Nga đang phải đốt bỏ khí sau khi không bán cho Châu Âu?

'Nga đang đốt đi lượng khí đốt dư thừa vì kho trữ đầy sau khi họ quyết định ngừng vận chuyển khí đốt cho Liên minh châu Âu (EU)', Kadri Simson, Ủy viên châu Âu về Năng lượng, tuyên bố ngày 7/9.

Cùng với nhận định trên, bà Kadri Simson, cho biết thêm: “Chúng tôi nhận thấy Nga và các công ty của họ đang sử dụng khí đốt tự nhiên làm vũ khí. Họ đã cắt đứt việc giao hàng tới châu Âu, nhưng (...) họ không có đường ống dẫn khí đốt nào đi đến các khu vực khác trên thế giới, còn kho trữ thì đầy. Các vệ tinh của chúng tôi đã ghi nhận được hoạt động rò rỉ và đốt khí tự nhiên, nhưng điều này rất có hại cho môi trường vì mêtan là khí độc hại thứ nhì trong các loại khí nhà kính”.

Châu Âu đang có nguy cơ đối mặt với tình trạng thiếu khí đốt trầm trọng trong mùa đông này khi tập đoàn khí đốt khổng lồ Gazprom (Nga) quyết định ngừng hoạt động Nord Stream 1 vô thời hạn. Nga cho rằng việc áp đặt lệnh trừng phạt đã gây ảnh hưởng đến việc duy trì các thiết bị trong đường ống.

Mặt khác, EU cũng đã giảm nhập khẩu dầu từ Nga. Về vấn đề này, bà Kadri Simsom nói: “Nga đang tìm kiếm các thị trường mới và sẵn sàng bán các sản phẩm dầu mỏ của mình với giá hời cho những ai muốn mua chúng”.

Vào hôm 2/9, các thành viên của G7 đã thông báo áp trần giá dầu của Nga, nhằm hạn chế doanh thu của nước này. Họ nhận định: “Chúng tôi không muốn trả tiền cho Nga. Qua đây, chúng tôi gửi thông điệp đến Indonesia, cũng như với Ấn Độ và Trung Quốc: Nếu họ vẫn muốn mua các sản phẩm xăng dầu của Nga, họ phải chịu bị áp trần giá".

Hiện nay, bà Kadri Simson đang đàm phán về vấn đề này ở Indonesia. Hiện không biết quan điểm của Indonesia về đề xuất áp trần giá dầu của Nga.

Công ty dầu khí quốc gia Pertamina (Indonesia) đã xem xét mua dầu của Nga với giá thấp, nhưng không có thông tin xác nhận về một thỏa thuận giữa Nga và Pertamina.

Theo giới phân tích, thông báo áp giá trần với dầu xuất khẩu của Nga rất khó áp dụng, chưa kể G7 mới chỉ thông báo trên nguyên tắc chứ chưa có hướng dẫn cụ thể nào.

Nga đang đẩy mạnh tìm kiếm các thị trường mới, nhất là châu Á. Mới đây Nga đã đồng ý cho các đối tác Trung Quốc thanh toán tiền mua năng lượng bằng đồng rúp và ngược lại.

Ngọc Duyên

AFP

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/nga-dang-phai-dot-bo-khi-sau-khi-khong-ban-cho-chau-au-665015.html