung, “sóng” nổi hơi cao.

Mặc dù, tất nhiên, đấy là những con tàu rất đáng quan tâm, và rất nên tìm hiểu một cách tương đối chi tiết (trong khuôn khổ một bài báo) số phận của chúng.

Đầu những năm 80 của thế kỷ trước, Phòng Thiết kế Biển (hải quân) Trung ương (Liên Xô) “Almaz” đã thiết kế tàu đổ bộ cỡ nhỏ đệm khí dự án 12322 “Zubr”. Tính độc đáo của tàu dự án này là ở chỗ nó kết hợp được tối ưu lợi thế tốc độ cao với kích thước đáng nể. Cho đến tận ngày nay, “Zubr” vẫn là con tàu lớn nhất lớp này.

Đã đóng được 15 tàu “Zubr”, chiếc đầu tiên trong số đó được biên chế cho Hạm đội Baltic vào năm 1988. Số còn lại được chia gần đều cho (hạm đội) Biển Baltic và Biển Đen. Nhưng hiện giờ chỉ còn 2 tàu bàn giao vào năm 1991 cho Hạm đội Baltic – đó là các tàu “Evgeny Kocheshkov” và “Mordovia”.

Với những con tàu khác, số phận đối xử với chúng một cách rất tàn nhẫn. Một số tàu được bàn giao lại Ucraine và chúng được Ucraine bán gần như ngay lập tức cho Hy Lạp và Trung Quốc. Đến Nga cũng đã bán một số tàu lớp này cho hai nước nói trên. Năm (5) tàu đã được thanh lý.

Như vậy có nghĩa là vào thời điểm hiện tại có 8 chiếc tàu đổ bộ cao tốc có những tính năng tuyệt vời nhưng lại đang phục vụ cho hải quân nước ngoài và duy nhất chỉ có 2 chiếc phục vụ cho Hải quân chúng ta (Nga).

“Zubr” có thể vận chuyển tới 140 lính đổ bộ cùng với các trang- thiết bị kỹ thuật quân sự đi kèm, tổng trọng lượng (vũ khí- khí tài) lên tới 150 tấn. Đó có thể là 3 chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực. Hoặc là 10 xe vận tải bọc thép (BTR). Hoặc 8 xe chiến đấu bộ binh (BMP). Hoặc 8 xe tăng lội nước (kiểu như PT-76-ND). Nếu tàu không chở vũ khí- trang thiết bị kỹ thuật quân sự hạng nặng- thì số lượng lính đổ bộ mà tàu có thể vận chuyển lên tới 500 người.

“Zubr” không chỉ chở lính đổ bộ và vũ khí- trang thiết bị đến địa điểm đổ bộ, mà còn thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ hỏa lực cho các hoạt động tác chiến của lực lượng đổ bộ đó bằng tổ hợp pháo phản lực cỡ 140 ly A-22 “Ogon”. Trên tàu có 2 tổ hợp như vậy. Mỗi tổ hợp có 22 nòng. Tầm bắn tối đa- 4.500 mét, tối thiểu- 800 mét.

Tổ hợp pháo phản lực A-22 140 ly “Ogon”

Ngoài ra, còn có một pháo tự động 6 nòng cỡ 30 ly với tầm bắn lên tới 5.000 m với cơ số đạn 3.000 viên. Tốc độ bắn – 5.000 viên/ phút.

Bộ đội và trang thiết bị tiếp đất qua mũi tàu. Chưa hết, tàu còn có khả năng di chuyển trên mặt đất nếu nó tương đối bằng hoặc trên đầm lầy bằng cách sử dụng đệm không khí.

“Zubr”, không phải bàn cãi gì nữa, chắc chắn là một con tàu rất tốt, giúp hiện thực hóa cực kỳ hiệu quả chiến thuật "phản ứng nhanh" nhờ có tốc độ cao. Và lẽ ra, rất nên tiếp tục đóng thêm dòng tàu này. Tuy nhiên, trong những bối cảnh phát sinh sau đó, khả năng này là không thể.

Trên tàu sử dụng động cơ tua-bin khí M-70, chính xác hơn - 5 động cơ M-70 công suất 10.000 sức ngựa mỗi động cơ. Hai trong đó đảm bảo hoạt động của các quạt để tạo đệm khí. Ba động cơ còn lại làm quay các chân vịt tạo lực đẩy ngang.

Đầu đuôi câu chuyện là thế này, trước đây các động cơ nói trên được sản xuất tại Ucraine, - cụ thể hơn- tại nhà máy “Zorya” ở thành phố Nhikolaev. Do quan hệ giữa Matxcova và Kiev bị cắt đứt, có một vấn đề cực nghiêm trọng xuất hiện– các khinh hạm dự án 22350 đang đóng cho Hải quân Nga khi đó không còn được cung cấp các tuabin khí của nhà máy“Zorya” Ucraine nữa.

Trong một hoàn cảnh nghiêm trọng như vậy, Nga buộc phải “tự lực cánh sinh” thiết kế và triển khai dây chuyền sản xuất động cơ tua bin khí thay thế để lắp cho các khinh hạm dự án nói trên. Và rõ ràng là, đối với các tàu đổ bộ cỡ nhỏ, thì dù cho chúng có tuyệt vời đến mấy đi nữa, trong một bối cảnh ngặt nghèo như vậy, không một ai có thể ra tay cứu giúp.

