Nga đã giành lại Thổ Nhĩ Kỳ từ tay phương Tây như thế nào?

Chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ đã chứng kiến ​​một bước ngoặt kịch tính trong vài năm trở lại đây mà kết quả là sự xích lại gần hơn giữa Ankara với Moscow.

Giới phân tích Thổ Nhĩ Kỳ đánh giá, chiến lược đối ngoại ủng hộ Mỹ mà Ankara thực hiện vài năm qua đã không chứng minh được hiệu quả.

Với việc tham gia vào trục quyền lực Nga-Iran trong cuộc chiến ở Syria, Thổ Nhĩ Kỳ đã cho thấy một sự đổi thay lớn trong chính sách của nước này.

Tổng thống Erdogan muốn nối lại quan hệ với Nga không hẳn vì ngán ngẩm đòn trừng phạt.

Mặc dù chính quyền của Tổng thống Recep Erdogan không hoàn toàn cắt đứt quan hệ với phương Tây và NATO, nhưng sự mất niềm tin của họ đang thể hiện một cách rõ ràng, theo Sputnik.

Bước ngoặt kịch tính

Chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ đã chứng kiến ​​một bước ngoặt kịch tính trong vài năm trở lại đây mà kết quả là sự xích lại gần hơn giữa Ankara với Moscow và Tehran.

Sau sự kiện “Mùa xuân Ả Rập” từ năm 2010, đảng cầm quyền Thổ Nhĩ Kỳ luôn duy trì quan hệ liên minh với Mỹ và các nước vùng Vịnh.

Tuy nhiên, phía Nga với những thành công ở Syria đi kèm với sự hợp tác với Iran đã thay đổi cán cân quyền lực trong khu vực.

"Ngay từ khi Nga tiến vào cuộc xung đột ở Syria, Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu gặp những thử thách mới trong định hướng đối ngoại của mình", Ahmet Kasim Han, nhà khoa học chính trị tại đại học Kadir Has, nói với Sputnik.

Hành động của Nga ở Syria đã làm lộ rõ điểm yếu và lỗ hổng trong chính sách của Ankara.

Vụ bắn hạ máy bay Sukhoi Su-24M của Nga trong không phận Syria năm 2015 đã khiến mối quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ trở nên xấu đi.

Trái ngược với các dự đoán khi đó, Moscow không phản ứng bằng vũ lực quân sự mà thông qua các biện pháp trừng phạt ngoại giao và kinh tế.

Quan hệ hai nước bình thường vào giữa năm 2016 sau khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan lên tiếng xin lỗi về vụ việc.

Tháng 8 cùng năm, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng Nga sẽ dần dỡ bỏ các chế tài trừng phạt kinh tế này áp đặt lên Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, quyết định lùi một bước để khôi phục lại quan hệ với Nga không phải vì lý do Ankara đã “ngắc ngoải” trước đòn trừng phạt của Moscow.

Chính xác hơn, Tổng thống Erdogan hiểu rằng, chính quyền của ông cần thiết phải cân bằng lại các mối quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với phương Tây sau một loạt những biến cố.

Đồng thời, Ankara nhận ra họ đã đánh giá sai tình hình ở Trung Đông, đặc biệt là ở Syria.

Thổ Nhĩ Kỳ từng đặt mục tiêu vấn đề Syria sẽ chỉ giải quyết nhanh gọn từ 3 đến 6 tháng, nhưng thực tế đã chứng minh họ không làm chủ được tình hình.

"Thổ Nhĩ Kỳ thay đổi chính sách của mình vì ảnh hưởng của Nga, nhưng đây không phải là lý do duy nhất", Hasan Kanbolat, người sáng lập Trung tâm chính sách Ankara nói với Sputnik. "Thổ Nhĩ Kỳ nhận ra họ biết rất ít không chỉ về các quốc gia Trung Đông, mà còn về Syria".

Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đi chung một đường

Người Kurd là vấn đề chung cả Iran và Thổ Nhĩ Kỳ cùng quan tâm.

Thổ Nhĩ Kỳ đã thực hiện rất nhiều sai lầm trong chính sách Trung Đông của mình, và khi nhận ra đã nhầm hướng, nước này mới bắt đầu muốn xích lại gần hơn với Iran.

