Nga công bố hồ sơ mới Hệ thống phòng không Việt Nam

Xin được trân trọng giới thiệu với bạn đọc loạt bài của chuyên gia quân sự Nga Sergey Linnhik

Bài viết về lịch sử thành lập, phát triển và truyền thống chiến đấu vẻ vang của Bộ đội phòng không Việt Nam.

Chắc chắn là trong bài có nhiều thông tin không mới đối với chúng ta, nhưng qua đây chúng ta có thể tham khảo cách nhìn và đánh giá của một “người ngoài cuộc”, đồng thời cũng là dịp ôn lại lịch sử.

Chúng tôi có mở ngoặc một số chỗ để làm rõ thêm ý của tác giả khi cần thiết. Bài đăng trên tờ báo chuyên ngành “Bình luận quân sự” Nga bắt đầu từ ngày 3/7/2018. Tất cả các ảnh cùng chú thích (hoặc không) trong bài là của Sergey Linnhik.

Bộ đội (lực lượng) không quân và Bộ đội phòng không của Quân đội nhân dân Việt Nam chính thức được thành lập ngày 1/5/1959.

Tuy nhiên, trên thực tế, những đơn vị phòng không Việt Minh đầu tiên đã tham chiến ngay vào cuối những năm 40 trong cuộc chiến tranh khởi nghĩa chống thuộc địa, - cuộc khởi nghĩa này sau đó đã trở thành một cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc quy mô lớn (Kháng chiến chống Pháp-ND).

Các đơn vị du kích Việt Nam tiến hành rất thành công những chiến dịch tấn công trên bộ, nhưng các hoạt động của họ bị Không quân Pháp gây rất nhiều khó khăn và tổn thất. Trong thời kỳ đầu, các đội quân Việt Nam không có vũ khí phòng không và để đối phó với các trận không kích bằng bom, họ chỉ có trong tay súng bộ binh và nghệ thuật ngụy trang trong rừng rậm.

Để hạn chế tối đa các tổn thất vì những đợt không kích, du kích Việt Nam thường áp dụng chiến thuật tập kích các điểm phòng ngự (đồn bốt) của Quân Pháp vào ban đêm, tổ chức các trận đánh phục kích trong rừng rậm trên các tuyến đường để cắt đứt nguồn tiếp tế cho những đội quân đồn trú của Pháp.

Chiến thuật này của quân du kích Việt Nam đã buộc người Pháp phải sử dụng không quân vận tải để cung cấp vũ khí- lương thực và chuyển quân, đồng thời phải huy động rất nhiều lực lượng để bảo vệ các căn cứ không quân.

Năm 1948, Bộ Tư lệnh Pháp tìm mọi cách để đảo ngược tình thế tại Đông Dương. Nhằm bao vây du kích, bắt sống hoặc tiêu diệt giới lãnh đạo Việt Minh, Pháp đã cho tiến hành một số chiến dịch đổ bộ đường không (nhảy dù) quy mô lớn.

Khi tiến hành các chiến dịch như vậy, lính dù Pháp được sự hỗ trợ của các máy bay tiêm kích Spitfire Mk.IX, máy bay ném bom bổ nhào SBD-5 Dauntless cất cánh từ tàu sân bay Arromanches và từ các sân bay trên mặt đất.

Chỉ trong chiến dịch đổ bộ tiến hành từ ngày 29/11/1948 đến ngày 4/1/1949, các máy bay SBD-5 Dauntless của Pháp đã thực hiện số lần xuất kích tác chiến ném bom bằng tổng số lần xuất kích tác chiến của cả lực lượng không quân viễn chinh Pháp trong suốt năm 1948.

Tuy nhiên, dù đã huy động một lực lượng không quân rất mạnh và chịu một khoản chi phí cũng rất lớn, chiến dịch này của Pháp đã không đạt được mục tiêu đề ra, - các nhóm du kích Việt Minh đã cơ động thoát khỏi vòng vây, tránh đối đầu trực tiếp với Quân Pháp và biến mất trong các rừng rậm.

Và cũng từ sau chiến dịch này, các phi công Pháp lái Spitfire Mk.IX và SBD-5 Dauntless phải đối mặt với hỏa lực phòng không ngày càng mạnh của Việt Minh.

Thêm nữa, các máy bay Pháp bị tấn công không chỉ bằng súng bộ binh, mà còn cả bằng súng máy phòng không 25 ly Type 96 Việt Minh lấy được từ Quân Nhật, súng máy phòng không 12,7 ly Browning M2 và súng máy phòng không 40 ly Bofors L/60 mà Việt Minh chiếm được của chính Quân Pháp.

Dù do lính phòng không Việt Minh khi đó còn thiếu kinh nghiệm nên độ chính xác khi bắn không cao, nhưng ngày càng nhiều các máy bay chiến đấu Pháp quay trở về sân bay với nhiều vết đạn trên thân.

Đến cuối năm 1948, du kích Việt Minh đã bắn rơi 3 chiếc và bắn bị thương hơn 20 chiếc máy bay Pháp. Một số chiếc máy bay bị thương “nặng”, tuy vẫn về đến sân bay nhưng đã nổ tung khi hạ cánh.

Cần phải nói rằng cụm không quân Pháp (tại Đông Dương) có thành phần tương đối “tạp nham”. Để tấn công các trận địa của Quân khời nghĩa (Việt Minh), ngoài các máy bay Spitfire Mk.IX và SBD-5 Dauntless, người Pháp còn sử dụng cả các máy bay Nhật chiến lợi phẩm Ki-21, Ki-46, Ki-51 và Ki-54.

Còn các máy bay vận tải kiểu cũ như J-52 của Đức Quốc Xã và С-47 Skytrain do Mỹ cung cấp được sử dụng làm máy bay ném bom.

Trong năm 1949, các máy bay do Nhật và Anh sản xuất đã hết hạn sử dụng được thay thế bằng các máy bay tiêm kích Mỹ Р-63С Kingcobra. Р-63С Kingcobra được trang bị một pháo 37 ly, bốn súng máy cỡ nòng lớn và mang tới 454 kg bom nên có khả khả năng tiến hành các đòn công kích- ném bom rất hiệu quả.

Nhưng dĩ nhiên, du kích Việt Minh cũng không khoanh tay ngồi nhìn, vào năm 1949, những người cộng sản Việt Nam bắt đầu tiếp nhận hỗ trợ quân sự từ nước Trung Hoa mới.

Ngoài súng bộ binh và súng cối, Việt Minh bắt đầu có trong trong trang bị súng máy phòng không 12,7 ly DShK và pháo phòng không 37 ly 61-K. Đến tháng 1/1950, chiếc Kingcobra Pháp đầu tiên đã bị hỏa lực pháo phòng không 37 ly Việt Minh bắn hạ cách biên giới Trung Quốc không xa.

Du kích Việt Minh ngày càng tích tũy nhiều kinh nghiệm và cùng với đó là hiệu quả tác chiến của hỏa lực phòng không bằng súng bộ binh ngày càng tăng. Vì không có nhiều súng phòng không chuyên dụng, quân Việt Nam sử dụng trung liên và đại liên để đánh trả các đợt không kích của máy bay Pháp, - đồng thời du kích cũng áp dụng chiến thuật bắn từng loạt một tập trung vào chỉ một máy bay.

Chính cách đánh này nhiều lần đã buộc các phi công Pháp khi bị sa vào lưới lửa phòng không không dám mạo hiểm và đã trút hết bom từ độ cao lớn để bảo toàn tính mạng.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/ho-so/nga-cong-bo-ho-so-moi-he-thong-phong-khong-viet-nam-3361578/