Nga đã 'quảng cáo lố' về sức mạnh của trực thăng tấn công Ka-52?

Nga rất muốn có được hợp đồng xuất khẩu trực thăng Ka-52. Tuy nhiên, việc này không hề dễ dàng khi thực chiến Ka-52 đã không thể hiện được những tính năng đắt giá mà nhà sản xuất quảng cáo.

Theo giới thiệu của đại diện Tập đoàn chế tạo máy bay Kamov thì trực thăng tấn công Ka-52 Alligator của họ là sản phẩm tốt nhất thế giới, vượt trội mọi đối thủ cạnh tranh.

Theo giới thiệu của đại diện Tập đoàn chế tạo máy bay Kamov thì trực thăng tấn công Ka-52 Alligator của họ là sản phẩm tốt nhất thế giới, vượt trội mọi đối thủ cạnh tranh.

Nhờ kết cấu rotor đồng trục có một không hai mà khả năng vận động trên không của Ka-52 tỏ ra linh hoạt hơn cả trực thăng hạng nhẹ, bất chấp trọng lượng của nó khá nặng nề.

Trực thăng Ka-52 được bọc giáp tại những vị trí hiểm yếu, giúp tăng khả năng sống sót trên chiến trường, thậm chí nếu máy bay bị hỏng thì phi công còn có thể nhảy dù nhờ cơ chế ghế phóng đặc biệt.

Hệ thống điện tử hàng không của Ka-52 rất tinh vi, cho phép phát hiện mục tiêu từ rất xa với độ chính xác cao, đặc biệt phiên bản hải quân Ka-52K Katran còn được tích hợp radar mảng pha quét chủ động Zhuk-A có tầm quét xa lên tới 200 km.

Ka-52 mang trong mình những loại vũ khí tối tân nhất của nền công nghiệp quốc phòng Nga, đó là tên lửa chống tăng Hermes, tên lửa chống hạm Kh-35UE, rocket S-13...

Tuy nhiên, có một thực tế mà Nga phải nhận nhận đó là bất chấp những lời giới thiệu có phần cường điệu của họ, trực thăng Ka-52 đang gặp khó khăn lớn trên thị trường vũ khí thế giới.

Thất bại nặng nề nhất của Ka-52 là tại Ai Cập, khi vào năm 2015 Cairo đã đặt mua từ Nga 46 trực thăng tấn công Ka-52 Alligator để trang bị cho tàu đổ bộ Mistral mua lại từ Pháp.

Mặc dù vậy, sau khi tiếp nhận vỏn vẹn có 3 chiếc Ka-52 đầu tiên thì Ai Cập đã quyết định xem xét lại hợp đồng, lý do là bởi Ka-52 bị phát hiện gặp vấn đề lớn với động cơ, hệ thống dẫn đường cho bay đêm...

Các lỗi kỹ thuật phát hiện được khiến Ka-52 bị nhận xét là không đáng tin cậy và có thể dẫn tới tai nạn khi hoạt động trong đêm hoặc bay trong điều kiện phức tạp.

Ngoài ra Ka-52 còn bị Ai Cập phàn nàn về hiệu suất động cơ khi hoạt động trong điều kiện nhiệt độ cao ở sa mạc nóng bỏng. Điều này cũng dễ hiểu khi số trực thăng trên vốn được thiết kế để bay trong khí hậu lạnh của nước Nga.

Giải pháp thay thế được Ai Cập đưa ra đó là quyết định chi số tiền lên tới 1 tỷ USD để mua 10 trực thăng tấn công AH-64E Apache tối tân nhất, 24 động cơ 1700-GE-701D, các linh kiện thay thế và nhiều thiết bị đi kèm khác.

Không chỉ tại Ai Cập, khách hàng truyền thống và cực kỳ quan trọng của vũ khí Nga là Ấn Độ cũng loại bỏ Ka-52K để chọn mua AH-64E Guardian do Mỹ sản xuất sau khi đánh giá kỹ lưỡng cả hai sản phẩm.

Trong khi trực thăng AH-64 của Mỹ đã có lịch sử tham chiến dày dạn, lập được vô số chiến công thì Ka-52 thực chất vẫn gần như một tờ giấy trắng mà thôi.

Trên chiến trường Syria, khi chỉ phải đối đầu các nhóm phiến quân trang bị khá thô sơ thì trực thăng Ka-52 vẫn bị bắn hạ một cách khá dễ dàng bằng tên lửa vác vai.

Đúng ra theo lý thuyết thì các cảm biến của Ka-52 sẽ nhận ra ngay mối nguy cơ để đánh trả, trong trường hợp bị trúng đạn thì máy bay vẫn đảm bảo an toàn cho phi công.

Nhưng thực tế diễn ra tại Syria lại khác xa so với điều Nga quảng cáo, đây là yếu tố quan trọng khác khiến Ka-52 vẫn đang ế ẩm dù cho Moskva liên tục ca ngợi nó "tới tận mây xanh".

Theo Bạch Dương/An ninh Thủ đô

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/quoc-te/nga-da-quang-cao-lo-ve-suc-manh-cua-truc-thang-tan-cong-ka-52/20190905092955183