Thêm nữa, còn một chuyện khác có liên quan- đó là học thuyết về các chiến dịch đổ bộ cũng đã thay đổi. (Bộ Tư lệnh Hải quân Nga) quyết định không sử dụng các tàu đổ bộ cao tốc độ cỡ nhỏ nhưng lại "lớn" nữa (nguyên văn-ND). Thay vào đó, các đô đốc Nga quyết định phát triển một dòng xuồng đổ bộ đệm khí bố trí trên tàu đổ bộ kiểu mới.

Ví dụ, như để trên các tàu đổ bộ đa năng còn chưa biết đến đời nào mới xuất hiện ở Nga chẳng hạn. Điều rất đáng quan tâm và làm ta liên tưởng là cái học thuyết này lại thay đổi vào đúng cái thời điểm khi mà người Pháp có ý định đóng bán cho Nga 2 tàu mang máy bay lên thẳng “Mistral”- những tàu này, về bản chất chính là các tàu đổ bộ cỡ lớn.

Còn một vấn đề không kém phần nghiêm trọng khác nữa- khả năng sửa chữa các động cơ. Hai tàu Nga (“Zubr”) nói trên đã được khai thác gần 30 năm. Tuổi thọ động cơ – 4.000 giờ. Lẽ ra đến năm 2014, ít nhất cũng đã phải mua của Ucraine một bộ động cơ 5 chiếc rồi. Nhưng lúc đó mỗi một động cơ có giá một (1) triệu đô la. Quả là hơi xót tiền. Còn đến bây giờ thì có tiền cũng chịu.

Nhưng dù sao thì một tàu,- tàu “Evghenhi Kocheshkov” cũng đã được sửa chữa vào đầu thập kỷ này. Và bây giờ (Bộ Tư lệnh Hải quân Nga) quyết định hiện đại hóa cả hai tàu. Nhưng trước hết, cần phải sửa chữa xong nốt tàu"Mordovia" cái đã.

Dự kiến nội dung hiện đại hóa sẽ là thay mới cho tàu một hệ thống điều khiển hiện đại để tăng tối đa “tỷ lệ tự động hóa” mọi “quy trình” hoạt động trên tàu như điều khiển tàu, điều khiển hỏa lực, đổ bộ và tiếp nhận bộ đội đổ bộ và vũ khí- khí tài lên tàu.

Ngoài ra, cũng sẽ cải tiến hệ thống định vị, thông tin liên lạc. Radar cũng sẽ được hiện đại hóa. Tổ hợp A-22 sẽ được thay thế bằng hệ thống pháo phàn lực phóng dàn (loạt) “Grad” phiên bản bố trí trên tàu biển.

Có một chuyên rất đáng suy ngẫm: ở Trung Quốc, - tức chính cái đất nước được cả Ucraine và Nga thi nhau bán “Zubr” cho- thì “hoàn cảnh” của “Zubr” lại lạc quan hơn rất nhiều so với số phận những “đồng nghiệp” còn sót lại của chúng ở Nga.

Ucraine (khi bán “Zubr”) đã “nhân tiện” chuyển giao luôn cho khách mua trọn bộ tài liệu thiết kế và tài liệu công nghệ. Chính vì thế nên không có gì là ngạc nhiên khi tại nhà máy đóng tàu Đại Liên, người Trung Quốc đã đóng thêm 2 tàu “Zubr” nữa, nhưng đổi tên cho chúng thành "Bison".

Và để kết thúc bài viết, rất muốn có một vài dòng về chủ đề “sự thông thái” của người Trung Quốc và tính “phóng khoáng” của người Nga. Trung Quốc vào giữa những năm 90 đã bắt đầu thể hiện một sự quan tâm cao độ đối với các động cơ tuabin khí công suất lớn để trang bị cho tàu khu trục và tàu hộ tống của họ.

Trên đất Ucraine, ở chính thành phố Nikolaev, họ đã mua những động cơ cần thiết. Và sau đó, “trân trọng mời”, tham khảo, tư vấn ý kiến các chuyên gia của Nhà máy “Zorya-Mashproekt” (Ucraine).

Sau đó nữa, Bắc Kinh đặt hàng thiết kế động cơ tuabin khí M-80 công suất 50.000 sức ngựa để lắp cho tàu khu trục của họ. Và với sự giúp đỡ của các chuyên gia Ucraine được mời, họ đã “lấy gọn” và chuyển hết các công nghệ về nhà máy đóng tàu của minh.

Bây giờ thì Trung Quốc đã không còn gặp bất cứ vấn đề trở ngại gì với động cơ tuabin khí. Đấy lại là chính cái điều mà bạn không thể nói được về nước Nga, - nơi mà bao giờ cũng thế- cứ “mất bò mới lo làm chuồng” (dịch ý-ND).

Lê Hùng- Nguyễn Hoàng (dịch)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/nga-dung-zubr-khong-che-bien-baltich-song-noi-hoi-cao-3389828/