Nga đồng ý cho UAE cùng thử nghiệm Orion-E

Nga đã đồng ý cho UAE cùng tham gia công tác thử nghiệm UCAV Orion-E trước khi chính thức ký kết hợp đồng.

Hiện khách hàng UAE và nhà sản xuất Nga đang thống nhất địa điểm cũng tiến hành thử nghiệm máy bay tấn công không người lái (UCAV) Orion-E trước khi chính thức ký kết hợp đồng với Tập đoàn Kronshtadt của Nga, đại diện Cơ quan Hợp tác Kỹ thuật và Quân sự Liên bang cho biết tại Dubai Airshow 2019.

Máy bay Orion-E của Nga.

Máy bay Orion-E của Nga.

"Vấn đề cung cấp Orion-E cho khách hàng thuộc khu vực Trung Đông là UAE cơ bản đã giải quyết xong. Việc ký hợp đồng chính thức sẽ được thực hiện dựa vào kết quả thử cuộc thử nghiệm sắp tới", cơ quan này cho biết thêm.

Máy bay Orion-E ban đầu được chế tạo thuộc lớp máy bay không người lái tầm xa ở độ cao trung bình, có thời gian lưu không dài. Orion-E có trọng lượng cất cánh tối đa (MTOW) là 1.000 kg và có thể mang trọng tải 200 kg. Nó có độ cao bay tối đa 8000m, có khả năng bay liên tục trên không trong 24 giờ.

Sau đó, nhà sản xuất Nga tiếp tục công bố một phiên bản Orion-E vũ trang đã được trình diễn với 2 tên lửa dẫn đường 50 kg. Đây là một loại đạn dẫn đường thông minh được Kronshtadt thiết kế riêng cho Orion.

Ngoài ra, còn có một phiên bản khác với trọng lượng có thể tăng lên 200 kg. Vì vậy, một UCAV loại này có thể mang bốn quả đạn 50 kg hoặc hai quả 100 kg.

Ngoài ra, Tập đoàn Kronshtadt đang phát triển một phiên bản tiên tiến hơn của UAV Orion-E, được đặt tên là Orion-2. Phiên bản Orion-2 sẽ là UAV tầm cao, tầm xa, thời gian lưu không dài đầu tiên trong danh mục đầu tư của công ty. Chiếc máy bay này trọng lượng cất cánh tối đa 5.000 kg, độ cao bay tối đa 12.000 m và tốc độ 350 km/h.

Chiếc máy bay có thể được tháo rời và vận chuyển cùng với các hệ thống hỗ trợ kỹ thuật của nó chỉ trong một container duy nhất, rất thuận tiện cho việc triển khai và lắp đặt trong môi trường tác chiến tốc độ nhanh, cường độ cao của chiến tranh hiện đại.

Việc UAE mua UAV Orion-E của Nga có thể là cú đánh mạnh vào lòng tự tôn của Mỹ khi trước đó, nước này cũng đã mua UAV CH-4 và Wing Loong I, II của Trung Quốc, trong khi Mỹ có hàng loạt loại UAV trinh sát và tấn công siêu hiện đại như RQ-4 Global Hawk, MQ-1 Predator hay MQ-9 Reaper.

Tuy nhiên, các quốc gia Trung Đông đã nhanh chóng nhận ra là chất lượng UAV Trung Quốc cũng tồi như cái giá rẻ của nó. Hồi tháng 4 năm nay, một máy bay không người lái Wing Loong I (Pterodactyl I) của UAE đã bị lực lượng Houthi bắn hạ ở Yemen.

Do đó, đây rất có thể là lí do khiến UAE bỏ máy bay không người lái Trung Quốc và quay sang mua UAV Orion-E của Nga. Tuy nhiên trong quá trình thử nghiệm, một chiếc Orion đã bất ngờ bị rơi và hỏng hoàn toàn trong vụ tai nạn hôm 16/11 ở miền Trung nước Nga.

Có thể đây là nguyên nhân khiến UAE muốn cùng Nga thử nghiệm dòng UCAV này trước khi đặt bút ký vào bản hợp đồng.

Tuấn Vũ

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/nga-dong-y-cho-uae-cung-thu-nghiem-orion-e-3391718/