Nga coi cứu tinh của pháo điện từ Mỹ là trò đùa

Đạn HVP được coi là cứu tinh khi chương trình pháo ray điện từ của Mỹ đổ vỡ, tuy nhiên Nga cho rằng công nghệ này chỉ như một trò chơi.

Công khai mục đích

Theo thông tin chính thức từ Lầu Năm Góc, cơ quan này đã quyết định trong vài năm tới sẽ không tập trung phát triển và hoàn thiện pháo ray điện từ và các thiết bị liên quan.

Quyết định này được đưa ra bất chấp sau hơn một thập kỷ phát triển và gần 2 tỷ USD được giải ngân, chương trình pháo ray điện từ vẫn vấp phải những rào cản kỹ thuật khó có thể vượt qua ở thời điểm hiện tại, cũng như sự thay đổi chính sách của Hải quân Mỹ.

Chính vì vậy, chương trình vũ khí đầy tham vọng và được coi là đi trước thời đại của Mỹ được chuyển khỏi danh sách ưu tiên để dành nguồn lực cho các loại vũ khí mới có tính ứng dụng cao hơn và đạn High Velocity Projectiles (HVP) được coi là ưu tiên số 1.

Phát bắn của đạn siêu tốc HVP.

Trang Scout cho biết, Hải quân Mỹ có kế hoạch trang bị đạn siêu tốc HVP cho hải pháo 127mm trên các loại tàu chiến của lực lượng này. Trước kế hoạch trang bị đạn HVP, chuyên gia Kris Osborn cho rằng, với loại đạn mới này, hải pháo sẽ mang lại hàng loạt lợi thế bất ngờ Mỹ.

Vị chuyên gia này cho biết, đạn HVP làm tăng khả năng tấn công chớp nhoáng các mục tiêu tầm xa, cũng như giúp chỉ huy chiến trường ra quyết định chiến đấu theo thời gian thực tốt hơn. Trong khi đó, trang website của Viện nghiên cứu Hải quân Mỹ khẳng định, với loại đạn công nghệ cao, sức mạnh quân sự Nga sẽ bị kiềm chế.

"Hải quân Mỹ hiện đang phát triển loại vũ khí tiềm năng mới có thể cải thiện sức mạnh của các tàu chiến trong việc tự vệ trước các tên lửa của đối phương, đó là đạn HVP", báo cáo có đoạn viết.

Hiện nay, Bộ Tư lệnh các hệ thống trên biển của Hải quân Mỹ (NAVSEA) đang trong giai đoạn thử nghiệm đạn dẫn đường siêu tốc HVP được thiết kế cho súng điện từ của hải quân.

Mới đây các chuyên gia phát hiện có thể dùng pháo hạm tiêu chuẩn để bắn HVP. Bệ phóng HVP là các khẩu pháo nhồi thuốc súng trên chiến hạm, tức dạng vũ khí phổ thông có thể tìm thấy hầu như trên mọi tàu chiến nổi của Hải quân Mỹ.

Việc dùng pháo hạm truyền thống để bắn HVP sẽ lao chậm hơn so với nếu phóng bằng súng trượt điện từ, nhỉnh hơn Mach 3 so với Mach 7. Mặc dù vậy, tốc độ này cũng đã cao hơn gấp đôi vận tốc của đạn bình thường khi rời khỏi nòng pháo MK 45 đường kính 127 mm trên các tàu khu trục và tàu tuần dương mang theo tên lửa dẫn đường.

Đạn dẫn đường tốc độ cao được bắn ra từ pháo hạm khiến Hải quân Mỹ có thêm lựa cho các tàu chiến khi đối mặt với các mối đe dọa từ tên lửa phòng không và tên lửa đạn đạo của kẻ thù, trong đó có tên lửa của Nga.

Trò đùa của Mỹ

Dù Mỹ rất tự tin vào khả năng kiềm chế đối phương bằng đạn siêu tốc HVP, nhưng Nga không nghĩ vậy và cho rằng công nghệ này chỉ như trò chơi. Tuyên bố này được Sputnik dẫn phân tích của chuyên gia quân sự Alexei Leonkov thuộc tạp chí "Kho vũ khí nước nhà" cho biết, những đặc điểm của "siêu vũ khí" chắc chắn không phù hợp với thực tế 100%.

"Trước đây Mỹ đã thử nghiệm đạn HVP trên pháo ray điện từ, đã bắn ra vài viên đạn và thông báo với toàn thế giới rằng, họ đã tạo ra siêu vũ khí. Nhưng những vũ khí này chỉ là một đồ chơi đắt tiền", Alexei Leonkov cho biết.

Theo vị chuyên gia này, ban đầu tàu khu trục Zumwalt được thiết kế dành riêng cho pháo ray điện từ, và Mỹ vẫn có vấn đề với tàu lớp này. Có vẻ là ý tưởng trang bị đạn siêu tốc HVP cho pháo thông thường đã xuất hiện để cứu vãn chương trình đó.

Nhưng, xét theo mọi việc, những gì họ nói khó có thể phù hợp với thực tế. Họ chưa đạt được những kết quả vượt trội. Vâng, rất có thể tầm bắn xa đã lên đến 60 dặm, nhưng, chúng tôi vẫn chưa biết gì về độ chính xác", chuyên gia Alexey Leonkov cho biết.

Theo ông, những câu chuyện về việc sử dụng đạn siêu tốc trên pháo thông thường chỉ là quảng cáo chứ không phải chương trình phát triển thực sự. "Nếu đạn có độ sai lệch lớn, thì đây không phải là loại vũ khí có độ chính xác cao mà chỉ là một yếu tố gây hại ngẫu nhiên. Hiện nay Mỹ tiếp tục quảng cáo loại vũ khí mới.

Nên nhận thấy dù chỉ một lần những kết quả thực tế, đạn siêu tốc có thể phá hủy những mục tiêu nào ở tầm xa. Sau đó, có thể rút ra kết luận về tính hiệu quả của siêu vũ khí", chuyên gia quân sự cho biết. Theo thông tin được Mỹ công khai, đạn HVP dành cho pháo điện từ và cả pháo thông thường là loại đạn do Cơ quan ONR phối hợp với BAE Systems sản xuất.

HVP là một loại đạn pháo công nghệ cao, với sự giúp đỡ của các bao dẫn khác nhau (thành phần dẫn đạn trong nòng) mà nó có thể được bắn đi từ pháo 127 mm, 155 mm, hoặc từ pháo điện từ EM. Trong tất cả các trường hợp phần đầu đạn là như nhau.

HVP có thể chống lại một loạt các mục tiêu - mặt đất, mặt nước hay trên không. Đạn HVP tương lai sẽ được sử dụng trong cả tác chiến phòng không, mục tiêu của nó bao gồm cả tên lửa đạn đạo và các loại đạn dẫn đường.

Đạn có thể mang lõi xuyên Wolfram để phá hủy mục tiêu bọc giáp hoặc lắp đầu nổ mảnh nhằm sát thương sinh lực địch. Đạn có chiều dài đến 610 mm và nặng 12,7 kg. Hiện hệ thống dẫn đường của đạn HVP vẫn chưa được tiết lộ.

Clip pháo điện từ Mỹ bắn đạn HVP

Thùy Dung

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/nga-coi-cuu-tinh-cua-phao-dien-tu-my-la-tro-dua-3348935/