Nga có nguồn tin biết trước kế hoạch quân sự của Mỹ

Ngoại trưởng Sergei Lavrov nói Nga có nguồn tin bí mật giúp biết trước các kế hoạch quân sự của Mỹ và các đồng minh phương Tây của Mỹ, hoặc biết trước bất kỳ toan tính nào của quốc tế để phá hoại đất nước Nga.

Theo hãng tin nhà nước TASS, khi tham dự một diễn đàn giáo dục thanh niên Terra Scientia hôm 30.7, ông Lavrov nói: “Hãy yên tâm, chúng ta sẽ được cung cấp thông tin về các âm mưu của quân đội Mỹ và của các nước phương Tây chống lại Liên bang Nga”.

Nhà ngoại giao cấp cao còn nói sự hiện diện quân sự của Nga trên toàn cầu là cần thiết, để bảo vệ các quyền lợi thiết thân của đất nước: “Dù chuyện gì xảy ra trên thế giới đi nữa, an ninh quốc gia của ta, sự an toàn của công dân và chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ sẽ được bảo vệ thật kiên quyết. Tổng thống Vladimir Putin đã liên tục nói về quyết tâm này, và tôi bảo đảm với quí vị sẽ là như thế, dựa trên sự thay đổi mạnh mẽ đang diễn ra ở nước ta và quân đội ta”.

Đó là câu trả lời của ông Lavrov, cho câu hỏi Nga đối phó thế nào với những thách thức an ninh trong thời hiện đại. Tuyên bố của ông Lavrov được đưa ra vào lúc quan hệ Nga - Mỹ rất phức tạp. Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn hợp tác với ông Putin để phục hồi quan hệ giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới, nhưng nỗ lực của chủ nhân Nhà Trắng bị chỉ trích, đặc biệt vì những cáo buộc nhóm tranh cử của ông thông đồng với Nga, nhằm để ông trúng cử tổng thống Mỹ 2016.

Ông Putin liên tục phủ nhận cáo buộc Nga can thiệp bầu cử, trong khi ông Trump luôn đưa ra những thông tin nghịch với nhau về nghi án Nga can thiệp, dù ông luôn khẳng định ông và nhóm tranh cử đều không làm gì sai trái.

Dù hai vị lãnh đạo Nga - Mỹ cố gắng điều phối chặt chẽ về các vấn đề lớn của thế giới, hai bên vẫn luôn bất đồng về các tranh chấp lãnh thổ ở châu Âu và nội chiến Syria, nơi mà Mỹ - Nga đều có các hoạt động quân sự.

Ngày 30.7, Đại sứ Nga tại Israel, ông Anatoly Viktorov cho biết: Nga không thể buộc quân đội Iran rút khỏi Syria, dù Mỹ và Israel muốn thế. Ông còn nói Moscow cũng không thể làm gì, để ngăn Israel không kích vào quân Iran ở Syria. Lực lượng này cùng tổ chức vũ trang Hezbollah (Lebanon) và Nga giúp quân đội Tổng thống Bashar al-Assad đánh quân nổi dậy.

Trong khi đó, phía Nga mong muốn sự phân chia các lực lượng ở khu vực biên giới giữ nguyên. Theo Thứ trưởng ngoại giao Nga Grigory Karasin, chuyến đi của ông Lavrov là "khẩn cấp và quan trọng".

Từ trước cuộc gặp, ông Netanyahu tái khẳng định Israel sẽ tiếp tục hành động chống lại bất kỳ nỗ lực nào của Iran và các các lực lượng ủy nhiệm cố thủ ở Syria.

Trước đó phía Israel đã phóng 2 tên lửa David’s Sling đánh chặn tên lửa mà nước này cho là đã rơi xuống lãnh thổ Syria và là một phần cuộc nội chiến ở đó.

Đây là lần đầu tiên Israel sử dụng tên lửa David’s Sling tầm trung, được sản xuất bởi công ty Raytheon của Mỹ. Vụ việc đã kích hoạt còi báo động ở miền Bắc Israel và cao nguyên Golan khiến nhiều cư dân tìm chỗ ẩn nấp.

Một nguồn tin của Israel cho biết tên lửa đánh chặn David’s Sling được kích hoạt sau khi có đánh giá ban đầu về khả năng hai tên lửa SS-21 của Syria sẽ tấn công cao nguyên Golan ở phía Israel. Khi các cảm biến của Israel phát hiện chúng sẽ rơi xuống phía Syria, David's Sling nhận được lệnh ngừng đánh chặn và tự hủy trong không trung.

Khi ông Assad gần như nắm quyền kiểm soát vùng tây nam giáp Cao nguyên Golan bị Israel chiếm năm 1967, Đại sứ Viktorov trả lời phỏng vấn của kênh truyền hình Israel, nói chỉ nên dàn quân Syria ở đó.

Hôm 23.7, một quan chức Israel giấu tên cho biết Thủ tướng Bejamin Netanyahu đã nói với Ngoại trưởng Lavrov, rằng Israel không chấp nhận đề nghị của Nga: giữ lực lượng Iran cách đường ranh giới ngừng bắn ở Cao nguyên Golan khoảng 100km.

Đại sứ Viktorov bảo vệ sự hiện diện của quân Iran ở Syria: “Họ đang giữ một vai trò quan trọng trong nỗ lực chung là diệt trừ khủng bố ở Syria. Đó là lý do vào lúc này, chúng tôi cho rằng bất kỳ yêu sách trục xuất bất kỳ lực lượng quân sự nước ngoài nào khỏi Cộng hòa Ả rập Syria đều là phi thực tế. Chúng tôi có thể nói chuyện rất thẳng thắn và công khai với đối tác Iran, cố gắng thuyết phục họ làm hoặc không làm vài điều gì đó, nhưng Nga không thể buộc Iran rút khỏi Syria ”.

Sau khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014, Quốc hội Mỹ đã thông qua một luật, cấm quân đội Mỹ - Nga có quan hệ chính thức. Dù ông Trump nỗ lực đạt một thỏa thuận, để Mỹ - Nga cùng giúp người tị nạn Syria trở về nước, lệnh cấm trên đã được gia hạn, trong Luật Quyền phòng thủ quốc gia 2019 (có thể sẽ thông qua trong tuần này).

Dù vậy, các tướng quân đội cấp cao Mỹ - Nga vẫn thường gặp nhau, gồm giữa Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Tướng thủy quân lục chiến Joseph Dunford, với Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga, Tướng Valery Gerasimov. Lầu Năm Góc giải thích các cuộc gặp này nhằm kéo giảm căng thẳng quân sự.

Ngày 27.7, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cho các nhà báo Mỹ biết: ông sẵn sàng tái khởi động đối thoại quân sự song phương.

Bảo Vĩnh (theo Newsweek)

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/nga-co-nguon-tin-biet-truoc-ke-hoach-quan-su-cua-my-93608.html