Nga đưa Krasukha-4 đến Armenia để 'tóm' F-16 Thổ Nhĩ Kỳ

Nga được cho là đã đưa tổ hợp tác chiến điện tử 'độc nhất vô nhị' thế giới Krasukha-4 đến Karabakh để hỗ trợ Armenia 'tóm sống' F-16 Thổ Nhĩ Kỳ.

Mới đây tổ hợp tên lửa - pháo phòng không tầm thấp Pantsir-S1 do Nga sản xuất đã bị bị phá hủy trên lãnh thổ Cộng hòa Nagorno-Karabakh (NKR) tự xưng. Truyền thông Nga cho rằng, hệ thống này có thể là của Iran, tuy nhiên, dù là của nước nào thì cũng do Nga chế tạo, việc Thổ Nhĩ Kỳ tiêu diệt hệ thống Pantsir-S1 ở NKR và những vụ việc tương tự trước đây ở Syria đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh tiếng của loại vũ khí này.

Hệ thống Pantsir-S1 do Nga chế tạo đã bị hủy diệt ở Nagorno-Karabakh. Nguồn: Sohu.

Hệ thống Pantsir-S1 do Nga chế tạo đã bị hủy diệt ở Nagorno-Karabakh. Nguồn: Sohu.

Trong khi đó Nga đang hướng tới việc trở thành cường quốc xuất khẩu vũ khí, và lĩnh vực này cũng là một trong những trụ cột chính để khôi phục nền kinh tế Nga, vốn đang có nhiều “bấp bênh” trong bối cảnh hiện nay.

Vụ việc vừa qua là “giọt nước tràn ly”, để cảnh cáo Thổ Nhĩ Kỳ, Nga được cho là đã bố trí hệ thống tác chiến điện tử Krasukha-4 ở thành phố Gyumri của Armenia, theo tiết lộ của quan chức Bộ Quốc phòng Armenia, hệ thống này đã tiêu diệt 9 máy bay không người lái (UAV) chỉ trong vòng một tuần.

Hiện máy bay chiến đấu F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ đang có mặt ở Azerbaijan, mặc dù phía Azerbaijan đã phủ nhận việc có 6 chiếc F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ xuất hiện tại căn cứ quân sự Ganja và tuyên bố, đây chỉ là sự vu cáo của Armenia. Tuy nhiên, gần đây, theo ảnh vệ tinh chụp căn cứ quân sự Ganja của của hãng Planet Labs phát hiện 6 máy bay F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ tại bãi đỗ máy bay của sân bay ở căn cứ này.

Bằng chứng này đã làm Azerbaijan không thể phủ nhận, tuy nhiên, thay vì xác nhận về sự hiện diện của máy bay Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Azerbaijan Aliyev lại cáo buộc có nhiều máy bay MiG-29 và Su-30 của Nga trên lãnh thổ Armenia, cũng như 5.000 quân Nga tại căn cứ Gyumri ở Armenia. Phía Azerbaijan coi đây như là một lời giải thích cho sự hiện diện của máy bay Thổ Nhĩ Kỳ.

Ảnh vệ tinh cho thấy sự xuất hiện của F-16 Thổ Nhĩ Kỳ ở căn cứ Ganja. Nguồn: Sohu.

Tuy nhiên, các chuyên gia Nga cho rằng, việc Nga cung cấp vũ khí cho Armenia là điều phù hợp, do Armenia là thành viên của Hiệp ước An ninh Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS) của Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO). Thời gian qua, các lực lượng vũ trang Armenia thường xuyên nhận được sự hỗ trợ từ Nga.

Còn việc Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ và đưa lực lượng đến Azerbaijan lại là vấn đề khác, Azerbaijan không phải là nước thành viên NATO, nên Thổ Nhĩ Kỳ không có lý do gì để hỗ trợ Azerbaijan. Có thể coi việc Thổ Nhĩ Kỳ đưa F-16 đến quốc gia này là một hành động vi phạm luật pháp quốc tế, cũng là một hành động thách thức “gấu Nga”.

Chính quyền Armenia hôm 29/9 cáo buộc một chiếc F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bay từ căn cứ Ganja, bắn rơi một máy bay Su-25 của Armenia, do vậy để “tóm” F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ, Nga đã sẵn sàng sử dụng Krasukha-4, theo Sputnik, chỉ cần F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ “tung hoành” một lần nữa ở không phận Karabakh, Krasukha-4 sẽ làm cho F-16 của Ankara “có đi mà không có về”.

Krasukha-4 bắt đầu phục vụ trong Quân đội Nga từ năm 2014 và hiện trên thế giới không có bất cứ quốc gia nào ngoại trừ Nga sở hữu các tổ hợp tác chiến điện tử có tính năng tương tự Krasukha-4.

Tổ hợp Krasukha-4 là trạm dải tần rộng gây nhiễu âm thanh mạnh, module đa năng đặt trên mặt đất gây nhiễu dùng để bảo vệ các công trình cố định chống đài radar trên máy bay chỉ huy, điều khiển và quản lý chiến trường E-8C (Mỹ), chống đài radar trên máy bay chiến đấu, máy bay trinh sát, máy bay không người lái loại RQ-4 Global Hawk hay Predator và đài radar trên vệ tinh trinh sát Lakross.

Krasukha-4 của Nga là hệ thống tác chiến điện tử “độc nhất vô nhị” trên thế giới. Nguồn: Sohu.

Krasukha-4 là một biến thể hiện đại hóa của hệ thống tác chiến điện tử Krasuha-2, có khả năng phát hiện và theo dõi các mục tiêu trên không và trong trường hợp cần thiết nó có thể tạo nhiễu để làm rối loạn hệ thống tác chiến của đối phương, bán kính hoạt động của hệ thống vượt quá 300 km.

Về cấu tạo, tổ hợp Krasukha-4 gồm hai ăng-ten, một ăng-ten phát tín hiệu và một ăng-ten thu tín hiệu. Giá đỡ của ăng-ten được gắn chặt vào khung và được đặt trên khung gầm xe bánh hơi 4 trục KAMAZ. Đặc biệt, hệ thống Krasukha-4 có khả năng làm việc tin cậy trong điều kiện nhiệt độ từ -50 độ C đến +50 độ C.

Trong trường hợp Thổ Nhĩ Kỳ đưa hệ thống tác chiến điện tử Koral đến Azerbaijan cũng khó có thể đối phó với Krasukha-4. Các chuyên gia phân tích quân sự Nga cho rằng, hệ thống tác chiến điện tử Koral của Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa đủ sức để có thể “hạ gục” Krasukha-4 của Nga.

Giới phân tích quân sự Mỹ cũng đánh giá Krasukha-4 cao hơn rất nhiều so với Koral khi nó có tầm hoạt động vượt trội, bên cạnh đó khả năng áp chế điện tử đa mục tiêu của Krasukha-4 là độc nhất vô nhị trên thế giới.

Đức Trí (lược dịch)

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/quan-su/nga-dua-krasukha-4-den-armenia-de-tom-f-16-tho-nhi-ky-269034.html