Nga có thể kiện ngược lại Anh trong 'vụ đầu độc điệp viên hai mang Skripal'?

Các luật sư Nga có thể thay mặt cho Tổng thống Putin kiện lại nước Anh vì làm xấu hình ảnh nhà lãnh đạo này trong vụ đầu độc Skripal.

Anh cáo buộc Nga đứng sau vụ Skripal mà không đưa ra bằng chứng cụ thể.

Nga có thể kiện Anh vì tội bôi nhọ

Tổ chức Ngăn chặn Vũ khí Hóa học (OPCW) đã không nêu được tên, công thức lẫn quốc gia sản xuất loại chất độc trong vụ đầu độc cựu điệp viên Skripal. Với điều này, tờ Pravda Nga đặt ra câu hỏi về khả năng Moscow có thể kiện nước Anh ra tòa án quốc tế vì tội bôi nhọ.

Vào ngày 18/4, trong cuộc họp kín thứ hai của OPCW ở The Hague - Peter Wilson, đại diện của Anh tại OPCW, cho biết tổ chức này không thể xác định xuất xứ của chất độc trong vụ đầu độc cựu điệp viên Nga Sergei Skripal và con gái ở Salisbury.

Một điểm đáng lưu ý là, OPCW đã không tuyên bố công khai tên của loại chất độc, trong khi chính quyền Anh ngay từ đầu đã xác định đây là "Novichok" - một loại chất độc thần kinh được cho là phát triển ở Liên Xô trong những năm 1970 và cáo buộc tình báo Nga sử dụng trong vụ việc.

Trên cơ sở những tuyên bố trên, Thủ tướng Theresa May và Ngoại trưởng Boris Johnson đã cáo buộc Nga dính líu tới vụ đầu độc Skripal, dẫn đến hậu quả là các biện pháp trừng phạt từ các nước phương Tây một lần nữa áp đặt. Tiếp sau đó, các nhà lãnh đạo phương Tây khác cũng lên tiếng chỉ đích danh Moscow đứng đằng sau.

Thủ tướng Thụy Điển nói rằng Nga cần phải giải thích về cách thức thủ tiêu cựu điệp viên Skripal ở Anh. Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven cho biết: "Chúng tôi đồng tình rằng Nga phải chịu trách nhiệm". Nối tiếp tuyên bố, Thụy Điển đã trục xuất một nhà ngoại giao Nga như một sự ủng hộ đối với Anh.

Theo tờ Pravda, các nước bôi nhọ không có bằng chứng như vậy có thể sẽ bị Nga kiện lại ở tòa án quốc tế.

Vladimir Olenchenko, nhà nghiên cứu cao cấp tại trung tâm Nghiên cứu châu Âu thuộc viện Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế của viện Hàn lâm Khoa học Nga, nói với Pravda.Ru rằng, Moscow có thể đưa vấn đề ra một tòa án quốc tế và tìm kiếm sự đền bù thích đáng.

“Các văn phòng của Anh đưa ra các tài liệu không đáng tin cậy, mâu thuẫn nhau. Những văn bản này đều cho thấy các nhà chức trách Anh đang cố hướng hung thủ sang phía Nga. Trong khi đó họ không chịu hợp tác với yêu cầu điều tra của Moscow", chuyên gia Olenchenko nói với Pravda.Ru.

Ông lưu ý Nga không thể để những chi tiết này bị phai mờ giữa những tuyên bố từ phương Tây, mà cần đặt ra nhiều câu hỏi thúc giục hơn để có được câu trả lời thích đáng đến từ Anh, cũng như gây thu hút sự chú ý của quốc tế.

OPCW không thể xác định chất độc từ đâu đến.

Nga cần phải chứng minh rằng các cáo buộc của London dựa trên thông tin sai lệch một cách cố ý nhằm bôi nhọ uy tín của Tổng thống Nga. Do đó, các luật sư Nga có thể thay mặt cho Tổng thống Putin và kiện nước Anh.

Chất độc sản xuất tại các nước phương Tây?

Người đứng đầu trung tâm Nghiên cứu Phân tích và Ngăn chặn Vũ khí Hóa Sinh học thuộc bộ Công thương Liên Bang Nga Viktor Kholstov cho biết, chất hóa học trong vụ đầu độc của Skripal thực tế có thể được sản xuất ở các phòng thí nghiệm phương Tây.

“Chất độc Novichok đã trở nên phổ biến ở rất nhiều phòng thí nghiệm phương Tây. Có thể nói rằng hiện nay có ít nhất 20 phòng thí nghiệm có liên quan đến chất này”, ông Kholstov nói trong một cuộc phỏng vấn với Ủy ban điều tra Nga.

Cựu sĩ quan tình báo Nga Sergei Skripal và con gái Yulia, bị phát hiện bất tỉnh vào ngày 4/3 tại một trung tâm mua sắm ở thành phố Salisbury của Anh. London đã nhanh chóng cáo buộc Moscow đứng đằng sau "cuộc tấn công". Chính phủ Nga bác bỏ tất cả các cáo buộc.

Viktor Kholstov lưu ý rằng tất cả kho dự trữ vũ khí hóa học của Nga đã bị phá hủy hoàn toàn, cũng như mọi cơ sở sản xuất đã bị đóng cửa theo Công ước về cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ và sử dụng vũ khí hóa học có hiệu lực vào năm 1997.

Nguồn Người Đưa Tin: http://nguoiduatin.vn/nga-co-the-kien-nguoc-lai-anh-trong-vu-dau-doc-diep-vien-skripal-a367127.html