Nga đang 'tất tay' vào máy bay ném bom chiến lược Tu-160M

Khi mà Mỹ đang càng ngày càng sở hữu nhiều mẫu máy bay ném bom đời mới độc đáo, người Nga dường như chỉ biết bước theo cái bóng của Liên Xô trước đây.

Theo giải thích của Nga, máy bay ném bom chiến lược Tu-160M hình dáng bề ngoài không thay đổi so với Tu-160 đời đầu; nhưng bên trong thực sự là một máy bay mới hoàn toàn, được thiết kế từ con số 0.

Theo giải thích của Nga, máy bay ném bom chiến lược Tu-160M hình dáng bề ngoài không thay đổi so với Tu-160 đời đầu; nhưng bên trong thực sự là một máy bay mới hoàn toàn, được thiết kế từ con số 0.

Sự khác biệt chủ yếu đến từ các loại vũ khí mới, thiết bị trên máy bay và động cơ hiện đại hóa. Máy bay ném bom chiến lược Tu-160 và Tu-160M trông bề ngoài không hề khác nhau, vẫn với những đường nét duyên dáng của một "con thiên nga" trong các vở opera kinh điển của Nga; nhưng nó khác nhau hoàn toàn "về chất", từ khả năng chiến đấu đến tốc độ.

Theo thông tin của Tổng giám đốc công ty máy bay Tupolev Alexander Konyukhov, Lực lượng Không quân chiến lược Nga sẽ nhận được những chiếc máy bay ném bom Tu-160M đầu tiên vào năm 2021. Số Tu-160M đầu tiên là 10 chiếc, và Không quân chiến lược Nga sẽ có khoảng 50 chiếc Tu-160M vào năm 2023.

Trên thực tế, phi đội máy bay ném bom chiến lược Tu-160 của Nga hiện nay có 35 chiếc Tu-160, số này sẽ được nâng cấp hoàn toàn lên chuẩn Tu-160M và 15 chiếc Tu-160 được lấy ở kho dự trữ của Nga ra (ở dạng khung và phụ tùng), và sẽ được nâng thẳng lên chuẩn Tu-160M. Số máy bay này đủ để Nga "thống trị" bầu trời.

Quyết định nối lại sản xuất máy bay Tu-160, được Bộ Quốc phòng Nga đưa ra vào năm 2015, đồng thời kế hoạch đã được thống nhất về số lượng là 50 chiếc. Tháng 11/2017, Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nga, Valery Gerasimov, cũng đã nói về việc hiện đại hóa Tu-160, với việc trang bị tên lửa hành trình Kh-101.

Chiếc Tu-160M đầu tiên, được đặt theo tên của Tư lệnh Không quân huyền thoại Peter Deinekin, chiếc này hoàn thành tại nhà máy Kazan vào năm 2017. Khi đó có thông tin rằng, những chiếc Tu-160M được sản xuất hoàn toàn mới, sẽ bay thử vào năm 2021; làm dư luận Nga khi đó hết sức phấn khởi.

Nhưng nên nhớ rằng, chiếc Tu-160 đầu tiên, bay thử lần đầu vào tháng 12/1981; khi đó đang thời kỳ đỉnh điểm của chiến tranh Lạnh, Liên Xô đã tăng tốc hết lực, mà đến tận năm 1987, mới đi vào biên chế. Đặc biệt Tu-160M là một máy bay ném bom hoàn toàn mới, nên thời gian 4 năm chưa thể hoàn thành.

Một câu hỏi được đặt ra là tại sao Nga lại đặt cược vào máy bay ném bom Tu-160M, khi các đối thủ đang chuyển mạnh sang các máy bay ném bom tàng hình thế hệ mới? Phải chăng Nga không đủ lực, chế tạo một máy bay ném bom tàng hình thế hệ 5 như của Mỹ?

Vào tháng 8/2015, một phi đội Tu-160 đã thực hiện một vụ phóng tên lửa hành trình tầm xa tại thao trường Pemba gần Vorkuta, dưới sự chứng kiến của Tổng thống Nga Putin. Tuy nhiên vụ thử nghiệm không thành công; chính sau sự cố này, Putin đã khởi động chương trình hiện đại hóa Tu-160, và sau đó tạo ra một phiên bản nâng cấp lấy tên Tu-160M.

Cũng phải nói thêm, không phải Nga "ngủ quên" trên những chiếc máy bay ném bom siêu thanh Tu-160M; hiện tại công việc chế tạo máy bay ném bom chiến lược tầm xa PAK DA hoàn toàn mới, đã bắt đầu vào giai đoạn chế thử mẫu, và dự kiến chuyến bay thử không quá năm 2025 và thậm chí là lâu hơn, do Nga đang khó khăn về kinh tế.

Và biến thể Tu-160M có thể bù đắp cho độ trễ này, và với những cải tiến mới về vũ khí, Tu-160M vẫn có thể đáp ứng các yêu cầu là phương tiện "răn đe" có sức nặng. Một trong những lợi thế đáng kể nhất của Tu-160M, theo các chuyên gia hàng không, sẽ là động cơ NK-32 được nâng cấp lên chuẩn NK-32-02M2.

Động cơ phản lực NK-32, được đưa vào sử dụng từ năm 1983, dùng cho cả Tu-160 và Tu-144 siêu thanh. Phiên bản Tu-160M với 4 động cơ NK-32-02M2, cho Tu-160M có tốc độ tối đa 2.200 km/h ở chế độ đốt sau, tầm bay sẽ tăng thêm 1.000 km (tương đương 13,5 nghìn km). Cần lưu ý rằng, Tu-160M nếu bật chế độ đốt sau, có thể bay trong 45 phút, nhưng F-35 (1.930 km/h) thì ít hơn nhiều.

Vũ khí mới của Tu-160M cũng sẽ vẫn trang bị cả vũ khí hạt nhân và thông thường. Nhưng thay vì "bom ngu" như dưới thời Liên Xô, Tu-160M trang bị tên lửa hành trình Kh-101 mới, do Nga phát triển, tầm bắn đến 5.500 km; một chiếc Tu-160M có thể mang 12 tên lửa Kh-101.

Ngoài ra Tu-160M vẫn sử dụng được loại tên lửa hành trình Kh-55MS, có tầm bắn lên đến 3.000 km và có thể mang đầu đạn thông thường hoặc đầu đạn hạt nhân. Chưa hết, các biến thể Tu-160M có thể mang tên lửa siêu thanh Dagger, có tầm bắn 1.000 km; giúp tăng đáng kể hiệu quả chiến đấu của máy bay.

Với tầm hoạt động của Tu-160M, cộng với tầm bắn của các loại tên lửa hành trình, trang bị trên Tu-160M, một "pháo đài bay siêu thanh" như vậy, sẽ có thể tiếp cận mục tiêu ở khoảng cách "rất an toàn", thậm chí là ngoài tầm phát hiện của nhiều loại radar của đối phương.

Với triết lý như vậy, có thể Nga vẫn "đủng đỉnh" trong cuộc đua chế tạo máy bay ném bom chiến lược thế hệ 5, mà vẫn đặt trọn niềm tin vào máy bay ném bom Tu-160M; với số máy bay Tu-160M, có thể Nga vẫn đảm bảo được sức mạnh trong bộ ba tiến công chiến lược của họ trong một thời gian dài nữa. Nguồn ảnh: Pinterest.

Tiến Minh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/nga-dang-tat-tay-vao-may-bay-nem-bom-chien-luoc-tu-160m-1494669.html