Nga dạy Mỹ cách ứng xử với vũ khí hạt nhân

Hiệp ước Nga và NATO năm 1997 quy định NATO không được phép bố trí vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ các nước thành viên mới của khối quân sự này.

Nga tuyên bố đã làm gương cho Mỹ

Ngày 11/6, Thứ trưởng Ngoại giao thứ nhất của Nga, ông Vladimir Titov tuyên bố nước này sẽ đáp trả nếu Mỹ triển khai vũ khí hạt nhân ở Ba Lan. Trả lời phỏng vấn hãng thông tấn RIA Novosti, ông Titov nói: "Bất cứ tiềm lực quân sự nào đe dọa tới đất nước của chúng ta được triển khai trên lãnh thổ Ba Lan thì giới chức trách Nga sẽ có hành đáp trả thích đáng".

Hôm 14/5, Đại sứ Mỹ tại Đức Richard Grenell trong một bài báo nói rằng "thay vì làm xói mòn sự đoàn kết trong việc củng cố khả năng răn đe hạt nhân của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đây là thời điểm để Đức duy trì cam kết với các đồng minh thông qua việc tiếp tục đầu tư vào chia sẻ chi phí hạt nhân của NATO".

Đại sứ Mỹ tại Ba Lan Georgette Mosbacher

Đại sứ Mỹ tại Ba Lan Georgette Mosbacher

Bình luận về bài báo của Đại sứ Grenell, Đại sứ Mỹ tại Ba Lan Georgette Mosbacher nêu rõ: "Nếu Đức muốn thu hẹp năng lực hạt nhân và làm suy yếu NATO, thì có lẽ Ba Lan - quốc gia đóng góp đầy đủ, hiểu rõ các nguy cơ và nằm ở sườn Đông của NATO - sẽ là nơi triển khai các tiềm lực đó".

Phản ứng trước những thông tin trên, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng Moscow nghi ngờ khả năng Mỹ thực hiện kế hoạch chuyển vũ khí hạt nhân từ Đức sang Ba Lan. Theo ông, hành động này sẽ trực tiếp vi phạm hiệp ước nền tảng giữa Nga và NATO năm 1997, trong đó quy định NATO không được phép bố trí vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ các nước thành viên mới của khối quân sự này.

Cũng nhân đây, nhà ngoại giao mỉa mai rằng các đại sứ của Mỹ ở châu Âu không chỉ tự do trình bày quan điểm của đất nước họ mà còn “áp chế” quan điểm của nước sở tại.

Nga tự tin "gương mẫu" trong hành xử với vũ khí hạt nhân

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng phát biểu của Đại sứ Mỹ tại Ba Lan Georgette Mosbacher làm gia tăng căng thẳng trong quan hệ giữa Nga và NATO. Theo bà Zakharova, việc đưa vũ khí hạt nhân về Mỹ có lẽ là đóng góp thiết thực cho an ninh châu Âu. Nga đã “làm gương” trong vấn đề này khi chuyển tất cả các loại vũ khí hạt nhân về lãnh thổ của mình.

Người phát ngôn bộ ngoại giao Nga nhấn mạnh: “Chúng tôi hi vọng, Washington và Ba Lan nhận thức được tính chất nguy hiểm của những tuyên bố như vậy, làm phức tạp thêm mối quan hệ Nga-NATO vốn đang trải qua giai đoạn không lấy gì làm tốt đẹp ngay cả khi không có những tuyên bố tương tự”.

Ba Zakharova khẳng định chính những hành động của Mỹ đang đe dọa nền tảng an ninh châu Âu, ví dụ như việc Washington đơn phương rút khỏi Hiệp ước các lực lượng tên lửa tầm trung (INF).

Mỹ có dấu hiệu ngày càng "cuồng" tên lửa và vũ khí hạt nhân

Thực ra, câu chuyện về khả năng Mỹ đưa vũ khí hạt nhân tới Ba Lan không phải là chủ đề mới. Cách đây 5 năm (2015), Thứ trưởng Quốc phòng Ba Lan Tomasz szatkowski thông báo quân đội Ba Lan có kế hoạch yêu cầu NATO bố trí vũ khí hạt nhân của Mỹ trên lãnh thổ Ba Lan trong khuôn khổ chương trình đặc biệt mang tên Nuclear Sharing.

Ngoài vấn đề vũ khí hạt nhân, Ba Lan hiện cũng đã trở thành “tiền đồn” của NATO và Mỹ trong mắt người Nga. Ba Lan cùng với 3 nước Baltic hiện là nơi triển khai 4 tiểu đoàn đa quốc gia của NATO với tuyên bố rõ ràng nhằm chống lại Nga. Mỹ cũng đã cho triển khai tên lửa Patriot tới Ba Lan và thường xuyên tập trận tại đây.

Không dễ dọa Nga

Nói về ý đồ của Mỹ, chuyên gia Konstantin Sivkov, Chủ tịch Viện nghiên cứu các vấn đề địa chiến lược của Nga, cho rằng vũ khí hạt nhân được bố trí ở Ba Lan sẽ là mối đe dọa nghiêm trọng đối với Nga. Thời gian bay (của vũ khí - ND) từ Ba Lan tới Nga ngắn hơn rất nhiều so với từ Đức. Do đó, chuyên gia Sivkov cho rằng bước đi này của Mỹ có thể được coi như một trong các giai đoạn chuẩn bị chiến tranh, ở đây là một đòn tấn công hạt nhân.

