Nga đưa vào trực chiến hệ thống cảnh báo sớm đòn tấn công tên lửa

Hàng loạt hệ thống cảnh báo sớm đòn tấn công tên lửa Voronezh đã được triển khai trên các vùng trọng yếu của Nga, sau khi hoàn thành thử nghiệm vào cuối năm ngoái.

Hệ thống cảnh báo sớm Voronezh của Nga xử lý các dữ liệu quỹ đạo để tạo lập cảnh báo về đòn tấn công tên lửa nhắm vào các sở chỉ huy quân sự, cung cấp thông tin cho hệ thống phòng thủ tên lửa cũng như dữ liệu về các vật thể không gian- Tổng công trình sư và là CEO của Tập đoàn Vympel Sergei Boev nói với Sputnik.

Theo ông Boev, hiện có 7 trạm như vậy đã được đưa vào trực chiến ở các vùng Leningrad, Kaliningrad, Irkutsk, Orenburg, các lãnh thổ Krasnodar, Krasnoyarsk và Altai. Một số trạm radar tương tự cũng đang được xây dựng ở vùng Murmansk, Komi,..

Hệ thống radar Voronezh mới của Nga. Ảnh: TASS.

Hệ thống radar Voronezh mới của Nga. Ảnh: TASS.

Với nền tảng công nghệ và kỹ thuật tiên tiến, hệ thống cảnh báo có khả năng phát hiện và theo dõi cả những vụ phóng tên lửa siêu thanh bay với tốc độ 5-6 Mach, phân tích nguy cơ về mối đe dọa, xử lý, báo cáo thông tin về sở chỉ huy, ông Boev tiết lộ.

Trong khi đó, TASS dẫn lời Đại tá Andrei Revenok- Giám đốc Trung tâm Cảnh báo tấn công tên lửa của Lực lượng Vũ trụ Nga, nói, các radar cảnh báo sớm được chỉ định để lấy và cung cấp dữ liệu về các vụ phóng tên lửa và đường bay của tên lửa đối phương. Các radar loại Voronezh mới nhất sẽ thay thế tất cả các hệ thống kiểm soát không phận hiện có của Nga.

Trạm radar Nebo-UM tiên tiến của Nga. Ảnh: Donat Sorokin/TASS.

Trước đó, vào giữa tháng 12/2020, TASS đưa tin, trạm radar Nebo-UM mới nhất, thay thế hệ thống Nebo-U, có khả năng xác định các mục tiêu bay thấp và tàng hình đã được đặt trong tình trạng báo động chiến đấu ở Vùng Rostov ở miền Nam nước Nga.

Nebo-UM có khả năng phát hiện và theo dõi máy bay, trực thăng, tên lửa hành trình, đầu đạn tên lửa và các mục tiêu khác, xác định mối liên hệ giữa chúng và truyền dữ liệu tới đài chỉ huy hoặc các tổ hợp phòng không. Radar quân sự mới cũng có thể xác định hướng của các nguồn gây nhiễu và xác định vị trí của chúng.

Huy Anh

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/quoc-te/tin-tuc/nga-dua-vao-truc-chien-he-thong-canh-bao-som-don-tan-cong-ten-lua-101646.html