Nga dùng 'chiến lược lớn' khôi phục địa vị toàn cầu

Nga đã thực hiện 'chiến lược lớn' nhằm khôi phục ưu thế địa chính trị từ khu vực châu Á-Thái Bình Dương sang châu Mỹ.

Hướng Đông bắt buộc?

Nga vừa tổ chức Diễn đàn kinh tế phương Đông lần thứ 5 (EEF-2019) ở thành phố Vladivostok, khu vực Viễn Đông của nước này. Trong cuộc họp báo tổng kết hôm 6/9, Phó Тhủ tướng Chính phủ LB Nga, Đại diện đặc mệnh toàn quyền của Tổng thống Liên bang Nga tại Vùng liên bang Viễn Đông, ông Yuri Trutnev thông báo 270 thỏa thuận trị giá 3.400 tỷ ruble (khoảng 47 tỷ USD) đã được ký kết trong khuôn khổ diễn đàn.

Con số “sơ bộ” này tăng so với 220 thỏa thuận trị giá 3.100 tỷ ruble được ký kết tại EEF-2018.

Cũng theo ông Trutnev, diễn đàn lần này đã thu hút sự tham gia của hơn 8.500 người đến từ hơn 65 quốc gia trên thế giới, trong đó có 1.300 đại diện các phương tiện thông tin đại chúng.

Nga tổng kết những con số ấn tượng tại EEF-2019

Đánh giá vai trò của EEF, giới chuyên gia Nga nhận định: về mặt địa lý, Nga buộc phải có mối liên hệ với cả phương Tây và phương Đông. Việc Nga tổ chức EEF giúp nước này cải thiện hợp tác với các quốc gia đang phát triển nhanh tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, qua đó đẩy mạnh phát triển vùng Viễn Đông giàu có tài nguyên thiên nhiên nhưng chưa được khai thác.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Nga, ông Sergei Katyrin cho biết trong vòng 5 năm qua, tại vùng Viễn Đông đã thành lập được 20 khu vực ưu tiên phát triển, 5 cảng tự do, khoảng 1.800 dự án đầu tư với tổng số vốn lên tới gần 3.800 tỷ ruble đang được thực hiện, hơn 200 doanh nghiệp mới được thành lập và đi vào hoạt động.

Những con số thống kê và phát biểu của giới chức Nga cho thấy ít nhất về mặt hình thức, Nga rất coi trọng phát triển quan hệ với các quốc gia châu Á.

Cụm từ “phương Đông” được sử dụng trong sự kiện thường niên ở Vladivostok với sự tham gia thường xuyên của lãnh đạo các nước châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ...đã nói lên ý định của Nga.

Vấn đề đặt ra là Nga có thực sự muốn “hướng Đông” và chiến lược này có hiệu quả không? Phải chăng Nga chỉ xoay sang hướng này khi không thể hội nhập sâu hơn với phương Tây?

Giới phân tích phương Tây cho rằng EEF là cơ hội để Nga tìm kiếm các đối tác châu Á trong bối cảnh bị phương Tây cô lập. Trong khi đó, các nước lớn ở châu Á cũng nhân cơ hội này tìm cách tách Nga ra khỏi Trung Quốc.

Tổng thống Nga V. Putin (thứ hai từ bìa phải) cùng lãnh đạo các nước tham dự EEF-2019

Phó giáo sư Andrew Hammond của Trường Kinh tế London nhận định rằng EEF tại Vladivostok là “nỗ lực mới nhất của Nga nhằm tăng cường ảnh hưởng ở vùng Viễn Đông”.

Nga tiếp tục đặt cược vào việc thúc đẩy quan hệ với 4 quốc gia Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản và Mông Cổ.

Tất cả lãnh đạo của các nước này đều tham dự EEF, bao gồm Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Phó Thủ tướng Trung Quốc Hồ Xuân Hoa, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Mông Cổ Khaltmaagiin Battulga.

Ông Hammond cho rằng EEF-2019 là nỗ lực mới nhất để Nga khẳng định vị thế quốc tế của mình. Ông nói: “Trong bối cảnh quan hệ giữa Nga với phương Tây hiện nay khá căng thẳng và đầy bấp bênh, Tổng thống Putin đang chú trọng hơn bao giờ hết đến châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt là Nhật Bản, Trung Quốc và Ấn Độ”.

Nga loay hoay Đông-Tây

Nga ngày càng chú trọng phát triển vùng Viễn Đông của mình, qua đó tăng cường hợp tác với các nước châu Á. Tuy nhiên, Moscow hiện thực hiện nhiều bước đi song song trong quá trình tìm lại “ánh hào quang” xưa chứ không chỉ tập trung cho việc “hướng Đông”.

