Nga cổ vũ Đức cứu Nord Stream-2, Mỹ ban trừng phạt

Phía Nga nói Nord Stream-2 là bằng chứng để chứng minh Đức có thể bảo vệ lợi ích của chính mình hay không.

Trong cuộc phỏng vấn với kênh RT phiên bản tiếng Đức, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết, dự án đường ống dẫn khí Nord Stream-2 là một dự án có tầm quan trọng, mang tính chất "tồn tại" đối với Đức.

Nga đã lên kế hoạch hoàn thiện Nord Stream-2 trước bầu cử ở Đức vào tháng 9.

Nga đã lên kế hoạch hoàn thiện Nord Stream-2 trước bầu cử ở Đức vào tháng 9.

Bà Zakharova dẫn lại lời cựu Thủ tướng Đức và Chủ tịch hội đồng quản trị Nord Stream AG, Gerhard Schroeder cho rằng, dự án này sẽ giúp đảm bảo an ninh năng lượng của Berlin cho "các thế hệ sau", đồng thời kêu gọi Đức không để mình bị Washington bắt nạt trên chính sách năng lượng của họ.

"Đây là một dự án mang tính chất tồn tại đối vói người Đức. Tôi đã nghe điều này từ các đại diện của Đức và cũng đọc các bài phân tích của các chuyên gia Đức đều thể hiện điều này. Đây là một dự án kinh doanh, nó không liên quan đến chính trị, mà là sự phát triển nội bộ của nước Đức" - bà Zakharova nói với RT Deutschland.

Vì lý do này, bà Zakharova cho rằng, Đức nên hành động vói Nord Stream-2 vì lợi ích của chính họ.

"Nếu ngày mai, Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, có thể là Biden, Obama, Trump hay bất kỳ ai khác, ra lệnh cho Đức phải ngừng thở thì họ sẽ nghe chứ?" - bà Zakharova nói.

Bình luận của bà Zakharova đưa ra giữa lúc dự án này không chỉ đang nằm trong vòng kìm kẹp trừng phạt của Mỹ mà ngay cả ở Đức cũng đang bị xáo trộn với các tín hiệu bầu cử Thủ tướng vào tháng 9.

Nhưng với chính quyền hiện tại, Berlin vẫn khẳng định thái độ sẵn sàng bảo vệ dự án này. Các quan chức Đức đã nhất quán bảo vệ Nord Stream-2 là một dự án kinh tế thuần túy bất chấp sức ép của Mỹ, không chỉ dưới hình thức trừng phạt mà còn thông qua các nỗ lực sử dụng các tranh chấp khác, như câu chuyện nhân vật đối lập Alexei Navalny bị 'đầu độc', căng thẳng quân sự đối với Ukraine... để yêu cầu Berlin ngừng thi công dự án với Nga.

Đầu tuần này, Thủ tướng Angela Merkel một lần nữa ra quân bảo vệ Nord Stream 2 và nguồn cung cấp khí đốt của Nga nói chung, nói rằng bà hoàn toàn nhận thức được rằng xung đột xung quanh đường ống này là một phần của “cuộc đấu tranh chính trị” rộng lớn hơn.

Đầu năm nay, cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schroeder nhấn mạnh rằng, Mỹ không thể “sai khiến” chính sách năng lượng của Đức, và cho rằng lợi ích của Washington là bán khí đốt khai thác “đắt tiền và chất lượng kém hơn” của chính họ cho châu Âu.

Đức là cường quốc công nghiệp của châu Âu, do đó, đòi hỏi một lượng lớn năng lượng để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng trong công nghiệp và hộ gia đình. Nhu cầu đã tăng lên đáng kể trong bối cảnh quốc gia này rời bỏ điện than và điện hạt nhân. Khí đốt tự nhiên được coi là một giải pháp thay thế sạch. Bên cạnh dó, Nord Stream-2 được xây dựng đường ống được cho là có khả năng bơm hydro sạch - được coi là nhiên liệu tiềm năng của tương lai, ngoài khí đốt tự nhiên.

Với nhu cầu tổng hợp về khí đốt tự nhiên của châu Âu dự kiến sẽ tăng tới 40% trong năm 2040, một số nhà phân tích thậm chí còn dự đoán rằng Nord Stream-3 có thể sẽ được lên kế hoạch để đáp ứng nhu cầu cần thiết của Đức.

Mỹ sẽ trừng phạt 20 công ty tham gia Nord Stream-2

Văn phòng Thượng Nghị sỹ Mỹ Ted Cruz ngày 21/4 cho hay, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã nhất trí thông qua dự luật “Điều luật Đối tác An ninh Ukraine” trong đó có đề xuất trừng phạt hàng loạt công ty liên quan đến dự án Nord Stream-2.

Cụ thể, dự luật đề nghị chi 300 triệu USD trong các năm tài chính từ 2022 đến 2026 để giúp đỡ các nhu cầu quốc phòng của nước này, trong đó có một điều khoản bổ sung do Thượng Nghị sỹ Cộng hòa bang Texas Ted Cruz đề xuất, đưa ra danh sách khoảng 20 công ty và tàu có thể bị trừng phạt vì vai trò của họ khi tham gia dự án Nord Stream-2.

Thượng Nghị sỹ Ted Cruz nhấn mạnh, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã gửi “một thông điệp rõ ràng, thống nhất và của cả hai đảng” tới tất cả các công ty tham gia dự án Nord Stream-2.

Ông nhấn mạnh: “Mỹ biết họ là ai và nếu như họ không rời khỏi dự án ngay lập tức, họ sẽ bị trừng phạt."

Điều khoản bổ sung đã “tước bỏ bất cứ hy vọng nào trong các công ty tham gia Nord Stream-2 là họ có thể tránh khỏi bị trừng phạt”.

Ngoại trưởng Mỹ Blinken trước đó đã tuyên bố “bất cứ thực thể nào dính líu đến đường ống dẫn khí Nord Stream-2 đối mặt nguy cơ trừng phạt của Mỹ và phải rời bỏ công việc tại dự án ngay lập tức”. việc thông qua điều khoản bổ sung này sẽ đảm bảo rằng “Bộ Ngoại giao Mỹ có đủ thẩm quyền và nguồn lực để nhanh chóng áp đặt các biện pháp trừng phạt mạnh”.

Hành động của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ ngày hôm nay cho thấy “bất cứ ai cũng không ảo tưởng về những gì sẽ xảy ra đối với bất cứ thực thể nào không chú ý tới lời cảnh báo”. Điều khoản bổ sung yêu cầu trong vòng 15 ngày phải quyết định biện pháp trừng phạt.

Thượng Nghị sỹ Ted Cruz cho biết Đại sứ Mỹ Victoria Nuland, người được Tổng thống Biden đề cử chức Thứ trưởng Ngoại giao về các vấn đề chính trị, tại cuộc điều trần ở Quốc hội Mỹ đã cam kết sử dụng mọi biện pháp có sẵn, bao gồm cả các biện pháp trừng phạt theo yêu cầu của Quốc hội Mỹ, để ngăn chặn dự án.

Dự luật này vẫn cần được Thượng viện thông qua và Tổng thống Biden ký trước khi có hiệu lực.

Hải Lâm

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/nga-co-vu-duc-cuu-nord-stream-2-my-ban-trung-phat-3431125/