Nga đáp trả trừng phạt Mỹ: Nhằm vào yếu huyệt Mỹ

Moscow đưa các biện pháp đáp trả trừng phạt của Mỹ và phương Tây vào luật, hồi đáp tương xứng với các sắc lệnh của Washington.

Hạ viện Nga ngày 13/4 đã xem xét đề xuất của các nhà lập pháp trong việc xây dựng dự thảo luật về các biện pháp đáp trả chính sách chống Nga của Mỹ và các nước phương Tây theo Mỹ áp dụng biện pháp trừng phạt nhằm vào Moscow.

Nga sớm nâng tầm đáp trả trừng phạt Mỹ.

Chủ tịch Hạ viện Nga Vyacheslav Volodin cho biết, dự thảo luật "Về các pháp đáp trả các hành vi không thân thiện của Mỹ và các quốc gia khác" cho phép Chính phủ Nga áp dụng các biện pháp hạn chế đối với các hàng hóa và công dân của Mỹ, cũng như các nước đã áp dụng các biện pháp hạn chế đối với Nga.

Dự thảo luật này bao gồm biện pháp hạn chế nhập các mặt hàng dược phẩm, sản phẩm cồn, thuốc lá và nông sản, thiết bị công nghệ và chương trình máy tính từ Mỹ và các nước áp dụng biện pháp trừng phạt chống Nga.

Nga có thể tăng phí dịch vụ không lưu đối với các máy bay vận tải của các nước thực thi các lệnh trừng phạt đối với Moscow. Đồng thời, dự thảo luật này cũng yêu cầu chính phủ nghiên cứu các biện pháp thay thế hàng hóa và dịch vụ có nguồn gốc từ Mỹ.

Đáng chú ý hơn cả là việc các nghị sĩ Nga đề xuất sẽ hạn chế hợp tác trong lĩnh vực nguyên tử và chế tạo máy bay, động cơ tên lửa với các Mỹ và các tổ chức nằm trong quyền tài phán của Mỹ, cấm Mỹ tham gia cổ phần hóa các công ty nhà nước của Nga, đồng thời hạn chế công dân Mỹ và các nước phương Tây, trong đó có các chuyên gia trình độ cao, làm việc ở Nga.

Lệnh cấm sẽ không áp dụng đối với người Nga hoặc người nước ngoài mang hàng hóa vào Nga với mục đích sử dụng cá nhân.

"Dự thảo luật này nếu được thông qua thành luật sẽ tạo động lực cho thị trường trong nước phát triển và sẽ củng cố vị thế của Nga trên trường quốc tế. Các biện pháp này cũng thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế giữa Nga với các nước không ủng hộ chính sách trừng phạt của Mỹ đối với Nga” - thông báo của Hạ viện Nga nêu rõ.

Một trong các biện pháp đáp trả trừng phạt trên là việc Moscow sẽ ngừng cung cấp titan đối với Mỹ. Đây là nguyên liệu cần thiết để sản xuất máy bay Boeing.

Chủ tịch Ủy ban về vấn đề ngân sách thuộc Hội đồng Liên bang Sergei Riabukhin cho rằng, dự thảo luật về ngừng cung cấp loại kim loại quý này có thể bao gồm việc cấm hoặc hạn chế xuất khẩu các sản phẩm và thiết bị được chế tạo từ titan của Nga sang Mỹ.

"Trong số các kim loại hiếm mà Nga đang cung cấp cho Mỹ có titan, là nguyên liệu cần thiết cho chu trình công nghệ sản xuất máy bay Boeing" - ông Riabukhin cho biết.

Ông Sergei Riabukhin cũng lưu ý rằng, trong trường hợp thông qua luật về các biện pháp đáp trả của Nga đối với chính sách chống Nga của Mỹ, Moscow sẽ ngừng cung cấp cho Mỹ động cơ RD-180, là loại động cơ được sử dụng không chỉ cho mục đích dân dụng, mà còn cho cả mục đích quân sự.

Việc ngừng cung cấp titan hay động cơ RD-180 từ lâu đã được đặt vào trong danh sách đáp trả trừng phạt của Nga nhưng chưa được "sử dụng". Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin từng nói rằng, Nga sẽ không ngừng cung cấp động cơ tên lửa RD-180 cho Mỹ bởi đó là lợi ích quốc gia.

Nhưng trong bối cảnh Mỹ liên tiếp tìm cớ để trừng phạt kinh tế Nga, đây sẽ là một đòn đánh mạnh.

Phó Thủ tướng Nga từng nói về việc dừng cung cấp động cơ tên lửa cho Mỹ chỉ có thể dẫn đến thiệt hại tài chính cho phía Nga.

"Chúng ta sẽ mất tiền, hãy cứ để họ bay trên các động cơ của chúng ta, hơn nữa, đó là loại cũ… năm 1994. Chúng ta từ lâu đã chế tạo ra động cơ mới, còn họ thì vẫn bay trên loại đã cũ", - ông Rogozin tuyên bố và nhấn mạnh thêm rằng RD-180 là động cơ tên lửa "đáng tin cậy và rất tốt".

Trong khi Mỹ phải mua "đồ cũ" của Nga thì Moscow đang đang cân nhắc chuyển giao các động cơ tên lửa RD-180 cho Trung Quốc như một phần của sự hợp tác lớn hơn trong lĩnh vực hàng không vũ trụ.

Song Mỹ cũng không chịu cảnh dùng mãi "đồ cũ" như Nga mong muốn. Hồi đầu năm 2016, Mỹ đã ký 2 hợp đồng chế tạo động cơ tên lửa thay thế cho RD-180 với khả năng tổng số tiền đầu tư lên tới khoảng 750 triệu USD. Bộ quốc phòng Mỹ ủy thác cho các công ty chế tạo thiết bị hàng không Aerojet Rocketdyne và United Launch Services làm nhiệm vụ này.

Theo các điều khoản của hợp đồng, kế hoạch nghiên cứu phát triển phải được hoàn thành chậm nhất vào ngày 31/12/2019. Sau đó, chúng sẽ được thử nghiệm để hoàn tất tính năng rồi mới đưa vào sản xuất hàng loạt.

Từ nay cho tới khi động cơ của Mỹ được tạo ra, cấp chứng nhận và sản xuất hàng loạt, các công ty khoa học và quân sự của Mỹ vẫn đều đặn đặt hàng từ Nga.

Đòn đáp trả của Nga liệu sẽ có hiệu quả trong bao lâu?

Đông Phong

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/nga-dap-tra-trung-phat-my-nham-vao-yeu-huyet-my-3356379/