Nga dự báo kinh tế suy giảm 3,5% do lệnh trừng phạt của phương Tây

Ngân hàng trung ương Nga (CBR) dự báo nền kinh tế Nga suy giảm 3,5% trong năm nay và tương lai sẽ tiếp tục ảm đạm khi ngành năng lượng khổng lồ của đất nước phải vật lộn để phục hồi do mất các thị trường béo bở ở châu Âu và xung lực tăng giá của dầu và khí đốt bắt đầu suy yếu dần.

Giàn khoan ở mỏ dầu Chaivo ngoài khơi bờ biển đảo Sakhalin của Nga. Ảnh: Reuters

Giàn khoan ở mỏ dầu Chaivo ngoài khơi bờ biển đảo Sakhalin của Nga. Ảnh: Reuters

Nền kinh tế Nga đang chịu tác động của các lệnh trừng phạt và sự rút lui của các doanh nghiệp phương Tây sau khi Moscow phát động cuộc chiến tranh ở Ukraine. Dù Nga được hưởng lợi nhờ giá năng lượng tăng vọt trong năm nay, các nhà kinh tế của CBR dự đoán doanh thu xuất khẩu dầu khí sẽ giảm trong năm tới do kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại và phương Tây tìm thấy các sản phẩm thay thế cho năng lượng của Nga.

CBR nhận định GDP của Nga sẽ sụt giảm từ 3-3,5% trong năm nay, ít hơn so với ước tính ngay sau khi chiến sự ở Ukraine xảy ra. Thống đốc CBR Elvira Nabiullina nói: “Mức sụt giảm GDP sẽ ít đáng kể hơn so với dự đoán ban đầu”.

Tuy nhiên, mức sụt giảm GDP theo dự kiến của Nga có thể là mức lớn nhất được ghi nhận bởi một thành viên của nhóm các nền kinh tế lớn G20. Hồi tháng 4, CBR dự kiến kinh tế Nga sẽ thu hẹp từ 8-10% trong năm nay và nhiều nhất là 3% trong năm 2023. Giờ đây, CBR dự báo GDP giảm từ 1-4% trong năm tới.

CBR giữ nguyên lãi suất cơ bản 7,5% sau khi hạ lãi suất trong sáu cuộc họp liên tiếp, từ 20% xuống 7,5%. Điều này cho thấy các nhà hoạch định chính sách của Nga đã thành công trong việc ổn định đồng rúp và hệ thống tài chính sau các đòn trừng phạt của phương Tây.

Tuy nhiên, CBR cảnh báo rằng nền kinh tế có thể bị sụt giảm sản lượng lớn hơn trong năm tới nếu Nga đối mặt với các lệnh trừng phạt cứng rắn hơn hoặc nhu cầu yếu hơn từ nền kinh tế toàn cầu đang đứng trước rủi ro suy thoái. Liên minh châu Âu (EU) đang chuẩn bị đưa ra các biện pháp trừng phạt mới đối với hoạt động xuất khẩu dầu thô của Nga trên toàn thế giới.

CBR cho biết: “Sự leo thang hơn nữa của các hạn chế thương mại và tài chính bên ngoài, sự phân mảnh của nền kinh tế và hệ thống tài chính toàn cầu có thể dẫn đến sự suy giảm mạnh hơn tiềm năng của nền kinh tế Nga”.

CBR cảnh báo tăng trưởng cũng có thể bị ảnh hưởng do quyết định tổng động viên một phần để tuyển mộ 222.000 quân nhân trong tháng 9 của chính phủ.

“Một yếu tố mới ảnh hưởng đến xu hướng giá cả là lệnh động viên một phần. Trong những tháng tới, điều này sẽ dẫn đến tác động giảm lạm phát do nhu cầu tiêu dùng thấp hơn. “Tuy nhiên, về sau, nó có thể bắt đầu khiến lạm phát tăng cao do những thay đổi trong cấu trúc của thị trường lao động và sự thiếu hụt một số lao động chuyên môn”, bà Nabiullina nói.

Bà lưu ý rất khó để đánh giá tất cả các hậu quả của sự thay đổi trong cấu trúc sử dụng lao động. Hiện tại, lạm phát của Nga đang ở mức khá cao là 13,7%.

Các lệnh trừng phạt và sự rút lui tự nguyện của các doanh nghiệp phương Tây đã ảnh hưởng nặng nề đến một số bộ phận của nền kinh tế. Theo số liệu do Cơ quan thống kê nhà nước liên bang Nga công bố hôm 26-10, sản lượng xe hơi trong tháng 9 thấp hơn một nửa so với mức một năm trước đó.

Tuy nhiên, nền kinh tế Nga được hỗ trợ nhờ doanh thu xuất khẩu năng lượng tăng. Điện Kremlin giảm đều đặn nguồn cung khí đốt tự nhiên cho châu Âu xuống còn khoảng 20% so với mức đầu năm. Điều này khiến giá năng lượng thế giới tăng mạnh, giúp doanh thu xuất khẩu dầu khí của Nga tăng lên đáng kể.

Một nghiên cứu mới của tổ chức tư vấn kinh tế Bruegel ước tính giá cao hơn đã giúp doanh thu xuất khẩu năng lượng của Nga tăng thêm 120 tỉ đô la trong chín tháng đầu năm. Các nhà phân tích của Bruegel nhận định thặng dư thương mại của Nga so với thế giới sẽ đạt 240 tỉ đô la trong năm nay nhưng giảm xuống còn 100 tỉ đô la vào năm 2023.

Tuy nhiên, cú bật về doanh thu năng lượng khó có thể kéo dài. Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), sản lượng dầu khí của Nga có thể suy giảm vĩnh viễn do châu Âu quyết tâm cắt giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng của Nga.

IEA cho biết tỷ trọng xuất khẩu dầu khí toàn cầu của Nga có thể giảm một nửa vào năm 2030 và khó có khả năng Trung Quốc sẽ thay thế các thị trường khí đốt của Nga ở châu Âu do Bắc Kinh theo đuổi các mục tiêu cắt giảm lượng khí thải carbon đầy tham vọng.

Theo WSJ, Financial Times

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/nga-du-bao-kinh-te-suy-giam-35-do-lenh-trung-phat-cua-phuong-tay/