Nga công khai tên lửa bị Mỹ tố vi phạm hiệp ước INF

Nga mới đây đã cho phép các tùy viên quân sự nước ngoài được tiếp cận với loại tên lửa hành trình mà Mỹ cho là vi phạm Hiệp ước về các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF). Moscow hy vọng sự minh bạch có thể thuyết phục Washington ở lại hiệp ước này.

Mỹ đã tuyên bố rút khỏi INF tồn tại từ năm 1987 đến nay do nghi ngờ tên lửa Novator 9M729 của Nga vi phạm hiệp ước này. Nga phủ nhận cáo buộc này và khẳng định đây chỉ là cái cớ để Washington rút khỏi hiệp ước một cách hợp lý và tự phát triển tên lửa tầm trung của mình.

Vào hôm 23-1, Nga đã công khai tên lửa 9M729 tại một cơ sở quân sự ngoại ô Moscow cho các tùy viên quân sự và phóng viên nước ngoài. Các quan chức quân đội cấp cao của Nga làm nhiệm vụ giới thiệu về các tính năng và linh kiện của loại tên lửa này.

Theo Tư lệnh lực lượng tên lửa và pháo binh Nga, Trung tướng Mikhail Matveyevsky, tên lửa 9M729 thuộc hệ thống tên lửa chiến thuật Iskander-M được trang bị thiết bị kiểm soát vận hành mới giúp nó tấn công chính xác hơn.

9M729 giống như một phiên bản nâng cấp từ 9M728.

9M729 và 9M728 có vẻ bề ngoài và linh kiện gần như khác hoàn toàn, do đó, điều này khiến Iskander-M phải được biến đổi để phóng được 9M729.

Xe chở phóng 9M729 có thể mang được cùng lúc 4 tên lửa loại này, trong khi phiên bản xe chở phóng cho 9M728 chỉ mang được 2 tên lửa.

So với phiên bản 9M728, tên lửa 9M729 có chiều dài lớn hơn 530mm và cũng có cân nặng lớn hơn.

Đầu đạn của 9M729 mạnh hơn so với 9M728, trong khi hệ thống điều khiển của nó cũng hiện đại hơn phiên bản cũ.

Tuy nhiên, 9M729 lại có tầm bắn giảm 10km so với 9M728, chỉ đạt 480km và không vi phạm INF. Nga cũng xác nhận từng phóng loại tên lửa này trong cuộc tập trận Zapad 2017.

9M728 và 9M729 chỉ được lắp đầu đạn và bơm nhiên liệu trong điều kiện đặc biệt ở nhà máy. Các đơn vị quân đội sử dụng không thể thay thế bình nhiên liệu hay tự lắp ráp.

Lượng nhiên liệu nó mang theo chỉ đủ cho tầm bay không vượt quá quy định của hiệp ước INF.

Nga đã mời đến buổi công bố thông số của 9M729 các đại diện của EU, NATO, nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) và các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác Thượng hải (CSTO). Tuy nhiên, theo Bộ Quốc phòng Nga, đại diện của Anh, Pháp, Mỹ và Đức đều không có mặt.

Phát biểu tại đầu sự kiện, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov đã hy vọng điều này sẽ giúp Mỹ thay đổi quan điểm và tôn trọng INF.

Đặng Vũ (Tổng hợp)

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-nga-cong-khai-ten-lua-bi-my-to-vi-pham-hiep-uoc-inf/797530.antd