Nga đáp trả sòng phẳng 'đòn hội đồng' phương Tây

90 nhà ngoại giao từ các nước châu Âu sẽ bị trục xuất khỏi Nga, LHQ lo Chiến tranh Lạnh mới.

Ngày 29/3 (giờ địa phương) Bộ Ngoại giao Nga đã ra tuyên bố trục xuất 90 nhà ngoại giao châu Âu cùng với 60 nhân viên ngoại giao Mỹ đang làm việc tại các cơ quan lãnh sự, Đại sứ quán ở Nga.

Tuyên bố được phát đi bởi Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov sau khi triệu tập Đại sứ Mỹ tại Nga Jon Huntsman để thông báo về các biện pháp đáp trả trừng phạt ngoại giao Nga.

Nga trục xuất cùng lúc 150 nhà ngoại giao: Đòn chỉ tương xứng.

Con số này đúng bằng số các nhân viên ngoại giao mà Mỹ và các nước châu Âu đã đưa ra trước, một cách đồng loạt hướng vào nước Nga và là cách làm "tương xứng" mà lâu nay Moscow vẫn phản ứng để đáp trả lại các hành động trừng phạt từ phương Tây.

Người phát ngôn Ủy ban Điều tra LB Nga Svetlana Petrenko ngày 29/3 cho biết phía Nga đã yêu cầu các đồng nghiệp Anh thực hiện hàng loạt hoạt động tố tụng nhằm tạo dựng lại các tình huống cấu thành tội phạm, cũng như cung cấp bản sao tài liệu của cuộc điều tra, bao gồm cả kết quả khám nghiệm hiện trường, kết quả kiểm tra y tế của các nạn nhân.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cùng ngày cũng cáo buộc nước Anh đang vi phạm luật pháp quốc tế khi từ chối cung cấp thông tin liên quan tới cha con ông Skripal và vội vàng qui trách nhiệm cho Nga.

Sau khi Nga tuyên bố các biện pháp đáp trả trừng phạt bằng cách trục xuất 150 nhân viên ngoại giao của Mỹ và châu Âu, Washington lập tức phản ứng, gọi quyết định là "vô lý" và khẳng định sẽ "đáp trả". Phía Anh và các quốc gia châu Âu chưa có hành động nào về phản ứng mới nhất của Bộ Ngoại giao Nga.

Trước khi bị triệu tập tới Bộ Ngoại giao Nga vào hôm 29/3, Đại sứ Mỹ tại Nga Jon Huntsman cho biết, Mỹ và các đồng minh của họ đã không loại trừ khả năng tài sản của Nga ở nước ngoài có thể bị tịch thu.

Trong cuộc phỏng vấn của kênh truyền hình Nga RBC, Huntsman không loại trừ khả năng thu giữ tài sản của Nga tại Mỹ vì vụ ngộ độc Skripal.

"Tôi không biết tương lai của chúng ta sẻ như thế nào, tôi hy vọng rằng chúng ta sẽ có thể ổn định mối quan hệ… Nhưng, tất nhiên, điều đó (thu giữ tài sản) vẫn có thể " - ông Huntsman nói.

Đáp trả lại, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov nói rằng, bất kỳ nỗ lực nắm giữ tài sản Nga sẽ mang lại "sự xuống cấp nghiêm trọng hơn nữa trong quan hệ" và "đẩy những hậu quả nghiêm trọng cho sự ổn định toàn cầu".

Tổng Thư ký Liên Hiệp quốc Antonio Guterres hôm 29/3 (giờ Mỹ) đã cảnh báo nguy cơ trở lại những căng thẳng kiểu Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Nga sau khi một số nước phương Tây đồng loạt trục xuất các nhà ngoại giao Nga. Tuyên bố được đưa ra khi Nga chưa phát đi thông điệp đáp trả trừng phạt ngoại giao.

"Tôi cho rằng chúng ta đang ở trong tình huống tương tự, ở chừng mực lớn hơn, như thời Chiến tranh Lạnh mà chúng ta đã từng trải qua" - ông Guterres tuyên bố.

Vị Tổng Thư ký bày tỏ "quan ngại sâu sắc" trước tình trạng thiếu những cơ chế để tháo ngòi nổ căng thẳng, như là những kênh đặc biệt để chia sẻ thông tin giữa Washington và Moscow, vốn đã được giải tán sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Theo ông, giờ là lúc cần phải có dự phòng dạng kênh liên lạc hiệu quả, có khả năng ngăn ngừa leo thang căng thẳng.

Theo nhà phân tích Rosa Balfour thuộc Quỹ Marshall của Đức cho rằng, những động thái trước đây của chính phủ các nước phương Tây đối với Nga cho phép họ có một khoảng trống để cơ động các phản ứng trong trường hợp phía Nga đe dọa đáp trả mạnh mẽ hơn.

Song căng thẳng sẽ có thể nhanh chóng tăng lên nếu phương Tây hướng mục tiêu vào mục tiêu kinh tế Nga.

Vụ đầu độc Skripal trở thành cái cớ để trừng phạt Nga từ ngoại giao đến kinh tế?

Thủ tướng Anh Theresa May từng thông báo về kế hoạch sẽ nhắm vào các tài phiệt Nga tại Anh.

Thủ tướng Anh Theresa May tuyên bố sẽ truy tìm tận gốc những "hoạt động tài chính phi pháp và tham nhũng" và ẩn ý rằng bà sẽ thắt chặt quy định cho phép những doanh nhân nước ngoài có được loại visa Hạng 1. Đây là loại visa dành cho các nhà đầu tư, chỉ được cấp cho những người rót ít nhất 2 triệu bảng Anh để đầu tư tại Anh.

Theo bà May, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Amber Rudd "hiện đang xem xét lại visa theo diện nhà đầu tư".

Đề cập tới việc trục xuất các nhà ngoại giao Nga, bà phát biểu vào hôm 27/3: "Đây là lần trục xuất đồng bộ các nhà ngoại giao Nga lớn nhất lịch sử. Nếu mục tiêu của điện Kremlin là chia rẽ và đe dọa khối đồng minh phương Tây, thì chắc chắn nỗ lực của họ sẽ phản tác dụng."

Yulia Skripal sẽ sớm có thể trò chuyện

Ông Christine Blanshard, Giám đốc y tế của bệnh viện quận Salisbury cho hay tình trạng sức khỏe của Yulia Skripal đang được cải thiện nhanh chóng và sớm có thể trò chuyện.

"Tôi rất vui khi có thể báo cáo sự cải thiện tình trạng của Yulia Skripal. Cô đã đáp ứng tốt với điều trị nhưng vẫn tiếp tục nhận được sự chăm sóc lâm sàng 24/ngày" - Giám đốc Blanshard nói.

Tình trạng của cựu điệp viên Nga Sergei Lavrov được mô tả là vẫn nguy kịch nhưng dần được ổn định.

Chất độc thần kinh novichok được mô tả là tấn công vào hệ thần kinh, ngăn chặn các hoạt động hóa học trên khắp cơ thể, làm tim co chậm lại và đường thở trở nên khó khăn.

Chất độc này được phía Anh khẳng định do các nhà khoa học Liên Xô phát triển và sản xuất dưới dạng chất độc quân sự từ những năm 1980. London cho rằng họ có bằng chứng từ các tài liệu mở của NATO và quan sát trong hơn 10 năm nay đã cho thấy Nga là "hung thủ" đứng sau vụ đầu độc cựu điệp viên hai mang.

Đông Phong

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/nga-dap-tra-song-phang-don-hoi-dong-phuong-tay-3355459/