Nga đã làm gì khiến Trung Quốc dù rất muốn song không thể sao chép tiêm kích Su-35?

Đề phòng Trung Quốc sao chép trái phép chiến đấu cơ đỉnh cao Su-35, Nga đã hàn kín những cấu kiện quan trọng, đặc biệt là phần động cơ của những máy bay bán cho Bắc Kinh, khiến cho việc mở ra tìm hiểu trở thành bất khả thi.

Trung Quốc cùng với Ấn Độ là những bạn hàng vũ khí lớn nhất của Nga, tuy vậy việc bán những vũ khí đỉnh cao cho Bắc Kinh vẫn tiềm ẩn những nỗi lo về việc sao chép trái phép công nghệ. Dù đường lối xuất khẩu vũ khí của Nga khác Mỹ, nhưng Moscow đã kịp có những phương án đối phó kịp thời.

Trung Quốc cùng với Ấn Độ là những bạn hàng vũ khí lớn nhất của Nga, tuy vậy việc bán những vũ khí đỉnh cao cho Bắc Kinh vẫn tiềm ẩn những nỗi lo về việc sao chép trái phép công nghệ. Dù đường lối xuất khẩu vũ khí của Nga khác Mỹ, nhưng Moscow đã kịp có những phương án đối phó kịp thời.

Nếu người Mỹ chỉ bán vũ khí cho đồng minh thân cận, kèm những ràng buộc chính trị, thì Nga lại khác. Chỉ cần có tiền thì bất cứ nước nào muốn mua vũ khí bất kỳ, Moscow đều sẵn sàng.

Xuất khẩu vũ khí đem lại nguồn ngoại tệ khổng lồ cho Nga, vì thế trong bối cảnh đất nước bị phương Tây kìm kẹp, Moscow cần phải đẩy mạnh xuất khẩu vũ khí cho những bạn hàng lớn, đặc biệt là Trung Quốc.

Trong nhiều thập kỷ, Trung Quốc là bạn hàng mua vũ khí lớn nhất của Nga trước khi bị Ấn Độ soán ngôi. Những vũ khí hàng đầu của Nga đều xuất hiện Trung Quốc, đơn cử như các dòng tiêm kích Su-27, Su-30, Su-35 và hệ thống tên lửa phòng không S-400.

Tuy thu được nguồn ngoại tệ khổng lồ nhưng Nga không ít lần "ngậm trái đắng" do việc Trung Quốc sao chép trái phép công nghệ, đặc biệt là những dòng vũ khí công nghệ cao.

Thương vụ thể kỷ bán tiêm kích Su-27 vẫn là bài học đắt giá cho Nga cho tới thời điểm hiện tại. Ban đầu Moscow hy vọng sẽ bán được vài trăm chiếc Su-27 cho Bắc Kinh. Với số lượng khủng này, Nga dễ dàng đồng ý xây dựng nhà máy lắp ráp và sản xuất Su-27 tại Trung Quốc.

Tuy nhiên khi mới chỉ hoàn thiện được 100 chiếc, Trung Quốc đã đơn phương cắt đứt hợp đồng, người Nga khi chợt bừng tỉnh thì cũng đã quá muộn vì Bắc Kinh đã làm chủ được công nghệ và sản xuất ra phiên bản tiêm kích nội địa với tên gọi J-11B.

Hiện nay dù muốn hay không, rút cuộc Nga vẫn phải tiếp tục chào mời Trung Quốc mua những vũ khí của họ. Đơn giản là trong bối cảnh kinh tế suy thoái, Moscow cần nguồn lực tài chính để bù đắp.

Dĩ nhiên là Trung Quốc cũng sẽ chỉ mua những vũ khí đỉnh cao của Nga. Ngoài việc nâng cao sức mạnh quân sự, họ còn có những dự tính khác, cụ thể là nghiên cứu tính năng vũ khí của Nga để học hỏi và có thể sao chép.

Lần này Su-35 được nhắm tới, sau khi Nga trang bị loại chiến đấu cơ vào năm 2014, chỉ một năm sau Trung Quốc đã đồng ý mua chiến đấu cơ này.

Su-35 có lịch sử phát triển khá dài, dù chúng đi vào sản xuất loạt từ năm 2008, tuy nhiên chúng chỉ chính thức trang bị với số lượng lớn vào năm 2014. Thực ra ngay từ năm 2006, Nga đã chào bán loại máy bay này cho Trung Quốc.

