Nga dùng siêu pháo điện từ phóng vệ tinh

Các chuyên gia Nga đã đề xuất chế tạo một loại đại bác vũ trụ để phóng vệ tinh mà không cần dùng đến tên lửa đẩy.

Thông tin về kế hoạch đầy bất ngờ của Nga được Sputnik tiết lộ khi dẫn nguồn từ công trình nghiên cứu của các chuyên gia từ viện khoa học hàng đầu của Roscosmos là TsNIIMash (Viện nghiên cứu khoa học chế tạo máy trung ương).

Các nhà khoa học cho rằng với trình độ khoa học và công nghệ hiện đại ngày nay, ý tưởng được nhà văn Jules Verne mô tả lần đầu tiên trong cuốn tiểu thuyết "từ Trái đất lên Mặt trăng" (From the Earth to the Moon: Or a Cannon for Peace) năm 1865 bây giờ có thể thành hiện thực.

Nga phóng vệ tinh.

Nga phóng vệ tinh.

Cụ thể, các chuyên gia có ý tưởng dùng đại bác điện từ để phóng đạn là tên lửa đẩy mang vệ tinh nhỏ vào vũ trụ. Trong số các phương án được các nhà nghiên cứu đề xuất còn súng điện từ ray (railgun) và máy gia tốc khối vòng tròn.

Các chuyên gia lưu ý rằng ưu điểm của "đại bác vũ trụ" là chi phí phóng thấp mà hiệu quả phóng vệ tinh lại cao. Tuy nhiên, họ cũng nhấn mạnh rằng vệ tinh sẽ bị quá tải quá mức khi phóng.

Đồng thời với chương trình này, Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga vừa phóng thành công tên lửa Rokot bằng trang bị vũ trụ quân sự hoán cải từ tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).

"Bộ Quốc phòng Nga đã thực hiện vụ phóng tên lửa Rokot cuối cùng, đồng thời chấm dứt việc vận hành nó để chuyển sang sử dụng dòng tên lửa hiện đại hóa", Giám đốc sân bay vũ trụ Plesetsk, Thiếu tướng Nikolai Nestechuk cho biết.

Tên lửa đẩy hạng nhẹ Rokot được chế tạo trong khuôn khổ chương trình chuyển đổi trên cơ sở tên lửa ICBM RS-18 (đã được rút khỏi biên chế quốc phòng).

Lần phóng đầu tiên của Rokot diễn ra ở sân bay vũ trụ Plesetsk vào ngày 16/5/2000. Tổng cộng, trong giai đoạn này, 30 lần phóng đã được thực hiện từ sân bay vũ trụ, được phóng lên quỹ đạo bằng khoảng 70 thiết bị vũ trụ cho nhiều mục đích khác nhau.

Theo những thông tin được Sputnik công bố trước đó, những tên lửa đẩy Rokot sẽ được thay thế bởi ICBM Topol-M (đang được Nga loại biên) hoán cải.

"Ngành công nghiệp tên lửa đang thực hiện dự án hoán cải tên lửa Topol bị loại biên, biến chúng trở thành hệ thống mang vệ tinh hạng nhẹ cho chương trình không gian của Nga", Sputnik dẫn tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga cho biết.

Tổ hợp tên lửa Topol đang dần bị loại biên và được thay thế bằng tên lửa đạn đạo liên lục địa Yars tối tân hơn. Được biết, hiện Lực lượng tên lửa chiến lược Nga vẫn duy trì ít nhất 70 tên lửa Topol trong biên chế, chúng nhiều khả năng bị tháo dỡ bán sắt vụn nếu không được hoán cải và nhận nhiệm vụ mới.

Mặc dù bị loại biên nhưng Thượng tướng Viktor Yesin - nguyên Tư lệnh Lực lượng tên lửa chiến lược Nga (RVSN) cho hay, quân đội Mỹ cần gần chục quả tên lửa đánh chặn bố trí dưới mặt đất mới có hy vọng bắn chặn được 1 quả Topol của Nga.

Cựu Thượng tướng Viktor Yesin - nguyên Tư lệnh Lực lượng tên lửa chiến lược của quân đội Nga từ 1994 đến 1996 đã bình luận: "Từ những thông tin có được tôi biết rằng người Mỹ phải cần đến cả chục quả tên lửa đánh chặn để bắn hạ được 1 quả tên lửa Topol của Nga trong tình huống có xung đột".

Thanh Hà

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/cong-nghe/nga-dung-sieu-phao-dien-tu-phong-ve-tinh-3424448/