Iran và Thổ Nhĩ Kỳ có những nhận thức chung về tình hình hiện tại. Trong đó, Ankara và Tehran đều quan ngại trước yêu cầu đòi độc lập từ người Kurd ở Iraq khi điều này có thể tạo ra những hệ lụy chia cắt Iraq và Syria và sau đó là Thổ Nhĩ Kỳ và Iran.

Nhà khoa học chính trị Baris Doster của Đại học Marmara nêu quan điểm Mỹ là "chủ mưu" chính phía sau “dự án người Kurd của Iraq”, và nói thêm rằng sự hậu thuẫn này còn có sự tham gia của Israel, đồng minh lâu đời của Washington trong khu vực Trung Đông.

Iraq, Syria, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran hiện đang tìm kiếm sự đoàn kết khi đối mặt với mối đe dọa đến từ chủ nghĩa ly khai đang âm ỉ cháy trong mỗi quốc gia.

Ngày 25/9, cuộc trưng cầu độc lập của người Kurd ở Iraq với hơn 90% số phiếu ủng hộ độc lập khỏi Baghdad. Nhà chức trách Iraq tuyên bố cuộc trưng cầu là bất hợp pháp, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ và Iran lên tiếng chỉ trích cuộc trưng cầu này.

Mất niềm tin với phương Tây

Các chuyên gia nhấn mạnh, căng thẳng ngày càng tăng trong quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các nước phương Tây đang đi đến điểm khó cứu vãn.

Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) không coi Ankara như một đối tác bình đẳng và thực hiện một cách tiếp cận tiêu chuẩn kép đối với Thổ Nhĩ Kỳ.

Chính sách đối ngoại sai lầm trước đây của Ankara vốn bị ảnh hưởng rất nhiều từ sức ép của phương Tây.

Ismail Hakki Pekin, cựu quan chức tình báo Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng chính điều này đã đẩy Thổ Nhĩ Kỳ hợp tác với các nước láng giềng.

Gần đây, Ankara và Washington đã rơi vào cuộc khủng hoảng ngoại giao căng thẳng, bắt nguồn từ cuộc đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ tháng 7/2016.

Giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ vẫn nghi ngờ về việc có sự nhúng tay của Mỹ trong cuộc binh biến nói trên.

Cuộc đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ là bước ngoặt xoay chuyển tình hình.

Tuy nhiên, mặc dù Ankara đã nhiều lần thể hiện lập trường chống phương Tây trong vài năm qua, lời chia tay giữa Thổ Nhĩ Kỳ với các nước thành viên NATO là khó xảy ra, do mối quan hệ lịch sử và kinh tế lâu dài đã ràng buộc nhau.

Trục Nga-Iran-Thổ Nhĩ Kỳ

Theo Ismail Hakki Pekin, việc quan hệ với phương Tây chỉ còn duy trì ở mức hạn chế, Ankara sẽ càng có động lực hơn trong việc tham gia vào trục của Nga-Iran.

"Các điều kiện hiện nay đang đẩy Thổ Nhĩ Kỳ hợp tác với Iran, Nga và các nước trong khu vực", Pekin cho hay. "Đây là một khoảnh khắc rất quan trọng khi Thổ Nhĩ Kỳ mất niềm tin vào NATO và tìm thấy Nga và các đối tác khác có thể thành lập liên minh”.

Mặc dù sự xuất hiện của trục này là do hoàn cảnh tạm thời, tuy nhiên chuyên gia này vẫn đặt niềm tin quan hệ giữa những quốc gia mới sẽ phát triển lâu dài.

Trong thời gian qua, trục Nga-Iran-Thổ Nhĩ Kỳ đang chứng minh được tính hiệu quả thông qua sáng kiến hòa đàm Astana.

Một loạt các cuộc đàm phán về cuộc khủng hoảng Syria được tổ chức vào tháng 12/2016 tại thủ đô của Kazakhstan đã dẫn đến kết quả một lệnh ngừng bắn kéo dài và thiết lập 4 khu vực giảm leo thang.

Đàm phán Astana cùng với đàm phán Geneva đã trở thành một trong những nền tảng toàn cầu lớn đối với việc giải quyết các cuộc xung đột.

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/nga-da-gianh-lai-tho-nhi-ky-tu-tay-phuong-tay-nhu-the-nao--a343638.html