Ban đầu, Trung Quốc chỉ đồng ý mua số lượng nhỏ, từ 4-6 chiếc, mục đích là để nghiên cứu và cũng có thể muốn từ đó để sao chép đặc biệt là lĩnh vực radar và động cơ, đây là hai vấn đề lớn mà ngành công nghiệp hàng không quân sự nước này đang gặp phải.

Người Nga thừa hiểu điều này, nên họ đặt điều kiện số lượng ít nhất phải 48 chiếc họ mới bán.

Sau nhiều cuộc đàm phán căng thăng, năm 2016, Trung Quốc và Nga đã đồng ý với thương vụ 24 chiếc Su-35 kèm theo đầy đủ vũ khí trang bị, trị giá hợp đồng là 2,8 tỷ USD. Như vậy, Trung Quốc phải chi hơn 116 triệu USD cho 1 chiếc Su-35.

Đây được coi là một cái giá "khá chát" cho một chiến đấu cơ thế hệ thứ 4 như Su-35. Tuy nhiên Trung Quốc vẫn hoan hỉ vì xem ra họ đã hạ được đáng kể so với giá ban đầu phía Nga đưa ra.

Tuy nhiên ngay cả khi bán được những chiếc Su-35 với giá hời, nhưng người Nga không còn tin Trung Quốc, nên tìm cách bảo mật công nghệ đỉnh cao.

Biết Trung Quốc "khát" công nghệ chiến đấu cơ hiện đại, Nga đã cố tình nâng giá bán của những chiến đấu cơ đa năng hạng nặng này.

Với Trung Quốc, công nghệ chế tạo radar rẫn còn hạn chế, nên gần như chắc chắn ngay khi sở hữu Su-35 họ sẽ tìm cách mổ sẻ để sao chép công nghệ này.

Người Nga đã tìm cách mã hóa để Trung Quốc không thể biết được các thông số chi tiết cấu thành hệ thống điện tử trang bị cho Su-35.

Tuy nhiên đó chưa phải hết, cái mà Trung Quốc cần nhất là các động cơ chế tạo từ Nga. Động cơ nội địa của họ trang bị cho dòng chiến đấu cơ J-11, J-15, J-16 và cả J-20 đều không hoạt động ổn định, đến nỗi ngay cả các tướng lĩnh không quân cũng từ chối cho phi công bay với động cơ này nếu họ được quyền quyết định.

Với động cơ điều khiển lực đẩy 3D AL-41F1S trang bị trên Su-35, người Nga đã quyết định hàn chết các cấu kiện quan trọng, điều này đồng nghĩa với việc nếu cố tình mở ra sẽ phá hỏng hoàn toàn động cơ.

Việc hàn chết này chỉ có người Nga mới có thể tháo gỡ mà không phải hủy bỏ toàn bộ động cơ.

Rõ ràng với quyết định này, Trung Quốc không thể làm gì hơn, thậm chí nếu cần bảo dưỡng, họ cũng sẽ phải nhờ người Nga chứ chưa nói tới chuyện nghiên cứu và sao chép.

Điều này đã được minh chứng vào ngày 11/5/2018 khi chiếc tiêm kích Su-35 của Trung Quốc mang số hiệu 61271 đã âm thầm bay trở về Nga để sửa chữa sau một vài trục trặc gặp phải.

Theo thông tin được công bố trước đó cho thấy, chiếc tiêm kích Su-35 này được Nga bàn giao cho Trung Quốc hồi năm 2017 và khi gặp vấn đề, nó buộc phải trở về Nga và tới Viện nghiên cứu bay mang tên M.M. Gromov ở Zhukovsky ngoại ô Thủ Đô Moscow để sửa chữa.

Trên đường trở về Nga, chiếc chiến đấu cơ thế hệ 4++ này có chặng dừng chân ở Novosibirsk để tiếp liệu và nghỉ ngơi. Sau đó, nó tiếp tục thực hiện một chuyến bay dài từ sân bay Tolmachevo tới Zhukovsky, Moscow hôm 14/5/2018.

Có lẽ ở thương vụ Su-35 đã chặn đứng việc sao chép vũ khí từ Nga, nên vì thế dù các chiến đấu cơ trong nước hoạt động vẫn chưa như mong đợi trong việc đối trọng với Su-30MKI và Rafale của Ấn Độ, nhưng Trung Quốc vẫn quyết không mua thêm Su-35 dù Nga có mời chào cỡ nào đi nữa.

Việt Hùng

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/anh-nga-da-lam-gi-khien-trung-quoc-du-rat-muon-song-khong-the-sao-chep-tiem-kich-su-35-post467898.antd