Theo giới phân tích, trong khoảng 2 thập kỷ kể từ khi ông Putin lên nắm quyền, Nga đã thực hiện “chiến lược lớn” nhằm khôi phục ưu thế địa chính trị từ khu vực châu Á-Thái Bình Dương sang châu Mỹ. Nga sáp nhập Crimea ở châu Âu, can thiệp quân sự vào Syria ở Trung Đông, hỗ trợ Venezuela ở châu Mỹ...

Người biểu tình tại Donetsk, Ukraine hồi tháng 3/2014

Sự nồng ấm trong quan hệ giữa ông Putin với lãnh đạo các nước lớn ở châu Á tương phản với các mối quan hệ lạnh nhạt hơn của ông với các nhà lãnh đạo ở nhiều nước then chốt, đặc biệt là ở phương Tây.

Dù nhà lãnh đạo Nga có mong muốn xây dựng lại các mối quan hệ với các cường quốc chủ chốt từ Mỹ đến Pháp, Đức và Anh thì điều này cũng không dễ dàng.

Quan hệ giữa Nga và châu Âu vẫn căng thẳng, như được thể hiện tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7). Tại đây, một số nước, đặc biệt là Anh và Đức, đã hoài nghi về ý tưởng của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm đưa Nga quay trở lại "câu lạc bộ" này.

Về phía Mỹ, khi ông Trump vẫn giữ chức tổng thống, có lẽ quan hệ với Mỹ là nhân tố không chắc chắn lớn nhất trong chính sách đối ngoại của Nga. Cả ông Putin lẫn ông Trump đều hy vọng về một sự bình thường hóa quan hệ.

Tuy nhiên, những diễn biến trong năm 2017 và 2018 giữa hai nước đã đóng lại cánh cửa cơ hội tiềm tàng đó.

Không chỉ sức ép trong nội bộ nước Mỹ mà những căng thẳng giữa Moscow và Washington ở Trung Đông, đặc biệt là vấn đề Syria, cũng đang làm phức tạp mối quan hệ Nga-Mỹ

Mặc dù vậy, không phải tất cả các đại diện chủ chốt của phương Tây đều “quay lưng” với Nga. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công khai mời Nga trở lại câu lạc bộ của các quốc gia phát triển hàng đầu thế giới. Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng nhấn mạnh việc “xem xét lại mối quan hệ với Nga”.

Tổng thống Nga V. Putin (thứ 4 từ bìa trái) trong lần tham dự Hội nghị thượng đỉnh G8 tại Bắc Ireland năm 2013

Tại hội nghị thường niên các đại sứ Pháp ngày 29/8, ông Macron phát biểu: “Ai đã đánh mất nước Nga? Chính chúng ta, phương Tây”. Tổng thống Macron còn kêu gọi Pháp cũng như Liên minh châu Âu (EU) nên “kiến tạo một niềm tin mới” với Moscow, “xem xét lại mối quan hệ với nước Nga”.

Phát biểu này được đưa ra hơn 1 tuần sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nguyên thủ Pháp-Nga tại Brégançon (Tây Nam nước Pháp) ngày 19/8.

Cựu Ngoại trưởng Pháp Hubert Védrine khẳng định rằng hướng đi này có lợi cho mối quan hệ Pháp-Nga và EU-Nga. Ông nói:

“Đây là một ý định rất hữu ích nhằm giúp Pháp, và có thể là cả châu Âu, thoát ra khỏi một ngõ cụt, một cuộc chiến quan điểm vô bổ khởi phát từ nhiều năm qua mà cả hai phía đều sai lầm, nhất là kể từ nhiệm kỳ thứ 3 của ông Vladimir Putin.

Và cuộc đối đầu này dẫn đến một sự khó hiểu về chiến lược: Hệ quả là ngày nay chúng ta có những mối quan hệ với Nga còn tồi tệ hơn so với 3 thập niên cuối cùng thời Liên Xô. Điều này không có lợi cho chúng ta”.

Chuyên gia người Pháp Cyrille Bret cho rằng Pháp và EU cần Nga, còn Nga cũng cần châu Âu hơn là cần Trung Quốc.

Ông nói: “Tôi nghĩ rằng Nga cũng rất cần châu Âu để có nguồn tài chính. Một nửa ngân sách của Liên bang Nga, trong đó có cả các nỗ lực trang bị vũ khí, phụ thuộc nhiều vào nguồn thu có được từ việc bán dầu khí cho châu Âu, trong khi nguồn xuất khẩu dầu khí sang Trung Quốc không thể thay thế cho nguồn xuất khẩu dầu khí sang châu Âu”.

Chuyên gia Pháp nhấn manh rằng, hiện tại, “nước Nga rất cần đến các nguồn đầu tư công nghệ, kỹ sư, nhất là nguồn ngoại tệ của châu Âu, chứ không phải ngược lại”.

Thành Minh

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/nga-dung-chien-luoc-lon-khoi-phuc-dia-vi-toan-cau-3387201/