Nga có thể đưa quân sang Belarus

Sau những tuần liên tục cảnh báo phương Tây tránh can thiệp vào công việc nội bộ của Belarus, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 27-8 khẳng định ông đã thành lập lực lượng cảnh sát dự bị để triển khai đến quốc gia láng giềng nếu 'tình hình vượt quá tầm kiểm soát'.

Hàng chục ngàn người biểu tình chống chính phủ ở thủ đô Minsk, Belarus.

Hàng chục ngàn người biểu tình chống chính phủ ở thủ đô Minsk, Belarus.

“Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã yêu cầu tôi thành lập lực lượng cảnh sát dự bị và tôi đã làm điều đó” - ông Putin nói trên Kênh truyền hình Nga Rossiya 1TV. Chủ nhân Ðiện Kremlin giải thích rằng Mát-xcơ-va có nghĩa vụ giúp đỡ Minsk bằng lực lượng an ninh theo hiệp ước quốc phòng tập thể. Nga và Belarus đều là thành viên Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể. Tuy nhiên, ông Putin cũng nhấn mạnh sẽ không điều động lực lượng trừ phi “các phần tử cực đoan ở Belarus vượt quá giới hạn và bắt đầu hành vi phá hoại”. Theo nhà lãnh đạo Nga, tình hình hiện nay đang ổn định trở lại.

Những bình luận trên đánh dấu phát biểu công khai đầu tiên của Tổng thống Putin về tình hình bất ổn tại quốc gia láng giềng và là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy Nga đang ủng hộ đồng minh lâu năm Lukashenko.

Belarus rơi vào tình trạng bất ổn sau cuộc bầu cử ngày 9-8 với kết quả Tổng thống Lukashenko giành được hơn 80% phiếu bầu để tiếp tục thời gian lãnh đạo từ năm 1994 đến nay. Phe đối lập ở Belarus và Liên minh châu Âu (EU) không công nhận kết quả trên, cho rằng cuộc bỏ phiếu bị gian lận. Kể từ đó, nhà lãnh đạo Belarus đối mặt với làn sóng biểu tình chưa từng có trên khắp nước này (có thời điểm lên tới 200.000 người tham gia), kêu gọi ông từ chức. Lực lượng an ninh Belarus cũng đã bắt giữ hàng ngàn người trong nỗ lực dập tắt các cuộc biểu tình và đình công rầm rộ.

Theo giới phân tích, Tổng thống Putin cũng lo ngại bị kéo vào cuộc chiến bảo vệ chiếc ghế của người đồng cấp Belarus. Bởi hành động can thiệp của Nga sẽ dẫn đến sự lên án từ cộng đồng quốc tế và có thể kéo theo những lệnh trừng phạt mới từ phương Tây. Nhưng đáng nói nhất, bước đi trên tiềm ẩn nguy cơ biến đất nước hơn 9,4 triệu dân này thành một quốc gia chống Mát-xcơ-va, tương tự Ukraine. Hôm qua, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba tuyên bố Kiev đã tạm ngừng đối thoại với Minsk và cùng với EU lên án cuộc bầu cử gần đây tại Belarus diễn ra không công bằng.

Xích mích với Ba Lan

Trước những phát biểu về điều động lực lượng vũ trang của ông Putin, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki đã lên tiếng phản đối. Ông Morawiecki nói Tổng thống Putin lấy lý do khôi phục sự kiểm soát tại Belarus để “che giấu” hành động vi phạm luật quốc tế, do vậy Nga phải ngay lập tức rút lại kế hoạch can thiệp quân sự. Quan hệ Ba Lan - Belarus đã trở nên căng thẳng những ngày gần đây sau khi Hãng tin Belta dẫn lời Tổng thống Lukashenko cho rằng Warsaw âm mưu chiếm đóng vùng Grodno nếu chính quyền Minsk sụp đổ. Ba Lan mới đây gọi những cáo buộc của ông Lukashenko là “không thể chấp nhận”.

Ngày 28-8, Bộ Ngoại giao Belarus đã triệu Ðại biện lâm thời Ba Lan tại thủ đô Minsk, Marcin Wojciechowski, để phản đối các động thái của Ba Lan nhằm can thiệp vào công việc nội bộ của Belarus. Theo người phát ngôn Anatoly Glaz của Bộ Ngoại giao Belarus, một số chính trị gia và quan chức Ba Lan đã có những phát biểu “không thân thiện và không thể chấp nhận được” trong ứng xử ngoại giao giữa các nước. Người phát ngôn này nhấn mạnh bất kỳ nỗ lực nào gây áp lực từ bên ngoài đối với Belarus, cũng như những lời kêu gọi vi phạm chủ quyền của Belarus “đều phản tác dụng”.

HẠNH NGUYÊN (Theo Reuters)

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/nga-co-the-dua-quan-sang-belarus-a124873.html