Nga củng cố sức mạnh trước những thách thức

Những ngày cuối năm, Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra nhiều thông điệp khẳng định, Nga sẽ tiếp tục củng cố sức mạnh để ứng phó hiệu quả trước những thách thức.

Tên lửa siêu thanh Zircon của Nga được phóng từ Biển Trắng. Ảnh: Defpost

Tên lửa siêu thanh Zircon của Nga được phóng từ Biển Trắng. Ảnh: Defpost

Tại lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Cơ quan Tình báo Đối ngoại Nga diễn ra vào đầu tuần này, Tổng thống Putin đã nhấn mạnh sự cấp thiết phải bảo vệ biên giới một cách hiệu quả hơn khi các nước láng giềng hiện hữu nguy cơ xung đột âm ỉ. Đồng thời tiếp tục ứng phó linh hoạt với những biến động quốc tế, phát huy hiệu quả của việc xác định và vô hiệu hóa các mối đe dọa tiềm tàng đối với Nga,...

Giới quan sát an ninh cho rằng, Tổng thống Putin luôn chú trọng sự kiên quyết chống chủ nghĩa khủng bố - thứ đã gần như bị “dập tắt” ở Nga. Năm 2010, Nga ghi nhận 779 tội phạm khủng bố, đến năm 2015 chỉ còn 36 và trong năm 2020 chỉ còn 2. Đây là những con số biết nói, khẳng định rõ nét cho nỗ lực với hiệu quả rất cao của chính quyền Tổng thống Putin.

Cũng trong đầu tuần này, tại Hội nghị Bộ Quốc phòng Nga cuối cùng trong năm nay, Tổng thống Putin đã yêu cầu Bộ Quốc phòng Nga phản ứng kịp thời trước việc các quốc gia phương Tây triển khai tên lửa gần biên giới Nga. Ông Putin lưu ý đến các hoạt động quân sự của tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng như việc Mỹ đã từ bỏ một số hiệp ước quốc tế đang làm suy giảm hệ thống kiểm soát vũ khí toàn cầu.

Ông Putin khẳng định, Nga sẽ không sản xuất, triển khai tên lửa tầm trung và tầm ngắn nhưng Nga sẵn sàng phản ứng nhanh chóng nếu các nước phương Tây đặt các loại vũ khí đó gần biên giới Nga. Máy bay và tàu chiến của NATO đã bị tình báo Nga nhiều lần phát hiện gần biên giới nước này trong vài tháng qua. Nga đã nhiều lần cảnh báo rằng, những vụ việc như vậy có nguy cơ leo thang căng thẳng.

Đề cập đến vấn đề phát triển các loại vũ trang mới, ông Putin nhấn mạnh, Nga sẽ không bao giờ tụt hậu so với các quốc gia đã chi số tiền “khổng lồ” cho vũ khí. Nga sẽ nhanh chóng tiếp tục phát triển quân đội và duy trì trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao của các lực lượng hạt nhân để đảm bảo an ninh và duy trì sự ngang bằng chiến lược toàn cầu.

Trước đó, tại buổi họp báo thường niên lần thứ 16 của Tổng thống, ông Putin thừa nhận, Nga chỉ đứng thứ 6 trên thế giới về chi tiêu quốc phòng và khó có thể sánh với khoản ngân sách quốc phòng của Mỹ và một số quốc gia, mặt khác, Nga cũng không có mạng lưới quân sự rộng lớn khắp thế giới như Mỹ. Nga buộc phải đẩy mạnh phát triển các loại vũ khí mới vì lo ngại sức ép từ NATO. Ông Putin cũng khẳng định, việc Nga mới đây ra mắt các loại vũ khí tối tân mới là điều cấp thiết khi Mỹ từ bỏ hàng loạt thỏa thuận và các nghĩa vụ quốc tế như Hiệp ước Chống tên lửa đạn đạo năm 2002, Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung vào năm 2019,...

Theo giới chuyên gia chính trị quốc tế, sự gia tăng căng thẳng Nga - Mỹ leo thang tồi tệ sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở vào tháng trước. Có thể nói, mối quan hệ của Mỹ xuống điểm thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh.

Tương lai quan hệ Nga - Mỹ sẽ phụ thuộc rất nhiều vào nhiệm kỳ 4 năm tới của Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden. Giới chuyên gia quốc tế cũng dự báo, dưới thời chính quyền Tổng thống đắc cử Joe Biden, Mỹ có thể sẽ “xoa dịu” căng thẳng về kiểm soát vũ khí vốn leo thang trong thời Tổng thống Donald Trump, nhưng khó có khả năng Mỹ và Nga có bước tiến tích cực về quan hệ.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nga-cung-co-suc-manh-truoc-nhung-thach-thuc-post436100.html