Theo chuyên gia Nga, đầu tiên Mỹ có thể đưa bom hạt nhân B61 tới Ba Lan cũng như các phương tiện mang loại bom này. Nhiều khả năng, Mỹ sẽ đưa tới sát biên giới Nga các loại tên lửa tầm trung có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Trong trường hợp này, Nga cần phải tăng cường khả năng phòng không, đồng thời triển khai các cụm quân bổ sung ở khu vực biên giới.

Binh sĩ Mỹ và Ba Lan tập trận chung trên lãnh thổ Ba Lan

Chuyên gia quân sự Alexandr Zhilin của Nga thì cho rằng vũ khí hạt nhân của Mỹ ở Ba Lan sẽ là “thảm kịch” đối với nước Nga. Chuyên gia này cho rằng cùng với hệ thống tên lửa ở Romania vốn có khả năng phóng cả tên lửa mang đầu đạn hạt nhân và những tiến bộ thời gian qua như khả năng tiêu diệt vệ tinh, Mỹ hoàn toàn có khả năng vô hiệu hóa vũ khí hạt nhân của Nga.

Theo chuyên gia này, Nga cần nói rõ với NATO rằng chính NATO đang tiến sát biên giới Nga. Do đó, học thuyết quân sự của Nga đang thay đổi. Nga không có thời gian để đứng chờ xem sẽ bị NATO tấn công như thế nào. Chỉ cần một nghi ngờ nhỏ nhất rằng các hệ thống được bố trí ở Đông Âu là để tấn công Nga, thì Nga sẽ tấn công phủ đầu và “chết người” nhằm vào các nước Đông Âu, đồng thời cả nước Mỹ.

Trong khi đó, chuyên gia Vladimir Vinokurov của Nga nhận định kế hoạch này hiện mới chỉ trong giai đoạn thảo luận và Ba Lan vì muốn giành lợi thế nên đang lợi dụng tình hình phức tạp ở Đức. Chuyên gia này nghiêng về khả năng Mỹ sẽ không đưa vũ khí hạt nhân của mình từ Đức sang Ba Lan nhưng đồng thời cảnh báo nếu kịch bản này xảy ra Nga sẽ đáp trả một cách cứng rắn.

Rút khỏi INF, Mỹ công khai ý đồ tăng cường năng lực tên lửa tầm trung

Chuyên gia Vinokurov nói: “Tình hình hiện nay không chỉ được đặt trong bối cảnh dịch bệnh mà còn từ góc độ chính trị-quân sự nên mọi điều đều có thể xảy ra. Có người cho rằng điều đó sẽ lặp lại cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962. Tuy nhiên, điều đó chỉ xảy ra khi chúng ta cũng hành động như những gì người Mỹ làm. Tôi không nghĩ rằng điều đó sẽ xảy ra nhưng vẫn cho rằng cần phải có phản ứng một cách cứng rắn và sắc bén”.

Chuyên gia Nga Alexandr Mikhailov lưu ý Đức không phải là nơi duy nhất Mỹ bố trí vũ khí hạt nhân ở châu Âu. Ông cho biết hiện có tới 5 quốc gia như vậy. Điều quan trọng là dù vũ khí hạt nhân có ở Mỹ, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ, Italy hay Hà Lan thì cũng không ai được phép “động” vào trừ người Mỹ. Do đó, chuyên gia này cho rằng sẽ không có gì thay đổi đối với an ninh châu Âu.

Còn nhà báo, nhà hoạt động chính trị người Nga Evgeny Primakov cảnh báo Ba Lan cần nhận thức rõ ràng mức độ nguy hiểm đối với bản thân. Mối nguy hiểm này là tự động vì Nga có thể hướng các tên lửa hạt nhân của mình vào các mục tiêu trên lãnh thổ Ba Lan nếu như ở đó có vũ khí hạt nhân. Khi tình huống xảy ra, đòn tấn công sẽ không chỉ xuất phát từ “đất mẹ” mà còn từ tỉnh Kaliningrad nằm sát biên giới Ba Lan để “chắc ăn”.

Báo chí phương Tây minh họa tầm bắn của tên lửa Iskander được Nga bố trí ở Kaliningrad lên tới 440 dặm (hơn 700 km), bao trùm cả Ba Lan, các nước Baltic, thậm chí cả thủ đô Berlin của Đức

Tuy nhiên, ông Primakov cho rằng phát biểu của Đại sứ Mỹ tại Ba Lan có thể chỉ nhằm thăm dò dư luận vì không loại trừ khả năng Mỹ sẽ bố trí tên lửa tầm trung ở châu Âu sau khi rút khỏi INF. Do đó, không nên gọi đây là “kế hoạch” của người Mỹ.

Trên thực địa, chỉ 2 ngày sau khi Đại sứ Mỹ tại Ba Lan Georgette Mosbacher đề cập vấn đề đưa vũ khí hạt nhân của Mỹ từ Đức sang Ba Lan, người Mỹ đã “hoảng hốt” nhận thấy Nga tăng cường hiện diện quân sự tại Bắc Cực. Trợ lý thứ nhất của Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề châu Âu và Á-Âu, ông Mike Murphy thông báo Nga đã triển khai tên lửa phòng không S-400 ở khu vực đảo Kola.

Quan chức Mỹ cáo buộc hành động của Nga vượt ra khỏi khuôn khổ phòng thủ lãnh thổ! Không hiểu khi phát biểu điều này, ông Murphy có tự vấn lương tâm rằng về việc Mỹ đưa vũ khí hạt nhân tới châu Âu để làm gì? Nếu để bảo vệ lãnh thổ Mỹ thì hành động này có vẻ không hợp logic của chính bản thân ông.

Thành Minh

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/nga-day-my-cach-ung-xu-voi-vu-khi-hat-nhan-3405639/