Nga đang dùng cách nào để vực dậy đồng rúp?

Bằng cách hạn chế bán và ép buộc mua, Ngân hàng Trung ương Nga đã bóp nghẹt nguồn cung và tạo ra nhu cầu giả đối với đồng tiền của mình.

Đồng rúp của Nga vẫn biến động mạnh từng ngày nhưng đã phục hồi sau sự sụt giảm hồi đầu tháng 3 và đang có những dấu hiệu ổn định.

Theo FactSet, đồng nội tệ của Nga hiện đang được giao dịch ở mức 99 rúp đổi 1 USD, yếu hơn khoảng 17% so với trước khi chiến dịch quân sự đặc biệt diễn ra, nhưng vẫn mạnh hơn mức thấp kỷ lục 151 rúp đổi 1 USD vào ngày 7/3.

Đồng tiền tăng giá thường phản ánh triển vọng kinh tế tích cực của một quốc gia. Ở Nga thì không. Thay vào đó, các động thái của Ngân hàng Trung ương nhằm hạn chế bán và buộc mua rúp đã tạo ra nhu cầu giả về tiền tệ.

Nga giới hạn số USD mà người dân có thể rút từ tài khoản và cấm các ngân hàng bán ngoại tệ cho khách trong 6 tháng tới. Các công ty môi giới của Nga cũng không được phép để khách hàng nước ngoài bán chứng khoán. Những biện pháp này đã khiến việc bán đồng rúp trở nên khó khăn hơn, do đó hạn chế được đà mất giá.

Những biện pháp trừng phạt của Phương Tây với Nga vẫn chừa lại một con đường cho các nhà xuất khẩu năng lượng, khiến cho USD và EUR tiếp tục chảy vào Nga. Moscow đã ra lệnh cho các nhà xuất khẩu bán 80% doanh thu bằng ngoại tệ và mua đồng rúp, giúp đồng tiền của Nga này tăng giá.

Ông Robin Brooks, nhà kinh tế trưởng tại Viện Tài chính Quốc tế cho biết: “Công bằng mà nói, đồng rúp hiện không ở giá thị trường. Nếu có dòng chảy tự do theo cả hai hướng bán và mua, chúng ta sẽ thấy rúp yếu hơn nhiều."

Tổng thống Nga Vladimir Putin gần đây đã yêu cầu các quốc gia châu Âu bắt đầu mua khí đốt của Nga bằng rúp thay vì USD hay EUR.

Ông Christian Kopf, người đứng đầu bộ phận thu nhập cố định tại công ty quản lý tài sản Union Investment cho biết, quyết định của Tổng thống Putin sẽ đảo ngược dòng tiền hiện tại, khiến các quốc gia Châu Âu bắt buộc phải mua đồng tiền của Nga, từ đó củng cố giá trị của rúp.

Khả năng các quốc gia Châu Âu chấp nhận thanh toán bằng rúp là khó có thể xảy ra, nhưng nó thể hiện mong muốn của Nga trong việc thúc đẩy nhu cầu đối với đồng nội tệ.

Hàng trăm công ty đã tuyên bố rút khỏi Nga, đồng nghĩa với việc hàng nhập khẩu có khả năng giảm. Đồng thời, Nga đang tiếp tục xuất khẩu dầu và tiền thu được sẽ tạo ra thặng dư thương mại. Giá dầu trên 100 USD/thùng cũng đang góp phần thúc đẩy doanh thu của từ việc xuất khẩu. Sự mất cân bằng về xuất nhập khẩu có thể củng cố vị thế của đồng rúp, tuy nhiên sẽ không làm cho nền kinh tế Nga mạnh lên.

Ông George Pearkes, chiến lược gia vĩ mô tại Bespoke Investment Group cho biết: “Có quá nhiều thứ bạn không được phép mua hoặc bán. Đồng rúp có thể mạnh lên rất nhiều những cũng sẽ không có nghĩa lý gì cả”.

Vào ngày 28/3, trong nước, tiền tệ của Nga được định giá 94 rúp so đổi 1 US. Trên thị trường quốc tế, tỷ giá là 98 rúp/USD. Khoảng cách giữa 2 thị trường đã được thu hẹp từ đầu tháng Ba.

Các ngân hàng Nga đặt mức tỷ giá thấp hơn với Sở giao dịch Moscow. Sberbank PJSC đưa ra mức giá khoảng 89 rúp/USD trong khi trang web tiếng Nga của Ngân hàng Raiffeisen đưa ra con số là 86 rúp/USD.

Các ngân hàng Phương Tây không còn cung cấp báo giá điện tử để mua và bán đồng rúp. Thay vào đó, khách hàng phải gọi và hỏi xem ngân hàng có sẵn sàng xử lý giao dịch hay không và với tỷ giá là bao nhiêu.

Nhiều nhà giao dịch cho biết, các ngân hàng lo lắng về việc đối mặt với các lệnh trừng phạt từ Phương Tây, đang cùng với bộ phận pháp lý và tuân thủ giải quyết tất cả các giao dịch bằng rúp.

Việc các nước Châu Âu công bố kế hoạch chuyển đổi khỏi năng lượng của Nga cũng sẽ làm suy yếu đồng rúp trong tương lai. Bà Jane Foley, người đứng đầu chiến lược ngoại hối tại Rabobank cho biết: “Chúng tôi đang xem xét khả năng tiền tệ của Nga bị suy yếu đáng kể trong dài hạn”.

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/nga-dang-dung-cach-nao-de-vuc-day-dong-rup.html