Nga dùng ICBM Sarmat để đáp trả Minuteman III của Mỹ

Chỉ trong vòng 24h, cả Nga và Mỹ đều công bố thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, cuộc đua 'đồ chơi chết chóc' này đang ngày càng hiện hữu.

Theo trang MSN của Mỹ, ngày 5/5 (giờ địa phương), Mỹ tiến hành thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Minuteman III từ Căn cứ Không quân Vandenberg ở California.

Theo thông cáo báo chí do Căn cứ Không quân Vandenberg đưa ra, Bộ Chỉ huy Tấn công Toàn cầu của Không quân Mỹ (AFGSC) cho biết, tên lửa được từ nghiệm từ 12:15 nửa đêm đến 6:15 sáng theo giờ địa phương (07:15 đến 13:15 GMT).

Cuộc thử nghiệm Minuteman III của Mỹ hôm 23/2. Nguồn: Huanqiu.

Cuộc thử nghiệm Minuteman III của Mỹ hôm 23/2. Nguồn: Huanqiu.

Trong đợt thử nghiệm này, ICBM Minuteman III không mang đầu đạn và được phóng từ phía bắc của căn cứ Vandenberg. Mục đích của vụ phóng này là để xác nhận và kiểm chứng tính hiệu quả, khả năng sẵn sàng chiến đấu và độ chính xác của hệ thống vũ khí.

Tuy nhiên, báo cáo mới nhất ngày 6/5 cho biết, Mỹ đã thất bại trong một vụ thử nghiệm lần này. "Một vụ phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Minuteman III không mang vũ khí từ Căn cứ Không quân Vandenberg, California, đã gặp sự cố trước khi phóng", Bộ Chỉ huy Tấn công Toàn cầu của Không quân Hoa Kỳ (AFGSC) cho biết trong một thông cáo báo chí.

Vụ phóng tên lửa này diễn ra trong khuôn khổ cuộc thử nghiệm thường kỳ của Không quân Mỹ. Thông thường các tên lửa thử nghiệm được khai hỏa từ quần đảo Marshall và kết thúc trên biển.

Vụ phóng bất ngờ bị hủy bỏ sát giờ với tuyên bố "ngừng hoạt động trên mặt đất" mà không đưa ra một lý do cụ thể nào. Theo Drive nguyên nhân có thể là lỗi kỹ thuật của tên lửa, hoặc hệ thống phóng, hoặc nó có thể liên quan đến sự cố mất hệ thống theo dõi, liên kết thông tin liên lạc bị hỏng, hoặc thậm chí là "vật cản", khi một tài sản trái phép đi lạc vào đường dự kiến của tên lửa…

Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Minuteman III được đưa vào trang bị cho Quân đội Mỹ vào những năm 1970 và vẫn dang tiếp tục được hiện đại hóa. Để kéo dài tuổi thọ, các vụ phóng thử tên lửa được thực hiện - tối đa bốn lần phóng hàng năm. Như đã tuyên bố trước đó của Phó Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Không quân John Hiten, sau năm 2030 tên lửa Minuteman III sẽ hỏng.

Hiện có khoảng 450 tên lửa Minuteman III đang nằm trong kho vũ khí của Lầu Năm Góc, được cất giữ tại 3 căn cứ quân sự ở Wyoming, North Dakota và Montana. Các ICBM ba giai đoạn trên đất liền của gia đình Minuteman ban đầu được thiết kế để răn đe hạt nhân trong Chiến tranh Lạnh.

Ngày nay, LGM-30G Minuteman III là ICBM trên cạn duy nhất đang được sử dụng tại Mỹ. Minuteman III có khả năng diệt các mục tiêu trong một phạm vi khoảng 13.000 km với tốc độ 7 km/s. Với tốc độ này, Minuteman III hiện được coi là ICBM có tốc độ bay nhanh nhất thế giới.

Theo một số chuyên gia Mỹ, có thể vụ phóng đã thành công nhưng Mỹ vẫn tuyên bố thất bại, mục đích nhằm “tung hỏa mù” đối với Nga. Ngay khi Mỹ tuyên bố thử nghiệm ICBM, Nga ngay lập tức cũng đưa ra thông báo đáp trả.

Theo Avia.pro, Quân đội Nga tuyên bố sẽ thử nghiệm 3 vụ phóng ICBM Sarmat từ nay đến cuối năm 2021. Mặc dù hiện nay hệ thống Sarmat vẫn chưa được hoàn thành, tuy nhiên, Nga vẫn phóng thử nghiệm, nhằm kiểm tra độ chính xác và khả năng vận hành của tên lửa này.

Vụ phóng đầu tiên dự kiến sẽ được thực hiện ở bãi thử Kura trên bán đảo Kamchatka thuộc vùng Viễn Đông Nga trong quý III/2021. Theo kế hoạch, các cuộc thử nghiệm cấp nhà nước của Sarmat sẽ bắt đầu vào năm 2022.

Hiện, vẫn chưa có bằng chứng khẳng định Mỹ liệu có thất bại trong vụ thử nghiệm vừa rồi hay không, nhưng động thái đáp trả lẫn nhau giữa Washington và Moscow đối với “đồ chơi chết chóc” này đã thể hiện rõ sự cạnh tranh khốc liệt giữa hai bên. Trong cuộc cạnh tranh này, dù thắng hay thua thì các bên đều phải trả một giá đắt, và thế giới phải đối mặt với nguy cơ khủng hoảng vũ khí hạt nhân nghiêm trọng.

Đức Trí (lược dịch)

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/quan-su/nga-dung-icbm-sarmat-de-dap-tra-minuteman-iii-cua-my-283689.html