Nga dùng khung máy bay từ thập niên 1980 để... chế tạo tiêm kích MiG-35 Fulcrum-F?

Tiêm kích MiG-35 Fulcrum-F của Nga đang được quảng cáo rộng rãi thực ra không hẳn thuộc thế hệ 4++. Chuyên gia Peter Suciu đến từ ấn phẩm 19FortyFive đã giải thích lý do tại sao ông lại đưa ra nhận định trên.

Tiêm kích MiG-35 Fulcrum-F là dự án vũ khí đầy tham vọng của Cục thiết kế Mikoyan - một đơn vị thành viên của Tập đoàn chế tạo máy bay thống nhất (UAC) thuộc sở hữu nhà nước Nga.

Tiêm kích MiG-35 Fulcrum-F là dự án vũ khí đầy tham vọng của Cục thiết kế Mikoyan - một đơn vị thành viên của Tập đoàn chế tạo máy bay thống nhất (UAC) thuộc sở hữu nhà nước Nga.

Người Nga giới thiệu MiG-35 laf máy bay chiến đấu hạng nhẹ với tính cơ động cao, có khả năng tấn công các mục tiêu di động và cố định, cả ngày lẫn đêm, trong mọi điều kiện thời tiết.

Báo chí Nga trích dẫn tuyên bố của các quan chức UAC cho biết, MiG-35 có thể theo dõi đồng thời 30 mục tiêu, theo dõi và tấn công 6 mục tiêu cùng lúc nhờ được tích hợp hệ thống điện tử hàng không tối tân.

Cục thiết kế Mikoyan rất tự hào về radar được tích hợp trên tiêm kích MiG-35, họ tuyên bố rằng nó phát hiện được mục tiêu ở tầm rất xa và có khả năng chống nhiễu vô tuyến cao.

Ngoài ra còn có nhiều chi tiết được chia sẻ về khả năng chiến đấu của MiG-35. Các chuyên gia Nga cho biết, chiếc tiêm kích này đạt tốc độ bay tối đa Mach 2,25, nhờ hai động cơ phản lực cánh quạt đốt sau Klimov RD-33MK có kiểm soát vector lực đẩy 3 chiều (3D TVC).

Chiến đấu cơ MiG-35 Fulcrum-F được trang bị nhiều loại vũ khí rất tốt, nó có thể sử dụng một loạt tên lửa, rocket và bom, bao gồm đạn tấn công mặt đất chính xác Kh-31P, Kh-29TE... cùng với bom dẫn đường KAB-500Kr.

Nhưng việc phân loại MiG-35 là tiêm kích thế hệ 4++ bị nhận xét chỉ là một mánh tiếp thị. Nga được cho là đang cố gắng thuyết phục thế giới (và có lẽ cả chính họ) rằng MiG-35 tương đương với máy bay chiến đấu tàng hình Lockheed Martin F-35 Lightning II của Mỹ.

Tuy nhiên những đặc điểm nêu trên, được Moskva quảng cáo rầm rộ, khó có thể là sự thật. Một thực tế phải nhắc đến là MiG-35 không phải một máy bay chiến đấu mới, nó chỉ đơn giản là phiên bản nâng cấp.

Tiền thân của MiG-35 là MiG-29K/MiG-29M/M2 nổi tiếng. Đáng chú ý hơn nữa là MiG-35 được chế tạo dựa trên khung máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư được phát triển vào cuối những năm 1980.

Với những khả năng như quảng cáo, chiếc máy bay chiến đấu này đáng lẽ phải giữ vai trò chủ lực trong lực lượng hàng không vũ trụ Nga [VKS], nhưng ngày nay, ngay cả khi xảy ra chiến sự tại Ukraine, Moskva cũng không thể đưa nó vào sản xuất hàng loạt.

Khoảng hai hoặc ba năm trước, VKS tuyên bố sẽ mua 37 máy bay chiến đấu MiG-35. Vào thời điểm đó, điều này nghe có vẻ như mức tối thiểu để thu hút sự chú ý từ các khách hàng nước ngoài, để họ có thể tài trợ cho dự án bằng cách này hay cách khác.

Tuy nhiên bản kế hoạch này cũng thất bại. Hiện nay, toàn bộ lực lượng Không quân Nga chỉ có 6 máy bay chiến đấu loại này có khả năng hoạt động và 2 chiếc tiêm kích MiG-35 dạng nguyên mẫu thử nghiệm.

Tuy nhiên, dần dần sự quan tâm từ các quốc gia khác giảm xuống mức “không quan tâm”. Bất chấp thực tế trên, Nga vẫn tuyên bố rằng Ấn Độ, Argentina, Bangladesh, Malaysia và Ai Cập là những "khách hàng tiềm năng".

Ở một mức độ nào đó, Mỹ đã nhúng tay vào các cuộc đàm phán xuất khẩu trang thiết bị quân sự của Moskva, Washington làm thất bại rất nhiều thỏa thuận cuối cùng giữa Nga và khách hàng nước ngoài.

Chuyên gia Suciu viết rằng, tiêm kích MiG-35 là một sự lãng phí tiền bạc. Không có dấu hiệu nào cho thấy chiếc máy bay chiến đấu này sẽ được sản xuất hàng loạt, ngay cả khi cuộc xung đột ở Ukraine đang ngày càng khốc liệt.

Đây là điều không gây bất ngờ, bởi so sánh tính năng kỹ chiến thuật thì MiG-35 không hề nổi trội so với Su-30SM hay Su-35S, sẽ phức tạp cho VKS khi biên chế thêm một loại chiến đấu cơ tỏ ra không mấy hữu dụng.

Bạch Dương

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nga-dung-khung-may-bay-tu-thap-nien-1980-de-che-tao-tiem-kich-mig-35-fulcrum-f-post524836.antd