Nga công khai mục đích dùng S-300VM tại Syria

Sau khi căn cứ không quân Hmeimim được bảo vệ bằng S-400, Nga không hề giấu giếm mục đích khi đưa thêm hệ thống phòng không S-300VM đến Syria.

Công khai mục đích

Hãng thông tấn Sputnik dẫn nguồn tin Bộ Quốc phòng Nga ngày 4/10 cho biết, mục đích Moskva điều S-300VM đến Syria nhằm tăng cường khả năng phòng thủ cho các lực lượng vũ trang triển khai tại nước này, diệt phiến quân IS và bảo vệ căn cứ hải quân Tartus.

Kênh truyền hình Zvezda (Nga) dẫn phân tích của một số chuyên gia quân sự cho biết, S-300VM kết hợp với các hệ thống vũ khí đã được triển khai đặc biệt là S-400 (triển khai tại Syria tháng 11/2015), sẽ tạo thành chiếc ô phòng thủ chắc chắn, bảo vệ các mục tiêu quan trọng của Syria và Nga triển khai tại đây.

Theo Zvezda, tổ hợp S-400 có thể phát hiện mục tiêu cách xa 400 km ở độ cao lên tới 40-50 km. Trong khi đó, S-300VM (NATO định danh là SA-23 Gladiator/Giant) là hệ thống chống tên lửa đạn đạo mới của Nga.

Nga tập trận với hệ thống S-300VM.

S-300VM được thiết kế để tiêu diệt các loại tên lửa đạn đạo tầm trung và ngắn với tầm phóng lên đến 2.500 km, các mục tiêu là tên lửa hành trình, tên lửa phóng từ không gian, máy bay chiến thuật và chiến lược, cũng như vũ khí điều khiển chính xác.

Theo nguồn tin này, hệ thống S-300VM và S-400 đều có những tính năng vượt trội riêng và việc cả 2 vũ khí này đều có mặt tại Syria sẽ tạo nên chiếc ô phòng thủ hoàn hảo có thể che chắn trước mọi đòn tấn công đường không của đối phương.

Tartus – yết hầu đối với Nga

Hiện nay, Tartus trở thành tiền đồn vô cùng quan trọng để bít đường tiến vào Biển Đen từ Địa Trung Hải. Và trên thực tế, chính quyền Damascus cũng đã đồng ý để chuyển đổi Tartus từ căn cứ hậu cần thành căn cứ lâu dài cho Hải quân Nga.

Bắt đầu từ năm 2009, cảng này bắt đầu được cải tạo, nạo vét luồng lạch để tiếp nhận các tàu chiến có tải trọng lớn. Trong năm 2008, đã có các báo cáo không chính thức về việc tuần dương hạm mang tên lửa điều khiển lớp Slava cập cảng Tartus cùng với 4 tàu ngầm hạt nhân chiến lược khác.

Cũng trong năm 2008, phát ngôn viên Hạm đội Biển Bắc cho biết tuần dương hạm Peter Đại đế sẽ đến Venezuela tập trận và sẽ dừng chân tại Tartus. Đến năm 2009, RIA Novosti đưa tin, Tartus sẽ cung cấp các hoạt động đầy đủ cho các hoạt động chống cướp biển.

Vào cuối năm 2011, đầu năm 2012, Reuters đưa tin, một đội tàu của Hải quân Nga dẫn đầu bởi tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov cũng đã đến Tartus trong các hoạt động hỗ trợ cho chính phủ Syria.

Khi cuộc nội chiến tại Syria đang diễn biến theo chiều hướng ngày càng phức tạp, Mỹ lăm le sử dụng vũ lực để lật đổ chính quyền Damascus. Nguy cơ Syria bị đánh bại là rất cao. Nếu điều đó xảy ra, tiền đồn của Nga tại Địa Trung Hải coi như cũng biến mất theo. Không dừng lại ở đó, Hải quân Nga gần như sẽ bị cô lập và không còn khả năng tác chiến ngăn chặn xa bờ.

Về mặt địa lý, Hạm đội biển Đen của Nga bị quây trong "ao làng" Biển Đen. Các tàu chiến của hạm đội này muốn đến được Đại Tây Dương chỉ có một con đường duy nhất là đi qua Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ vào Địa Trung Hải. Căn cứ Tartus cho phép Hải quân Nga triển khai một phần lực lượng bên ngoài cái ao làng này để không rơi vào thế bị động.

Nếu mất Tartus, con đường duy nhất để tiến ra Đại Tây Dương của Hạm đội Biển Đen thông qua Địa Trung Hải coi như bị bít mất và Hạm đội Biển Đen gần như bị cô lập từ mọi phía. Điều này sẽ tạo nên một mối đe dọa rất lớn cho an ninh quốc gia Nga.

Trong trường hợp xảy ra xung đột ở những vùng biển khác thì Hạm đội Biển Đen gần như không còn khả năng chi viện bởi con đường duy nhất của họ đã bị chặn. Với ý nghĩa đặc biệt quan trọng của cảng Tartus, thì việc Nga đưa S-300VM đến bảo vệ hải cảng này là điều hoàn toàn dễ hiểu.

Clip Nga diễn tập với hệ thống S-300VM

Tuấn Hưng

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/nga-cong-khai-muc-dich-dung-s-300vm-tai-syria-3320380/