Nga đặt câu hỏi về khả năng can dự của NATO liên quan đến chiến đấu cơ F-16

Trước thông tin phương Tây có kế hoạch cung cấp chiến đấu cơ F-16 cho Ukraine, Đại sứ Nga tại Mỹ đã lên tiếng cảnh báo.

Tại hội nghị thượng đỉnh G7, ông Biden đồng ý để đồng minh cung cấp chiến đấu cơ F-16 cho Ukraine.

Tại hội nghị thượng đỉnh G7, ông Biden đồng ý để đồng minh cung cấp chiến đấu cơ F-16 cho Ukraine.

Trong cuộc họp báo kết thúc hội nghị thượng đỉnh G7, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói với các phóng viên rằng các đồng minh phương Tây đưa ra cam kết lâu dài cho Ukraine bằng cách cung cấp chiến đấu cơ do Mỹ sản xuất.

Ông Biden nói đã quyết định cho phép các đồng minh của Mỹ cung cấp F-16 cho Ukraine, và cho rằng quyết định này không làm leo thang căng thẳng với Nga, theo Newsweek. Ông Biden đưa ra tuyên bố sau khi nhận được đảm bảo từ Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, rằng Kiev không sử dụng chiến đấu cơ để tấn công mục tiêu trong lãnh thổ Nga.

"Tôi đã nhận được sự đảm bảo từ ông Zelensky rằng Kiev sẽ không sử dụng chiến đấu cơ F-16 để tấn công lãnh thổ Nga", ông Biden nói.

Theo Newsweek, đây không phải lần đầu tiên chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden thoạt đầu nói không với đề nghị cung cấp vũ khí từ Kiev, nhưng vài tháng sau lại đồng ý.

Các vũ khí đáng chú ý nhất Mỹ đã cam kết cung cấp cho Ukraine gồm pháo phản lực tầm xa HIMARS, tên lửa phòng không Patriot và xe tăng Abrams. Trong tuyên bố mới, ông Biden không nhắc đến việc Mỹ trực tiếp gửi chiến đấu cơ F-16 cho Ukraine.

Nhưng việc "bật đèn xanh" có thể đánh dấu một mốc mới trong cuộc xung đột. Quyết định của ông Biden đồng nghĩa phương Tây nhận thấy Ukraine cần sự hỗ trợ về quân sự lâu dài, theo báo Mỹ.

Trong tuyên bố ngày 21/5, ông Biden nói nâng cao năng lực không quân cho Ukraine sẽ giúp Kiev "tự tin" hơn trong việc phòng thủ, ngay cả khi các bên đạt thỏa thuận hòa bình.

Trả lời trên đài CNN hôm 21/5, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan nói rằng, "các đồng minh châu Âu đang sở hữu một số lượng lớn chiến đấu cơ F-16 và Mỹ ưu tiên thông qua bên thứ ba để cung cấp cho Ukraine, thay vì hỗ trợ trực tiếp".

Theo ông Sullivan, Mỹ trước đây không đồng ý cung cấp chiến đấu cơ cho Ukraine vì "chưa thực sự cần thiết", nhưng thừa nhận rằng tình hình đang thay đổi.

"Chúng tôi đang hướng tới việc bổ sung năng lực về lâu dài cho Ukraine. Chiến đấu cơ thế hệ 4 như F-16 cần thiết để làm điều đó", ông Sullivan nói.

Phản ứng về việc phương Tây có kế hoạch cung cấp chiến đấu cơ F-16 cho Ukraine, Đại sứ Nga tại Mỹ, ông Anatoly Antonov ngày 22/5 viết trên Telegram:

"Ukraine không có hạ tầng nào phục vụ việc vận hành chiến đấu cơ F-16 ở Ukraine, cũng như không có số lượng phi công và nhân viên bảo trì cần thiết".

Đại sứ Nga đặt câu hỏi về sự can dự của NATO trong trường hợp chiến đấu cơ F-16 được cung cấp cho Ukraine: "Chuyện gì xảy ra nếu các chiến đấu cơ do Mỹ sản xuất cất cánh từ căn cứ không quân NATO, vận hành do các 'tình nguyện viên' nước ngoài?".

Ông Antonov cũng cảnh báo rằng bất cuộc không kích nào của Ukraine nhằm vào bán đảo Crimea cũng sẽ được coi là không kích lãnh thổ Nga. "Điều quan trọng là Mỹ nhận thức đầy đủ về phản ứng của Nga", ông Antonov nói.

Trước đó, hôm 20/5, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko nói các quốc gia phương Tây tiếp tục theo đuổi con đường leo thang và Moscow đã tính đến trường hợp các nước này gửi tiêm kích F-16 cho Ukraine.

Ông Grushko cảnh báo điều này "có thể gây ra rủi ro lớn cho họ", và "Moscow có mọi công cụ, phương tiện để đạt được mục tiêu của mình".

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cũng cáo buộc Mỹ "tiến hành một cuộc chiến hỗn hợp trong khu vực" và sử dụng lãnh thổ Ukraine nhằm đạt mục tiêu riêng, theo RT.

Theo một số chuyên gia quân sự Nga, một số ít máy bay F-16 không đủ để Ukraine thay đổi tình hình và Moscow hoàn toàn có năng lực để triệt hạ các máy bay này.

Đăng Nguyễn - Newsweek, RT, Reuters

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/nga-at-cau-hoi-ve-kha-nang-can-du-cua-nato-lien-quan-en-chien-au-co-f-16-a608973.html