Nga đang mất dần vị thế trên thị trường khí đốt

Sự chuyển biến của thị trường khí đốt tự nhiên trên thế giới và sức mạnh năng lượng mới từ Washington đang đe dọa vị thế truyền thống của Nga, cũng như làm suy yếu công cụ kinh tế đắc dụng này của Moskva.

Rõ ràng là Nga sẽ nỗ lực để duy trì thị trường khí đốt tại châu Âu. Ngày 25-10 vừa qua, Liên minh châu Âu (EU) đã chấp nhận cho tập đoàn khí đốt khổng lồ Gazprom của Nga tiếp cận đường ống dẫn Opal tại Đức, để từ đó kết nối với các thị trường Trung và Đông Âu. Các dự án khác của Moskva còn có việc xây dựng các đường ống dẫn dầu mới tại biển Đen và biển Baltic. Trong chuyến thăm Ankara mới đây, ông Putin đã ký kết một thỏa thuận với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan về việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt dưới lòng biển mang tên Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ (Turkish Stream), một dự án từng nhiều lần bị trì hoãn và điều này sẽ giúp Moskva tăng cường vị thế của mình trên thị trường khí đốt châu Âu. Ngoài ra, Moskva cũng đã phớt lờ sự phản đối mạnh mẽ từ các nước thành viên EU như Ba Lan, Hungary, Cộng hòa Czech và Slovakia khi nỗ lực xúc tiến xây dựng đường ống dẫn khí Dòng chảy Phương Bắc II trung chuyển khí đốt của Nga, bỏ qua ngả Ukraina, để vào Đức.

Dự án đường ống dẫn khí Dòng chảy Phương Bắc 2 của Nga được đánh giá là không khả thi do bị một số nước thuộc EU phản đối

Dự án đường ống dẫn khí Dòng chảy Phương Bắc 2 của Nga được đánh giá là không khả thi do bị một số nước thuộc EU phản đối

Ngay cả khi các đường ống dẫn khí đốt này được xây dựng, mà thực tế thì chúng đang ngày càng trở nên không khả thi như trong trường hợp của Dòng chảy Phương Bắc II, thì các chính sách năng lượng của Nga vẫn đang đi đến những ngày cuối cùng của thời kỳ hoàng kim. Kể từ cuối thập niên 2000 và đầu thập niên 2010, lĩnh vực khí đốt toàn cầu đã chứng kiến một sự biến động đáng kể sau sự bùng nổ trong phát triển khí đá phiến của Mỹ. Những bước đột phá trong công nghệ khoan ngang và nứt vỡ thủy lực (fracking) đã thay đổi tương lai của nền công nghiệp khí đốt tự nhiên Mỹ. Hiện Mỹ là nhà sản xuất khí đốt hàng đầu thế giới. Kể từ năm 2016, Mỹ trở thành nhà xuất khẩu khí đốt hóa lỏng (LNG) cho các nước Brazil, Ấn Độ, Các tiểu Vương quốc Arập thống nhất, Argentina, Bồ Đào Nha, Kuwait, Chile, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Jordan và mới đây nhất là Anh. Điều này tạo ra sự cạnh tranh với Nga ở cả trong và ngoài thị trường truyền thống châu Âu.

Bên cạnh sự nổi lên của công nghệ sản xuất khí đá phiến, sự phát triển của thương mại LNG trên toàn cầu và sự mở rộng cơ sở hạ tầng vận tải khí đốt cũng đã làm thay đổi các thị trường. Sự quốc tế hóa trong thương mại của nguồn năng lượng từng bị địa phương hóa này đã bùng nổ. Tính đến cuối năm 2015, thương mại LNG toàn cầu tăng lên mức cao nhất từ trước tới nay, khoảng 244,8 triệu tấn. Hiện có 19 nước xuất khẩu LNG, trong đó đáng kể nhất là Qatar, Australia, Malaysia, Nigeria và Indonesia và 37 nước nhập khẩu LNG. Hai nước mới gia nhập thị trường nhập khẩu khí đá phiến trong năm 2016 và 2017 lần lượt là Colombia và Ghana.

Ở trong và ngoài châu Âu, điều này báo hiệu sự cạnh tranh với các đường ống dẫn khí đốt của Nga bởi có thể sẽ ngày càng nhiều nước nhập khẩu quay sang lựa chọn LNG và các đường ống dẫn mới - chẳng hạn Dự án Hành lang Khí đốt Phương Nam không phải do Moskva điều hành.

Điều quan trọng nhất là những tiến triển nói trên đã làm thay đổi các quy tắc địa chính trị vốn chi phối mối quan hệ giữa các nhà cung cấp khí đốt truyền thống như Nga và các nước tiêu thụ. Trong kỷ nguyên khí đốt mới này, tất cả các nhà cung cấp đều phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gia tăng và áp lực thị trường ngày càng lớn; kỷ nguyên của sự độc quyền và các thị trường bị khống chế đã kết thúc. Các mối quan hệ cung cấp khí đốt dài hạn vẫn quan trọng, song sẽ có đầy rẫy cơ hội cho mua bán ngoại tệ và thiết lập các mối quan hệ cùng hưởng lợi trong ngắn hạn. Cơ sở hạ tầng vĩ mô, với nhu cầu đầu tư lớn của nó và các nhiệm vụ dài hạn, vẫn sẽ đóng một vai trò quan trọng, song công nghệ mới như giàn khoan khí hóa lỏng nổi, nén khí đốt tự nhiên và các phát minh mới khác sẽ cho phép khách hàng có thêm nhiều lựa chọn.

Nga - với truyền thống sử dụng nguồn cung khí đốt tự nhiên của mình như một trong các công cụ chính để đạt được các mục đích đối ngoại, sẽ phải chịu sức ép từ sự thay đổi này. Thực vậy, họ đã đánh mất vị thế độc quyền và sự ảnh hưởng chính trị của mình ở châu Âu và nhiều nơi khác. Điều này cũng buộc Gazprom phải có những nhượng bộ về thương mại, chẳng hạn như giảm giá, bãi bỏ những điều khoản mà theo đó hạn chế việc bán lại khí đốt cho các thị trường khác… Trong khi đó, những nỗ lực của Nga nhằm chuyển hướng xuất khẩu khí đốt của họ từ châu Âu sang Trung Quốc đã chứng tỏ rằng không phải Moskva, mà là Bắc Kinh sẽ xác định các điều khoản mới trong mối quan hệ khí đốt của họ.

Nước Nga của ông Putin vẫn đang đặt ra cho Mỹ và phương Tây nhiều thách thức, trong đó có thách thức về năng lượng. Một trong số đó sẽ là ưu thế cuối cùng của Moskva trong việc sử dụng Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ và Dòng chảy Phương Bắc II nhằm duy trì vị thế nhà cung cấp chủ đạo đối với thị trường khí đốt châu Âu. Tuy nhiên, có thể thấy trước những biến đổi trên thị trường và sức mạnh năng lượng mới từ Washington, Moskva đang ngày càng yếu thế.

Linh Phương

Năng lượng Mới số 575

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nga-dang-mat-dan-vi-the-tren-thi-truong-khi-dot-489356.html