Nga đưa quân tới Libya: Dọn mớ hỗn độn phương Tây?

Sau khi đưa quân tới Trung Đông, hỗ trợ bắc Phi, nhiều khả năng Nga sẽ tiếp tục có mặt tại Libya để dọn mớ hỗn độn mà phương Tây để lại.

Libya hi vọng vào Nga

Mới đây, tướng Khalifa Haftar, Tổng Tư lệnh quân đội Libya đã tới thăm tàu sân bay Kuznetsov của Nga ở Địa Trung Hải.

Động thái trên của ông Haftar được cho là hành động công khai nhất sự ủng hộ việc Nga tới Lybia.

Trước đó, hồi cuối tháng 11/2016, ông Tổng Tư lệnh quân đội Libya cũng chính thức đặt chân tới Moskva để nhờ Nga trợ giúp trong chiến dịch chống lại tổ chức khủng bố IS.

Tướng Khalifa Haftar, Tổng Tư lệnh quân đội Libya đã tới thăm tàu sân bay Kuznetsov của Nga ở Địa Trung Hải

Theo các nguồn tin quân sự và tình báo DEBKAfile, Tổng thống Vladimir Putin đã bắt đầu nghĩ đến việc thiết lập một căn cứ quân sự thứ hai ở Địa Trung Hải trên bờ biển Benghazi (Libya), song song với căn cứ Hmeimim tại tỉnh Latakia của Syria. Căn cứ này sẽ dành cho các đơn vị Hải quân và Không quân Nga, cách Châu Âu chừng 700 km.

Hồi tháng 6/2016, tướng Hafer đã gặp gỡ với Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu và Cố vấn An ninh Quốc gia Nikolai Patrushev. Sau đó, điện Kremlin đã cân nhắc việc tăng cường viện trợ quân sự cho Libya.

Thực tế, ông Haftar là một người có tham vọng thống nhất Libya. Đặc biệt thời gian gần đây, chính phủ do LHQ hỗ trợ tại Tripoli đang yếu thế.

Với sự hỗ trợ cũng như giúp sức từ Nga, ông Haftar có thể vững tâm để thực hiện mong muốn của mình.

Trước những tín hiệu từ phía Libya, điện Kremlin vẫn chưa đưa ra câu trả lời chính thức nào cả. Tuy nhiên theo nhận định của các chuyên gia, trong tương lai, rất có thể Nga sẽ can thiệp vào Libya với danh nghĩa chống khủng bố như họ đã làm tại Syria.

Nga dọn mớ hỗn độn phương Tây để lại

Việc chính phủ ở miền Đông Libya mong muốn sự giúp sức của Nga để hoàn thành mục tiêu thống nhất đất nước không có gì quá bất ngờ vào thời điểm này.

Thực tế dù Mỹ và phương Tây đã đưa thêm quân cùng nhiều vũ khí hiện đại tới Libya nhưng tình hình tại quốc gia này vẫn hết sức hỗn loạn.

Các cuộc tấn công của Mỹ và liên quan thời gian qua vấp phải sự kháng cự quyết liệt từ các tay súng IS. Bên cạnh đó, IS cũng tăng cường các vụ đánh bom liều chết nhằm vào lực lượng thân chính phủ được Liên hợp quốc bảo trợ.

Sau khi đưa quân tới Trung Đông, Bắc Phi, nhiều khả năng Nga sẽ tiếp tục có mặt tại Libya để dọn mớ hỗn độn mà phương Tây để lại.

Vì vậy cũng giống như Syria, chính phủ Libya lại đặt niềm tin vào chính quyền tổng thống Putin.

Còn nhớ vào thời điểm tháng 9/2015, sau nhiều lần trì hoãn, Nga đã chấp nhận lời đề nghị của tổng thống Syria Assad để đưa quân tới quốc gia Trung Đông này.

Tháng 8/2014, chiến dịch không kích nhằm tiêu diệt lực lượng IS của Mỹ bắt đầu. Tính từ đó đến nay, liên quân chống IS do Mỹ cầm đầu đã lên tới con số khoảng 60 nước.

Tuy nhiên theo nhận định của các chuyên gia, trong khi Mỹ sa lầy trong cuộc chiến chống IS, càng đánh IS càng mạnh thì Nga chỉ sau 4 ngày có mặt tại Syria và thực hiện các đợt không kích đã khiến lực lượng này tan tác.

Đến thời điểm này, Mỹ dường như đã nhường toàn bộ chiến trường Syria cho không quân Nga. Dưới sự giúp sức của Moskva, quân chính phủ Assad đã giành nhiều chiến thắng quan trọng, đẩy lùi phiến quân IS khỏi thành cổ Aleppo cũng như làm chủ nhiều vùng chiến lược quan trọng tại Palmyra, Homes...

Ngoài chiến trường Syria, thời gian vừa qua điện Kremlin cũng phải giúp Mỹ giải quyết các vấn đề khác tại châu Á, châu Phi.

Theo đó, hàng loạt quốc gia Trung Đông, châu Phi, trong đó có cả những đồng minh của Mỹ đã đề nghị Nga cung cấp vũ khí để chống khủng bố.

Mới hồi tháng 8 vừa qua, ngoài các gói viện trợ quân sự thông thường, chính quyền Afghanistan đã đề nghị Nga cung cấp “miễn phí” một số vũ khí lớn, trong đó có cả máy bay trực thăng vũ trang, nhằm chống khủng bố Taliban, IS và al-Qaeda đang xâm chiếm hơn nửa đất nước này.

Hôm 9/8, Chính quyền Kabul đã đệ trình yêu cầu với Moskva cung cấp “viện trợ quân sự không hoàn lại” trong cuộc chiến chống lại nhóm khủng bố IS và phong trào Hồi giáo cực đoan Taliban, cùng với nhóm khủng bố al-Qaeda.

Đề nghị này được đưa ra trong bối cảnh mới hồi tháng 7 vừa qua, Mỹ và NATO đã cam kết cung cấp viện trợ quân sự cho các lực lượng vũ trang nước này từ nay đến năm 2020.

Không chỉ Afghanistan mà một quốc gia khác cũng đang gặp nguy về vấn nạn khủng bố là Pakistan cũng đã mua sắm khá nhiều vũ khí Nga ví dụ như trực thăng vũ trang Mi-35 và trực thăng tấn công thế hệ mới Mi-28 NE, được gọi là "Thợ săn đêm” (Night Hunter) để chống khủng bố.

Hòa Bình

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/nga-dua-quan-toi-libya-don-mo-hon-don-phuong-tay-3327380/